Khai thác khoáng sản: Quy hoạch tích cực nhưng vướng thuế
Thiệt thòi chuyện 'gánh' thuế thay |
Nút thắt chính sách thuế
Theo ông Bill Howell, Trưởng nhóm công tác khoáng sản của Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam 2018 (VBF 2018), các nhà đầu tư tiềm năng đánh giá Quy hoạch về thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng quặng vàng, đồng, niken và molipden đến năm 2025 là tín hiệu tích cực trong phát triển khai khoáng ở Việt Nam.
Ngoài nút thắt thuế, công nghệ khai khoáng cũng là yếu tố khiến Quy hoạch khó khả thi. (Ảnh minh họa: KT)
Tuy nhiên, sản lượng và thời gian khai thác dự kiến trong quy hoạch này là thiếu thực tế, bởi các doanh nghiệp trong nước chưa đủ năng lực tài chính, chuyên gia và công nghệ hiện đại để thực hiện.
Ông Howell cho biết: Trong một hội nghị gần đây tại Hà Nội, Vinacomin và hầu hết các doanh nghiệp khai thác khoáng sản ở Việt Nam đều thừa nhận họ đang đối mặt với “thách thức về công nghệ lạc hậu, mức độ cơ giới hoá thấp, nguồn nhân lực dồi dào nhưng năng suất thấp, vấn nạn ô nhiễm môi trường…”
Ngành công nghiệp khai khoáng của Việt Nam, chủ yếu do các doanh nghiệp nhà nước và tư nhân trong nước quản lý, hiện nay chỉ tập trung vào khai thác khoáng sản lộ thiên, dễ thăm dò hoặc nằm gần bề mặt như than, quặng sắt, bôxít, cát và đá vôi.
Ông Bill Howell, Trưởng nhóm công tác khoáng sản của VBF 2018: Thu hút đầu tư vào khai khoáng lại đang “mắc kẹt” bởi sự thiếu nhất quán trong các quy định khai thác khoáng sản, các mức thuế suất và phí cao. (Ảnh: Hồng Quang) |
Theo ông Howell - thành viên Viện Khai khoáng và Luyện kim Úc, bức tranh khai khoáng của Việt Nam sẽ thay đổi rõ rệt nếu Việt Nam thu hút lượng lớn các nhà đầu tư nước ngoài có công nghệ khai khoáng theo tiêu chuẩn quốc tế, có trách nhiệm với môi trường và đảm bảo an toàn.
Tuy nhiên, thu hút đầu tư vào khai khoáng lại đang “mắc kẹt” bởi sự thiếu nhất quán trong các quy định khai thác khoáng sản; các mức thuế tài nguyên, thuế xuất khẩu và các khoản phí khác ở Việt Nam đang cao hơn rất nhiều so với các nước khác. Đây là nguyên nhân khiến hầu hết các doanh nghiệp khai khoáng ở Việt Nam có ít hoặc không có lợi nhuận.
Chuyên gia Howell cho hay, hiện nay không có doanh nghiệp quốc tế nào đang đầu tư thăm dò khoáng sản mới và phát triển các tài nguyên tại Việt Nam, kể cả là đầu tư theo hình thức liên doanh giữa doanh nghiệp nước ngoài với đối tác Việt Nam.
Nhiều khu mỏ đã phải đóng cửa và ngừng hoạt động. Điển hình, hai dự án do doanh nghiệp nước ngoài thực hiện, gồm mỏ vàng Phước Sơn ở Quảng Nam đã đóng cửa, còn Niken Bản Phúc ở Sơn La phải ngừng hoạt động.
Phân tích về nút thắt của Niken Bản Phúc, Trưởng nhóm công tác khoáng sản của VBF 2018 cho hay, như báo chí phản ánh, Niken Bản Phúc lên kế hoạch triển khai dự án từ năm 2008 - thời điểm mà niken thế giới có giá trên 28.000 USD/tấn. Trước khi đi vào khai thác, công ty này đã đầu tư khoản 136 triệu USD. Tuy nhiên vào thời điểm khai thác năm 2013, thì giá niken thế giới đã giảm hơn một nửa xuống còn 13.000 USD/tấn. Năm 2016, giá niken tiếp tục giảm sâu, còn 8.000 USD/tấn.
Sau nỗ lực kiến nghị giảm thuế xuất khẩu đối với niken bất thành, công ty này hoạt động chịu lỗ và đến cuối năm 2016 thì dừng hoạt động.
Ông Howell đánh giá: Phí chuyển nhượng, thuế xuất khẩu, tiến cấp quyền và một số loại thuế khác mà Việt Nam đang áp dụng trong lĩnh vực khoáng sản là cao hơn nhiều so với các nước khác. Đáng nói là tác động của giá cả hàng hóa thế giới đối với khả năng sinh lời, vòng đời của dự án khai khoáng, cũng như sự thay đổi về hàm lượng quặng và tính biến động của môi trường khai thác… đều không được đưa vào xem xét trong chính sách thuế.
