Trăn trở trước nạn thực phẩm bẩn, tiến sĩ trẻ khởi nghiệp để giúp mọi gia đình tự làm giá đỗ sạch
Đỗ Ngọc Chung, tiến sĩ vật liệu và linh kiện nano, từng tốt nghiệp Đại học quốc gia Hà Nội năm 2002 rồi công tác Viện Hàn lâm và Khoa học Việt Nam trong 7 năm. Từ năm 2009, anh bắt đầu trở thành giảng viên của trường Đại học Quốc gia, đồng thời tiếp tục làm nghiên cứu sinh ở Viện Hàn lâm và Khoa học Việt Nam.
Khao khát tạo ra ứng dụng thực tiễn
Hành trình khởi nghiệp của Đỗ Ngọc Chung bắt đầu sau quá trình nghiên cứu 10 năm. Hồi ấy anh nhận ra rằng người làm khoa học không nhất thiết phải sáng tạo ra những thứ cao siêu mà cần tạo ra những sản phẩm có ứng dụng thực tế với người tiêu dung.
Năm 2014, sau 1 năm nghiên cứu, anh cho ra đời thiết bị làm rau giá sạch đa năng GV-102. Vị tiến sĩ nảy ra ý tưởng khi thấy vùng quê Phương Trung, Thanh Oai, Hà Nội của anh chuyên sản xuất rau giá nhưng lại sản xuất theo phương pháp lạc hậu, không hiệu quả và sử dụng chất kích thích để giá phát triển nhanh. Với những kiến thức khoa học của bản thân, anh đã tìm tòi để tạo ra thiết bị làm giá công nghiệp cho bà con.
Tuy nhiên, khi đã tạo ra thiết bị làm giá và chuẩn bị đưa vào ứng dụng anh nhận ra người dân có thể sử dụng sai mục đích nhằm trục lợi. Thiết bị tạo ra 8 kg giá từ 1 kg đỗ, nhưng khi người dân sử dụng chất kích thích, nó sẽ tạo ra 10 -12 kg giá.
“Hành vi đó sẽ gây nên hậu quả rất tai hại và không thể kiểm soát được”, anh nhận định.
Bộ trưởng Khoa học Công nghệ trao giải thưởng cho tiến sĩ Đỗ Ngọc Chung trong Hội chợ Công nghệ và Thiết bị Quốc tế Việt Nam năm 2015. Ảnh: VTC |
Với suy nghĩ ấy, Chung quyết định dừng lại và tìm hướng mới để sản phẩm mang lại lợi ích lớn nhất đối với người tiêu dùng. Qua khảo sát thị trường, tìm hiểu tâm lý khách hàng, anh thấy mọi người rất lo lắng khi mua rau giá ngoài chợ. Họ chỉ yên tâm khi chính họ làm ra. Từ đây, anh nảy ra ý tưởng chế tạo thiết bị làm rau giá cho gia đình.
Thiết bị làm rau giá cho gia đình đã giúp anh giải quyết 3 khó khăn về tài chính, thị trường và mục đích sử dụng. Về tài chính, sản xuất thiết bị làm giá không cần nhiều vốn. Thứ hai, thị trường tiêu thụ sẽ lớn hơn, bởi người tiêu dùng có thể sẵn sàng chi số tiền lớn để mua một thiết bị làm rau sạch. Vì khách hang mua máy để phục vụ nhu cầu của họ, sản phẩm sẽ không bị sử dụng sai mục đích.
Tháng 10/2014, Đỗ Ngọc Chung thành lập công ty Giải pháp Năng lượng Toàn Diện với số vốn đầu tư ban đầu là 300 triệu đồng mà anh huy động từ anh em, bạn bè. Và sản phẩm đầu tiên là thiết bị rau giá sạch đa năng nên anh đặt tên nó là GV- 102 (hàm ý là “Giá Việt có một không hai”). Sản phẩm có giá 245 nghìn đồng. Tháng 4/2015, công ty tung ra phiên bản hai với mẫu mã đẹp và tiện ích hơn, với giá 320 nghìn đồng. Tính đến thời điểm hiện tại, công ty đã hòa vốn nên giảm giá còn 250 nghìn đồng/ sản phẩm.
Nhiều người chuộng sản phẩm nên các doanh nghiệp phân phối tự tìm đến Toàn Diện. Theo ước tính của công ty, khoảng 500 nghìn hộ gia đình đang sử dụng thiết bị làm rau giá sạch đa năng thương thiệu GV- 102. Sản phẩm còn được bán sang các nước như Ba Lan, Tiệp , Mỹ bằng hình thức xách tay.
Một cửa hàng bán máy làm giá đỗ ở thành phố Hà Nội. Ảnh: Công ty Toàn Diện |
Ngoài thiết bị làm rau giá sạch đa năng, tiến sĩ Chung còn sáng chế ra nhiều sản phẩm như phễu thoát nước, tăm nguyên sinh và sản phẩm mới nhất là thiết bị làm rau dinh dưỡng Happy. Các sản phẩm của anh đều có một điểm chung là mang đến giá trị sử dụng tối ưu nhất cho người tiêu dùng và thân thiện với môi trường.
“Hiện tại, công ty Giải pháp Năng lượng Toàn Diện sẽ tập trung nghiên cứu hơn việc tìm đầu ra cho sản phẩm”, anh Chung chia sẻ.
Truyền lửa cho những người khởi nghiệp
Vừa phát triển công ty, TS Đỗ Ngọc Chung còn dành thời gian để phát triển phòng nghiên cứu nhằm tạo ra thêm nhiều những sản phẩm mang tính ứng dụng cao. Phòng nghiên cứu ra đời năm 2015,với mục đích hiện thực hóa những ý tưởng khởi nghiệp của các bạn trẻ. 5 thành viên trong phòng nghiên cưu vừa đưa ra ý tưởng của cá nhân, vừa hỗ trợ phát triển các sản phẩm của công ty. Cơ chế này giúp các bạn trẻ có nhiều kinh nghiệm và bài học để đưa ra một mô hình hoàn hảo nhất cho ý tưởng của họ.
“Những sinh viên đến phỏng vấn gần như đều được chúng tôi tiếp nhận. Tuy kiến thức của họ còn hạn chế song họ có đam mê và khát khao cống hiến.Tôi muốn tạo một môi trường nghiên cứu thực tế để giúp đỡ các bạn trẻ, đồng thời xây dựng công ty thành một trung tâm nghiên cứu lớn” CEO của Toàn Diện thổ lộ.
Quan điểm của anh Chung là người làm khoa học muốn khởi nghiệp cần có những ý tưởng thiết thực, có giá trị cho xã hội. Họ nên biết kết hợp với các đối tác để tìm đầu ra cho sản phẩm, tìm hiểu nhu cầu thị trường, vẽ ra mô hình tổng thể cho sản phẩm.
"Bạn phải nhìn thấy dòng tiền xuyên suốt trong quá trình khởi nghiệp. Nếu hệ số dương thì khi đó bạn đã thành công và các nhà đầu tư sẽ tự tìm đến bạn”, anh nhấn mạnh.