Tranh cãi về quy định Facebook, Google phải đặt văn phòng tại Việt Nam
Lớp học quảng cáo Facebook 'quý hơn vàng' của doanh nhân ở Hà Nội | |
CEO Facebook Việt Nam: Thành công sớm chưa chắc tốt hơn thất bại sớm |
Ảnh minh họa. |
Khó khả thi
Góp ý vào nội dung này, đại biểu Cao Đình Thưởng (đoàn Phú Thọ) đánh giá quy định Facebook, Google phải đặt văn phòng tại Việt Nam sẽ hữu ích nếu thực hiện được nhằm kiểm soát dữ liệu người dùng, phục vụ điều tra, ngăn chặn, phòng chống tội phạm, chống xuyên tạc, phản động.
“Tuy nhiên, khi đã đưa ra quy định này mà phía các doanh nghiệp nước ngoài, như Google hoặc Facebook, không thực hiện thì giải pháp của chúng ta ở đây là gì? Liệu có cho ngừng cung cấp dịch vụ trên lãnh thổ Việt Nam hay không? Vì vậy, cần phải có quy định phù hợp với thực tiễn Việt Nam và mối quan hệ hiện nay cũng như những cam kết của Việt Nam với nước ngoài và pháp luật quốc tế”, ông Thưởng lưu ý.
Theo đại biểu Phạm Thị Thanh Thủy (đoàn Thanh Hóa), việc yêu cầu đối với các cơ quan, tổ chức nước ngoài khi cung cấp dịch vụ trên không gian mạng tại Việt Nam phải đặt trụ sở hoặc văn phòng đại diện tại Việt Nam là khó khả thi, không phù hợp với tình hình thực tiễn, làm gia tăng chi phí của doanh nghiệp.
Việc này cũng gây khó khăn cho các hoạt động tiếp cận thông tin của người dân Việt Nam trong trường hợp các doanh nghiệp nước ngoài không thực hiện việc đặt trụ sở hoặc văn phòng đại diện tại Việt Nam.
“Nếu các doanh nghiệp nước ngoài không tuân thủ quy định này thì có thể sẽ không được phép cung cấp dịch vụ tại Việt Nam, ảnh hưởng rất lớn đối với việc truy cập thông tin và sử dụng dịch vụ của người dân, nhất là trong bối cảnh nước ta chưa có được bất kỳ thương hiệu nào đáp ứng nhu cầu truy cập thông tin và sử dụng dịch vụ của người dân”, bà Thuỷ phân tích.
Bên cạnh đó, nữ đại biểu cũng chỉ rõ, trong cam kết của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), dịch vụ viễn thông cung cấp qua biên giới và không hạn chế tiếp cận thị trường, trừ một số trường hợp cụ thể. Nhưng, trong các trường hợp loại trừ đó không có quy định phải có cơ quan đại diện, văn phòng đại diện trên lãnh thổ của Việt Nam. Cam kết trong Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU mà Việt Nam đã ký kết cũng tương tự. Bởi vậy, quy định doanh nghiệp nước ngoài phải đặt cơ quan đại diện, văn phòng đại diện ở Việt Nam sẽ không đúng với các cam kết.
Cần thiết để bảo vệ chủ quyền
Trái ngược với các đại biểu trên, đại biểu Nguyễn Hồng Vân (đoàn Phú Yên) lại cho rằng việc đặt văn phòng của các doanh nghiệp nước ngoài như Google, Facebook tại Việt Nam là hết sức cần thiết. Vì thực tế, Facebook đã đặt văn phòng đại diện trên 80 nước, còn Google cũng đặt tại 70 địa chỉ trên thế giới. Đánh giá việc này nhằm “đảm bảo chủ quyền của đất nước”, đại biểu Vân nhấn mạnh tính cần thiết của quy định này.
Đại biểu Nguyễn Thanh Hồng (đoàn Bình Dương) cho rằng không nên lo ngại việc quy định này sẽ khó thực hiện, cũng không nên sợ vi phạm cam kết quốc tế. “Trong báo cáo đã nêu rõ với các ngoại lệ về an ninh thì chúng ta áp dụng như thế nào”, đại biểu Hồng chỉ ra.
Đồng thời, theo đại biểu Nguyễn Thanh Hồng, hiện nay, Nghị định 72 của Chính phủ đã quy định các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông internet phải có một hệ thống máy chủ tại Việt Nam, cho nên không cần thiết phải quy định trong luật này.
Ông Nguyễn Minh Đức, đại biểu TP. HCM, dẫn chứng Google hay Facebook đều là những doanh nghiệp thực hiện các hoạt động cung cấp các dịch vụ trên không gian mạng và họ đều có nghĩa vụ phải đóng thuế cho nước Mỹ.
Bên cạnh đó, Việt Nam đã có quy định về vấn đề đặt văn phòng đại diện với các doanh nghiệp này trong Luật Thương mại 2005, Luật Ngoại thương 2017. Theo đó, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ đương nhiên họ phải theo luật điều chỉnh này.
“Hiện nay, Facebook đã có 80 văn phòng đại diện ở các quốc gia trên thế giới và 70 văn phòng đại diện ở các khu vực trên thế giới. Rõ ràng chúng ta thấy không có gì ngại trong vấn đề này”, ông Đức nói.
Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An - Đại tá Nguyễn Hữu Cầu – nêu căn cứ cho quy định Facebook, Google phải đặt văn phòng tại Việt Nam. Thứ nhất, Luật Thương mại 2005 và Luật Ngoại thương 2017 quy định rõ phải đặt văn phòng đại diện tại Việt Nam.
Thứ hai, doanh nghiệp viễn thông cũng như các doanh nghiệp khác, việc đặt văn phòng đại diện là nguyên tắc “Chúng ta nói là tại sao doanh nghiệp khác đặt văn phòng đại diện còn doanh nghiệp thông tin lại không đặt”, Đại tá Cầu đặt câu hỏi.
Ngoài ra, theo thông lệ quốc tế, Facebook đã tập trung vào văn phòng đại diện, Google cũng tương tự. Trên thế giới đã có 18 nước yêu cầu và doanh nghiệp phải thực hiện nội dung này.
“Như vậy, từ góc độ pháp luật của Việt Nam, thực tiễn của Việt Nam cũng như thông lệ quốc tế, chúng tôi thấy quy định này là có lý và chúng ta có thể thực hiện được”, ông Cầu nhấn mạnh.
Xem thêm |