|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Tranh chấp Nhật - Hàn có thể đẩy giá chip nhớ lên cao

11:48 | 02/08/2019
Chia sẻ
Theo một nhà phân tích, cuộc tranh chấp thương mại đang diễn ra giữa Nhật Bản và Hàn Quốc có thể thúc đẩy giá chip nhớ, vốn vẫn duy trì ở mức thấp trong khoảng một năm qua.
106031255-1563760343723gettyimages-1154670202

Ảnh: Bloomberg

Do tranh chấp ngày càng lớn về vấn đề lao động thời chiến, Nhật Bản đã đưa ra các hạn chế nghiêm ngặt hơn đối với việc xuất khẩu ba vật liệu công nghệ cao quan trọng mà các công ty công nghệ Hàn Quốc như Samsung sử dụng để sản xuất chip và màn hình điện thoại thông minh.

Theo CNBC, tình hình có thể leo thang hơn trong tuần này nếu Nhật Bản loại Hàn Quốc khỏi danh sách đối tác thương mại đáng tin đang được hưởng ưu đãi từ nước này.

Samsung có thể phải tìm kiếm nguồn cung ứng thay thế cho toàn bộ linh kiện và vật liệu công nghệ nhập khẩu từ Nhật Bản mà hãng cần để sản xuất chip nhớ, pin và màn hình hiển thị, ông Mark Newman, giám đốc điều hành tại Sanford C. Bernstein cho hay hôm 31/7.

"Samsung cần phải kiểm tra chất lượng nguồn cung thay thế", ông Newman cho hay trên chương trình "Squawk Box" của CNBC.

Qui trình kiểm tra này thường mất hai đến ba tháng và có thể khiến khối lượng chip dự trữ của Samsung sụt giảm. Theo ông Newman, hoạt động kinh doanh chip nhớ là nguồn doanh thu quan trọng của Samsung.

"Hoạt động sản xuất của Samsung có khả năng trì trệ trong một vài tuần. Nếu điều đó thực sự xảy ra, nó sẽ mang lại tác động tích cực đáng kể đến giá chip nhớ", ông nhận định và đồng thời nói thêm rằng giá bộ nhớ giao ngay (spot price) đã bắt đầu tăng trở lại.

Tuy nhiên, ông Newman cũng lưu ý, vấn đề nguồn cung sẽ không gây ra tình trạng khẩn cấp ngay lập tức với Samsung vì công ty này hiện đã dự trữ đủ hàng để tiếp tục sản xuất.

Nội các của Thủ tướng Shinzo Abe đã thông qua việc loại bỏ Hàn Quốc khỏi danh sách trắng (gồm các đối tác hưởng ưu đãi về kinh tế), chính sách sẽ có hiệu lực vào cuối tháng 8 này.

Tuy nhiên, một số chuyên gia cho rằng tranh chấp thương mại giữa Tokyo và Seoul có thể sẽ không gây ra bất kì sự gián đoạn nào đối với chuỗi cung ứng.

"Miễn là các loại vật liệu này rời Nhật Bản và đến tay nhà phân phối, sau đó chúng có thể được chuyển đường vòng đến Hàn Quốc", ông Mehdi Hossein, nhà phân tích cao cấp về phần cứng công nghệ tại Susquehanna Financial Group, cho hay hôm 31/7.

"Có thể quá trình vận chuyển hàng hóa như vậy dễ đi kèm cùng một khoản chi phí gia tăng, nhưng tương tự tình hình giữa Mỹ và Trung Quốc, tranh chấp Nhật - Hàn không thực sự gây ra sự gián đoạn đáng kể nào".

Yên Khê