'Trái đắng' đất Bình Dương
Đầu tháng 5, chúng tôi có dịp đi qua các thị xã Thuận An, Bến Cát (tỉnh Bình Dương), các khu đô thị mới như thiếu hẳn sinh khí. Và điều này đã được cảnh báo từ vài năm trước khi đô thị mới bắt đầu xây dựng, giá đất cũng lên cơn sốt.
Khu đô thị nhưng hàng quán ế ẩm
Từ tỉnh Bình Phước, gia đình ông Thái Văn Long đến mua đất xây nhà tại Khu đô thị Mỹ Phước 3 (thị xã Bến Cát), với mong muốn “lên đời” cho vợ con. Ông Long sau đó mở một quán ăn kèm nước giải khát. Ngày đầu, quán thưa thớt khách. Chờ đợi thêm một năm, rồi hai năm, quán vẫn không có khách. Đến giờ thì ông nản hẳn, đang tính đóng cửa quán.
Ông tâm sự như mếu: “Năm 2014, tôi bắt đầu sống ở Khu đô thị Mỹ Phước 3. Đã 4 năm trôi qua, dân cư trong vùng vẫn rất thưa thớt, vì vậy mà hàng quán ở đây rất ế ẩm. Trong khu đô thị, nhà xây lên thì nhiều mà không có người đến mua. Có lẽ gia đình tôi đã sai lầm khi chọn khu vực này để làm ăn, sinh sống”.
Do tính toán không thực tế của chính quyền sở tại, hiện nay tại một số khu đô thị trên địa bàn tỉnh Bình Dương, hàng ngàn ngôi nhà xây lên rồi bỏ hoang, những dự án đất nền làm bãi chăn thả bò, tiêu tốn hàng tỷ USD. Đã vậy, Bình Dương lại thiếu kết nối giao thông liên vùng đồng bộ để thoát khỏi thế “mắc kẹt”. |
Nhiều người dân ở Khu đô thị Mỹ Phước 3 cũng đang lâm vào tình trạng tương tự như gia đình ông Thái Văn Long. Người thì đầu tư mua hàng loạt lô đất với ý định bán lại kiếm lời, người xây nhà nghỉ, khách sạn hoặc mua máy móc, vật tư về phục vụ nhu cầu xây dựng khi khu đô thị mới hình thành.
Nhưng đầu tư một đống của, khu đô thị thì bỏ hoang, khiến họ “mắc kẹt” không lối thoát trong Khu đô thị Mỹ Phước 3.
Ghi nhận của ĐTTC, thời gian gần đây, BĐS Bình Dương có tăng nhưng không bằng các tỉnh Long An, Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu. Bình Dương cũng không có dự án mới nào tung ra. Cũng dễ hiểu vì những dự án cũ còn rất nhiều sản phẩm, thành ra các doanh nghiệp BĐS không tung ra sản phẩm mới để giải quyết hàng tồn.
“Những năm 2012-2014, các chủ đầu tư ở tỉnh này đưa ra thị trường rất nhiều sản phẩm đất nền, với giá cực kỳ hấp dẫn. Rồi xuất hiện tình trạng khách hàng cứ mua đi, bán lại. Cho đến nay, cả tỉnh Bình Dương chỉ có gần 1,5 triệu dân và vài trăm ngàn người nhập cư, trong khi đó trên địa bàn lại có đến vài triệu nền đất. Nguồn cung quá nhiều, nên ế ẩm khách hàng là điều chắc chắn”-ông Nguyễn Thanh Bình, nhà đầu tư BĐS ở TP HCM nhận xét.
Một khu tại thành phố mới Bình Dương bị bỏ hoang, những khu đất nền nay chỉ để chăn thả bò. Ảnh: Đức Trung |
Ám ảnh “thành phố ma”
Vào những năm 2010, phong trào xây dựng Trung tâm hành chính tập trung phát triển rất “hot” ở nước ta. Vốn dĩ năng động, Bình Dương đã tổ chức thi công Trung tâm hành chính tập trung, nằm trong vùng lõi của TP mới Bình Dương. Tòa nhà này cũng là điểm nhấn trong tổng thể quy hoạch TP. Nhằm “đón sóng”, nhà đầu tư tại chỗ và TP HCM đã triển khai hàng loạt dự án BĐS tại TP mới, đoạn gần Trung tâm hành chính.