Đồng tình với quan điểm trên, một chuyên gia địa chất kinh tế trong nước cho rằng, chính sách thuế tài nguyên không ổn định và theo chiều hướng tăng dần là rào cản thu hút đầu tư vào khai khoáng.
“Thuế tài nguyên ở Việt Nam thuộc hàng cao nhất khu vực, thậm chí là trên thế giới. Một số nước áp dụng mức thuế tài nguyên chỉ từ 2 - 5%. Hơn nữa, cách tính thuế của họ cũng khác với Việt Nam, ví dụ, tính thuế 5% trên lợi nhuận thay vì tính thuế 5% trên giá bán”, vị chuyên gia này cho hay.
Theo chuyên gia này, không riêng gì Niken Bản Phúc mà nhiều doanh nghiệp khai khoáng khác cũng lâm vào cảnh tương tự. Năm 2016, theo khảo sát các dự án từ khu vực ven biển phía Bắc đến Nam Trung Bộ, trên 90% doanh nghiệp khai thác titan phải đóng cửa và dừng hoạt động do bất cập trong chính sách tài chính và biến động giá cả thị trường. Không những vậy, titan đòi hỏi phải công nghệ chế biến sâu và là điều không dễ đối với năng lực của doanh nghiệp trong nước.
Tính khả thi của Quy hoạch mới đây về quặng vàng, đồng, niken và molipden là không cao bởi chưa xác định được khu vực mỏ nào đã có “chủ”. Đây là “cái khó” đối với doanh nghiệp khi doanh nghiệp tìm hiểu đầu tư khai khoáng, chuyên gia địa chất kinh tế nhận định.
Chuyên gia này cho hay, các văn bản pháp lý về khai khoáng đều khẳng định nhu cầu thu hút đầu tư, nhưng thực tế thì nhà đầu tư phải đối mặt với cả “rừng rậm” các quy định và điều kiện, nhất là vấn đề liên quan đến đấu giá quyền khai thác.
Sớm gỡ nút thắt
Để tạo cú hích cho thu hút đầu tư khai khoáng, chuyên gia địa chất kinh tế khuyến nghị sửa Luật Khoáng sản năm 2010 càng sớm càng tốt, trên cơ sở đánh giá toàn diện hiệu quả đầu tư khoáng sản cho hai nhà: Nhà nước (bao gồm lợi ích của người dân) và nhà đầu tư.
Chuyên gia này cho rằng: “Cần phải giải bài toán cân bằng lợi ích giữa hai bên. Hiện nay nhiều nước trong khu vực và trên thế giới đã giải bài toán này bằng công thức tính lợi ích cụ thể. Với Việt Nam, nếu chưa có lợi cho đất nước thì không nên khai thác, trừ trường hợp phục vụ nhiệm vụ quốc phòng an ninh.”
Tại VBF giữa kỳ năm 2018, đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường cho hay, trước nay phần lớn các dự án khoáng sản không tính đến, tính đủ chi phí một cách tổng thể, chưa tính đến chi phí cho xã hội, cho môi trường một cách hoàn hảo để đưa vào tổng chi phí. Trong thời gian tới, sẽ hình thành bộ tiêu chí phát triển bền vững cho từng dự án mỏ cụ thể và ưu tiên cho các dự án có công nghệ khai thác, chế biến hiện đại, thân thiện môi trường.
Chủ trương chung là không hạn chế nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt là nhà đầu tư có kinh nghiệm, có tiềm lực về công nghệ chế biến sâu và xử lý môi trường, nhất là chất thải phát sinh từ ngành khai khoáng.
Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng quặng vàng, đồng, niken và molipden đến năm 2025, có xét đến năm 2035 được phê duyệt vào cuối tháng 7/2018. Theo đó, Việt Nam phấn đấu vào năm 2020 đưa sản lượng khai tuyển đạt 146,433 nghìn tấn tinh quặng vàng, 216 nghìn tấn tinh quặng đồng, 103 nghìn tấn tinh quặng niken.
Đến năm 2025 phấn đấu đạt 146,393 nghìn tấn tinh quặng vàng, 206 nghìn tấn tinh quặng đồng, 118 nghìn tấn tinh quặng niken và 1.500 tấn tinh quặng molipden.
Quy hoạch cũng xác định tổng nhu cầu vốn đầu tư cho hoạt động thăm dò, khai thác và chế biến đối với từng loại như sau: Quặng vàng khoảng 3.795 tỷ đồng, quặng đồng khoảng 2.830 tỷ đồng, quặng niken khoảng 2.151 tỷ đồng và molipden khoảng 620 tỷ đồng.