|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Tp.HCM 'không thể đi theo con đường bình thường'

07:35 | 10/03/2017
Chia sẻ
Như VnEconomy đã thông tin, tại hội thảo “Kịch bản Kinh tế Việt Nam 2017” do Thời báo Kinh tế Việt Nam tổ chức sáng 9/3, Bí thư Thành uỷ Tp.HCM Đinh La Thăng đã đến tham dự và phát biểu.

tphcm khong the di theo con duong binh thuong

Hội thảo Kịch bản Kinh tế Việt Nam 2017 do Thời báo Kinh tế Việt Nam tổ chức ngày 9/3.

Sau khi bày tỏ những lời tâm huyết, ông Đinh La Thăng đã chăm chú lắng nghe các ý kiến của các chuyên gia, nhà quản lý, doanh nghiệp liên quan đến chủ đề của hội thảo.

Được đề nghị cho biết ba việc quan trọng nhất mà Chính phủ cần làm cho doanh nghiệp thời gian tới, nhưng chuyên gia Lê Xuân Nghĩa “tranh thủ” gửi thông điệp đến Bí thư Đinh La Thăng - người mà theo ông nói là ông rất mến mộ, nhưng ít khi được gặp.

Trước đó, trong bài phát biểu, Bí thư Đinh La Thăng nhấn mạnh, thành phố coi việc cải thiện môi trường đầu tư, thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, tạo điều kiện, hỗ trợ thành lập và phát triển doanh nghiệp, phấn đấu đạt con số 500.000 doanh nghiệp hoạt động đến năm 2020 là trụ cột quan trọng trong các chính sách phát triển.

Ông Thăng cũng nêu ba nhiệm vụ then chốt để thành thành phố đột phá phát triển.

Ủng hộ quan điểm của Bí thư Đinh La Thăng, nhưng ông Nghĩa muốn gửi tới Bí thư thêm một đột phá nữa, là cần có tư duy mà ông gọi là “thoái công nghiệp hoá”.

“Thành phố không thể đi theo con đường bình thường như đã khẳng định, đó là chủ trương lỗi thời vì khi Việt Nam thành nước công nghiệp hoá thì cả thế giới đã thành cái khác rồi”, chuyên gia Lê Xuân Nghĩa khuyến cáo.

Theo ông Nghĩa thì Việt Nam có thể thành cường quốc về du lịch, bởi như phân tích của chuyên gia nước ngoài thì hiếm có quốc gia nào có nhiều điều kiện để trở thể thành cường quốc về du lịch như Việt Nam. Và, khi Việt Nam thành cường quốc du lịch, khách du lịch cũng không thể bỏ qua Tp.HCM, ông Nghĩa nói.

Thông điệp tiếp theo mà ông Nghĩa gửi đến vị lãnh đạo cao nhất của thành phố là đừng coi thường tham nhũng.

“Tham nhũng khi thành thói quen thì thành nhân cách, một thời gian nữa thành số phận, một thời gian nữa thì không thay đổi được. Tôi muốn nói vì ít khi được gặp anh Thăng, một người mà tôi mến mộ qua nhiều lĩnh vực”, ông Nghĩa gửi gắm.

Sau ông Nghĩa, một số vị diễn giả cũng bày tỏ vui mừng khi một chính trị gia thiên về hành động lại có mặt để nghe những vấn đề thiên về lý thuyết được nêu tại hội thảo.

Trước ông Nghĩa, khi đăng đàn, TS. Trần Du Lịch cũng nhắc đến Tp.HCM như một nơi có nhiều đóng góp quan trọng hình thành thể chế kinh tế của cả nước.

Nhưng cái khó hiện tại là Việt Nam đang quản lý theo mô hình đồng nhất chứ không phải là thống nhất, tức một loại lưới đánh được tất cả các loại cá - tỉnh thành nào cũng na ná như nhau.

Ông Lịch cho rằng, cần cụ thể hoá cơ chế phân quyền, phân cấp và ủy quyền trong từng lĩnh vực quản lý Nhà nước.

Lấy ngay ví dụ từ Tp.HCM, ông Lịch nói Chính phủ vừa trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép ban hành một nghị định thay thế hai nghị định trước đó về một số cơ chế, chính sách tài chính- ngân sách đặc biệt đối với Tp.HCM, trong đó nhấn mạnh đến khoản 1 điều 74 Luật Ngân sách Nhà nước năm 2015: “Chính phủ quy định về quản lý; sử dụng ngân sách đối với một số hoạt động thuộc lĩnh vực quốc phòng, an ninh, đối ngoại và một số cơ chế, chính sách tài chính-ngân sách đặc thù đối với Tp.HCM” đã được sự đồng tình rất cao, nhưng vẫn vướng những quy định mang tính phổ biến của các đạo luật có liên quan.

Do đó, ông Lịch cho rằng, Chính phủ thay vì ban hành nghị định này, thì nên xây dựng nghị định phân cấp, phân quyền và ủy quyền cho thành phố, theo tinh thần của Luật Tổ chức chính quyền địa phương và Luật Ngân sách Nhà nước, bao gồm cả 3 lĩnh vực: tài chính-ngân sách; quản lý đô thị và công vụ trên địa bàn.

Nghị định này mang tính chất như “một đạo luật cho thành phố”, được chế định theo tinh thần Nghị quyết 16 của Bộ Chính trị về Tp.HCM, là: những vấn đề nào mà luật pháp chưa quy định hoặc quy định nhưng không phù hợp, thì Chính phủ cho thành phố thực hiện thí điểm.

“Cải cách thể chế phải xuất phát từ yêu cầu của thực tiễn”, ông Lịch nói.

Nguyên Vũ