Những con đường vuông vức, rộng rãi được mở ra, bám dọc hai bên là những căn hộ liên kế được thiết kế xinh xắn. Chủ đầu tư, các nhà môi giới cũng không quên “rót” vào tai khách hàng rằng khi tòa nhà Trung tâm hành chính công hoạt động, dân cư sẽ tụ về, giá sẽ tăng gấp bội. Thực tế là Trung tâm hành chính tỉnh Bình Dương hoạt động đã 5 năm, song cả TP mới rất vắng vẻ, người dân không đến khu vực này sinh sống.
Chúng tôi đi sâu vào TP mới Bình Dương, quan sát thấy hầu hết các căn nhà xây sẵn trong khu đô thị này mới chỉ hoàn thiện bên ngoài. Bên trong còn nguyên gạch, vữa, khi có người dọn đến ở mới phải hoàn thiện nội thất. Điều khiển ô tô chạy khắp các con đường trong TP mới, cảm giác của chúng tôi là đường sá rất dài, rộng, song hai bên con đường không một bóng người, những vệt đất trống được quy hoạch bỏ mọc um tùm, những đàn bò nhởn nhơ gặm cỏ. Thi thoảng, chúng tôi bắt gặp vài ngôi nhà kiên cố đã xây dựng hoàn chỉnh bị bỏ hoang, rêu phong ẩm mốc.
Ghé vào quán nước ven đường để nghỉ chân, chị chủ quán thấy khách đường xa mừng ra mặt và buông lời cảm thán: “Phí quá, ở tỉnh Bình Dương, người thì không có nhà ở, chỗ thì bỏ một đống tiền, xây xong rồi bỏ hoang. Ví dụ như khu đô thị này”. Một nhân viên của công ty BĐS tại TP mới Bình Dương, cho biết thời gian trước cũng có một số ngân hàng, công ty thuê hoặc mua các căn nhà mặt tiền gần Trung tâm hành chính tỉnh làm văn phòng giao dịch. Tuy nhiên, do không có người qua lại, giao dịch, việc kinh doanh ế ẩm nên hầu hết đã dọn đi từ vài năm nay. Về đêm, cả TP vắng vẻ, các hoạt động vui chơi, giải trí hầu như không có tại nơi này.
Giao thông liên vùng chưa đồng bộ
Theo phân tích của các chuyên gia đô thị học, việc tỉnh Bình Dương “dời đô” từ trung tâm TP Thủ Dầu Một đến TP mới Bình Dương là tham vọng lớn, không đúng nhu cầu thực. Việc “dời đô” đến một khu vực mới sẽ đối diện với nhiều thách thức, bởi sức ỳ ở lại của người dân tỉnh lỵ là rất lớn. Người dân vẫn chỉ quanh quẩn ở khu vực cũ nếu chính quyền không thực hiện đồng bộ các vấn đề dịch vụ, thương mại, siêu thị, bệnh viện, trường học…
Còn trong góc nhìn của các nhà đầu tư, giá nhà đất ở TP mới hiện còn rất cao, nên không thu hút được nhiều khách hàng. Một căn nhà liền kề tại đây có diện tích hơn 100m2 nhưng giá từ 3 - 5 tỷ đồng, đối với biệt thự có mức giá trên 10 tỷ đồng/căn. Mức giá này chỉ phù hợp với chuyên gia nước ngoài, Việt kiều, nhưng phần lớn những đối tượng này lại thuê nhà tại TP HCM, vì có những dịch vụ hoàn chỉnh, đồng bộ.
Trong khi đó, dân Bình Dương đa số là công nhân, người lao động nhập cư, mức giá đó ngoài tầm với của họ. Mấy năm qua, hàng ngàn căn nhà kiên cố đã được mọc lên ở TP mới Bình Dương, Khu đô thị Mỹ Phước 3… sau đó bị bỏ hoang; đó là chưa kể hàng ngàn ha đất nền được san ủi, phân lô, trị giá cả tỷ USD, đã khiến nhân dân trong tỉnh xót xa khi nguồn lực đất đai bị hoang hóa.
Công bằng mà nói, từ TP HCM đến trung tâm TP mới chỉ vài chục phút. Song di chuyển trên tuyến độc đạo QL13, người đi đường sẽ bị chôn chân bởi nút thắt cổ chai tại quận Thủ Đức (TP HCM). Vì vậy, nhiều người lo ngại sẽ ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống, công việc hàng ngày, nên dù có hấp dẫn đến đâu BĐS Bình Dương không phải là một lựa chọn hay.