Tranh cãi việc có nên cho phép nhập khẩu mía cây qua cửa khẩu phụ không?
Tại phiên trả lời chất vấn sáng ngày 21/8, Đại biểu Trần Hữu Hậu - Đoàn ĐBQH tỉnh Tây Ninh đề nghị Bộ trưởng Bộ Công thương cho biết giải pháp tháo gỡ khó khăn cho phép mặt hàng mía cây được nhập khẩu qua cửa khẩu phụ.
Trả lời vấn đề này, Bộ trưởng Công Thương cho biết theo quy định hiện hành, mía cây không thuộc danh mục hàng hóa được phép mua bán, trao đổi qua cửa khẩu.
“Về cơ bản, việc nhập khẩu một loại hàng hoá khi nguồn cung trong nước chưa đáp ứng là điều cần cần thiết. Tuy nhiên, với mặt hàng cây mía vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau. Bên cạnh đó, báo cáo của tỉnh Tây Ninh cũng không đề cập đến phương án tiêu thụ mía cho nông dân trên địa bàn trước khi đề cập việc thực hiện nhập khẩu này”, ông Diên nói.
Để đảm bảo bình ổn thị trường, Bộ Công Thương đã lấy ý kiến các Bộ ngành về nội dung này. Trong đó, Bộ Công Thương, Bộ Tư pháp, Bộ Quốc phòng, Bộ Ngoại giao đều không phản đối ý kiến của UBND tỉnh Tây Ninh về vấn đề nhập khẩu mía cây qua cửa khẩu phụ.
Tuy nhiên, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn có ý kiến khác so với với Hiệp hội Mía đường Việt Nam.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho rằng Bộ Công Thương nên xem xét cung cầu trong nước để cho phép nhập khẩu mặt hàng mía cây để phục vụ sản xuất, vừa đảm bảo thị trường, vừa bảo vệ, thúc đẩy ngành sản xuất mía đường trong nước, hài hoà lợi ích của người trồng mía.
Trong khi đó, Hiệp hội Mía đường cho rằng kiến nghị của UBND tỉnh Tây Ninh về nhập khẩu mía cây là không phù hợp với phương hướng, mục tiêu phát triển ngành mía đường Việt Nam; có dấu hiệu của hành vi trốn thuế; không phù hợp với chỉ đạo của Thủ tướng.
“Như vậy còn đang có ý kiến khác nhau về vấn đề này do đó, chúng tôi đang trong quá trình tiếp thu, giải trình báo cáo với Chính phủ. Nếu như Chính phủ quyết theo phương án nào thì chúng tôi sẽ tuân thủ theo phương án đó”, ông Diên nói.
Hồi đáp lại ý kiến của của Bộ trưởng Công Thương, đại biểu Trần Hữu Hậu cho biết mía cây chỉ bị cấm khi đưa qua cửa khẩu phụ, còn qua cửa khẩu chính và cửa khẩu quốc tế thì bình thường. Bên cạnh đó, do cạnh tranh giữa mía, sắn, cao su có giá trị cao hơn vào năm 2012, nay mía đã bị cây sắn và nhiều loại cây khác lấn lướt do hiệu quả cao, làm giảm diện tích cây mía và không đủ nguyên liệu cho các hoạt động của các nhà máy.
Việc các doanh nghiệp, hộ kinh doanh và cá nhân tỉnh Tây Ninh trồng mía ở Campuchia là thực hiện chương trình hợp tác giữa Tây Ninh và các tỉnh giáp biên của Vương quốc Campuchia.
Thông tư 201 năm 2012 của Bộ Tài chính; hướng dẫn chính sách thuế đối với hàng lâm sản chưa qua chế biến do Việt Nam hỗ trợ đầu tư trồng tại Campuchia nhập khẩu về nước…
“Do đó, về bản chất không phải là hoạt động mua bán hàng hóa qua biên giới theo hoạt động thương mại. Vì vậy, chúng ta càng cần linh động để giảm bớt các quy định không phù hợp”, đại biểu nói.