|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Trái ngược Fed, PBoC sắp nới lỏng chính sách tiền tệ?

16:34 | 23/11/2021
Chia sẻ
Trong báo cáo mới nhất, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) đã điều chỉnh một số nhận định. Giới chuyên gia tin rằng đây là dấu hiệu cho thấy PBoC sắp nới lỏng chính sách để hỗ trợ nền kinh tế đang trên đà giảm tốc.

Tín hiệu nới lỏng chính sách

Kể từ khi Trung Quốc vượt qua được cú sốc kinh tế do đại dịch COVID-19 gây ra vào năm ngoái, PBoC, cũng tức là ngân hàng trung ương (NHTW) của Trung Quốc, gần như chưa thay đổi lập trường chính sách tiền tệ.

Ở diễn biến khác, trong các tháng gần đây, tăng trưởng kinh tế của đất nước tỷ dân đã chững lại đáng kể trong bối cảnh Bắc Kinh tăng cường kiểm soát lĩnh vực bất động sản, nhà máy thiếu điện trên diện rộng và chi tiêu tiêu dùng sụt giảm.

Báo cáo chính sách tiền tệ quý III của Trung Quốc vừa được công bố hồi cuối tuần trước. Trong văn bản này, PBoC đã loại bỏ một số nội dung, khiến các chuyên gia tin rằng NHTW Quốc sắp nới lỏng chính sách để giúp đỡ nền kinh tế.

Theo đó, PBoC đã xóa bỏ một cụm từ hàm ý cơ quan này sẽ không tung ra các biện pháp kích thích quy mô lớn một cách ồ ạt. Đây là thuật ngữ đã xuất hiện trong các tuyên bố của chính quyền Bắc Kinh ít nhất là từ năm 2019.

Trái ngược Fed, PBoC sắp nới lỏng chính sách tiền tệ? - Ảnh 1.

Người dân đi qua lại trước cổng Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC). (Ảnh: Reuters).

Chia sẻ với CNBC, ông Ting Lu, kinh tế trưởng tại Nomura Holdings, cho hay: "Theo quan điểm của chúng tôi, động thái xóa bỏ một số nhận định cũ của PBoC thể hiện một sự thay đổi lớn trong lập trường của NHTW Trung Quốc, đồng thời tạo tiền đề cho việc nới lỏng tiền tệ và tín dụng một cách dứt khoát hơn".

Ông Lu cũng lưu ý, Trung Quốc đang trong giai đoạn suy thoái kinh tế tồi tệ nhất kể từ năm 2015. Ngoài ra, vị chuyên gia cũng chỉ ra một số đoạn bị loại bỏ khác, như nội dung về kiểm soát cung tiền. Mở rộng cung tiền thường kích thích người dân chi tiêu nhiều hơn, qua đó củng cố hoạt động kinh tế.

Theo nhà kinh tế Larry Hu của ngân hàng Macquarie, lần đầu tiên PBoC xóa đi nội dung về cung tiền là trong một báo cáo công bố vào tháng 11 năm ngoái, khi NHTW này chuẩn bị giảm bớt các biện pháp kích thích thời đại dịch.

"Lần này, việc loại bỏ cụm từ trên cho thấy PBoC đang sửa soạn để nới lỏng chính sách tiền tệ", ông Hu nhấn mạnh. Ở một phần khác, PBoC cũng đã xóa thông tin liên quan đến việc duy trì chính sách tiền tệ "bình thường".

Chưa kể, ông Hu cho biết PBoC đã thận trọng hơn đối với triển vọng lạm phát. Mặc dù tiêu đề phụ trong báo cáo mô tả áp lực lạm phát tại Trung Quốc là "có thể kiểm soát được", các tác giả lại loại bỏ thông tin tại sao NHTW Trung Quốc không thiết lập cơ sở đánh giá cho lạm phát hoặc giảm phát dài hạn.

Tín hiệu nới lỏng chính sách của PBoC còn diễn ra trong bối cảnh Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đang chuẩn bị giảm bớt chương trình thu mua trái phiếu, dọn đường cho kế hoạch tăng lãi suất từ năm tới.

Lĩnh vực bất động sản tiếp tục bị kìm kẹp

Bất chấp một số điều chỉnh trong báo cáo chính sách quý III, PBoC lại giữ nguyên lãi suất cho vay chuẩn trong tháng thứ 19 liên tiếp kể từ tháng 4/2020.

Bình luận về động thái trên, ông Bruce Pang, trưởng bộ phận nghiên cứu vĩ mô tại hãng tư vấn China Renaissance, nói: "Tôi không nghĩ sẽ có sự thay đổi lớn trong chính sách tiền tệ của PBoC".

Trái lại, việc chỉnh sửa bản báo cáo cho phép các quan chức NHTW Trung Quốc có thêm dư địa chính sách để tùy ý hành động trong tương lai, ông Pang nhận định.

Đáng chú ý, mặc cho những lo ngại ngày càng lớn về suy thoái kinh tế, PBoC vẫn duy trì lập trường nghiêm khắc đối với thị trường bất động sản cũng như các ngành liên quan. Hiện, bất động sản đóng góp khoảng 25% GDP cho nền kinh tế tỷ dân.

Sau khi Bắc Kinh nỗ lực giảm khối nợ của các công ty địa ốc trong nước, Evergrande Group, một gã khổng lồ trong ngành, đã rơi vào bế tắc tài chính và đang đứng trước bờ vực vỡ nợ.

"Nomura tin tưởng kịch bản tồi tệ nhất đối với thị trường địa ốc và nền kinh tế Trung Quốc chưa xuất hiện. Có lẽ là sau mùa xuân năm 2022, chúng ta mới có thể thấy một số thay đổi trong chính sách quản lý ngành bất động sản của Trung Quốc", kinh tế trưởng Ting Lu nhấn mạnh.


Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/

Khả Nhân

Trước thềm Diễn đàn Đầu tư Việt Nam: Đầu tư thụ động trong bối cảnh vĩ mô không chắc chắn
Trong năm 2024, lãi suất tiền gửi có kỳ hạn đang ở mức thấp. 4 ngân hàng quốc doanh có mức huy đông kỳ hạn 12 tháng đang ở mức 4,6%-5,0%. Trong khi đó thị trường trái phiếu, cũng như thị trường bất động sản đều chưa phục hồi, dẫn đến thiếu các kênh đầu tư tài chính hấp dẫn. Lượng tiền gửi trong ngân hàng đang ở mức cao nhất trong lịch sử đạt gần 6,84 triệu tỷ đồng vào tháng 7/2024.