|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

TP HCM vượt khó cán đích thu ngân sách - Bài 1: Như một 'kỳ tích'

08:49 | 02/01/2022
Chia sẻ
Số thu ngân sách năm 2021 của TP HCM tăng 4,56% so với dự toán đề ra được xem như kỳ tích trong bối cảnh đại dịch COVID-19 ảnh hưởng tiêu cực lên hầu hết các hoạt động kinh tế-xã hội.
TP HCM vượt khó cán đích thu ngân sách: Như một kỳ tích - Ảnh 1.

Một góc TP HCM. (Nguồn: TTXVN)

Năm 2021, làn sóng dịch COVID-19 lần thứ 4 diễn biến phức tạp và kéo dài đã tác động tiêu cực đến mọi mặt đời sống kinh tế-xã hội của TP HCM. Lần đầu tiên trong lịch sử, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GRDP) năm 2021 trên địa bàn thành phố giảm sâu hơn tốc độ tăng trưởng của cả nước và các địa phương khi giảm tới 6,78% so với cùng kỳ và không đạt chỉ tiêu kế hoạch đề ra.

Trong bối cảnh đó, thu ngân sách nhà nước trên địa bàn bất ngờ về đích và vượt dự toán đề ra, trở thành một trong những điểm sáng đáng chú ý trong bức tranh kinh tế không mấy nổi bật của TP HCM năm 2021.

Chiều tối 31/12/2021, Ủy ban Nhân dân TP HCM chốt số thu ngân sách năm 2021 với kết quả khá bất ngờ khi tăng 4,56% so với dự toán đề ra. Con số này được xem như kỳ tích trong bối cảnh thu ngân sách quý 3 sụt giảm sâu và đại dịch COVID-19 ảnh hưởng tiêu cực lên hầu hết các hoạt động kinh tế-xã hội trên địa bàn.

Tăng thu vượt dự báo

Theo Ủy ban Nhân dân TP HCM, tính đến cuối ngày 31/12, số thu ngân sách nhà nước trên địa bàn là 381.532 tỷ đồng, đạt 104,56% dự toán và tăng 2,73% so với cùng kỳ; trong đó thu nội địa đạt gần 263.823 tỷ đồng, đạt 102,7% dự toán và giảm 0,58% so với cùng kỳ; thu từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt 117.666 tỷ đồng, đạt 108,95% dự toán.

Con số này cao hơn nhiều so với mức dự báo chỉ tăng hơn 1% được công bố hồi đầu tháng 12/2021. Đồng thời, đặt trong bối cảnh GRDP thành phố năm 2021 giảm sâu nhất trong lịch sử khi âm tới 6,78% so với cùng kỳ năm 2020, câu chuyện thu ngân sách tăng lại càng trở nên ngoạn mục."

Theo bà Phạm Thị Hồng Hà, Giám đốc Sở Tài chính TP HCM, năm 2021 là năm thứ 2 kinh tế-xã hội thành phố bị tác động bởi dịch COVID-19, đặc biệt khi đợt dịch bùng phát lần thứ 4 với tốc độ lây lan nhanh chóng, nguy hiểm và phức tạp, thành phố phải tăng cường triển khai các biện pháp giãn cách xã hội để phòng chống dịch khiến hầu hết các ngành phải tạm dừng hoạt động. 

Điều này đã làm đứt gãy chuỗi cung ứng, dẫn đến thiếu hụt nguyên liệu sản xuất sản phẩm tiêu dùng, hoạt động kinh doanh giảm sút đã tác động đến số thu ngân sách nhà nước trên địa bàn.

Mặt khác, để phục hồi kinh tế, giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp, người dân, Chính phủ đã triển khai các chính sách hỗ trợ như: giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp, giảm thuế giá trị gia tăng, miễn tiền chậm nộp thuế, tiền chậm nộp tiền thuê đất…. Do đó, số thu ngân sách trên địa bàn thành phố có xu hướng giảm dần kể từ tháng 5/2021 so với số thu của tháng trước.

Không dừng lại ở đó, trong các tháng 8-9/2021, do ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh, số thu ngân sách trên địa bàn sụt giảm mạnh nhất từ trước đến nay và giảm sâu so với cùng kỳ. Đặc biệt, trong tháng 9, số thu ngân sách lần đầu tiên chỉ đạt 55,82% so với mức trung bình một tháng thành phố phải thu.

Các ngành tăng trưởng tốt trong 6 tháng đầu năm như bất động sản, tài chính ngân hàng khi qua tháng 7 đều có dấu hiệu giảm tốc độ tăng trưởng. Bên cạnh đó, để hỗ trợ cho doanh nghiệp, TP HCM cũng triển khai các chính sách giảm, giãn thuế theo quy định.

Với diễn biến trên, vào tháng 10/2021, tại cuộc họp của UBND TP, lãnh đạo Sở Tài chính bày tỏ lo ngại khả năng hụt thu ngân sách trong năm 2021 là rất lớn, nếu không bảo đảm số thu trong quý IV.

"Sau khi hoạt động sản xuất kinh doanh được khôi phục kể từ tháng 10, với sự năng động của cộng đồng doanh nghiệp, hoạt động sản xuất kinh doanh trên địa bàn đã cơ bản duy trì ổn định và từng bước phục hồi. Các giải pháp linh hoạt kịp thời của thành phố trong công tác quản lý điều hành tài chính ngân sách, chính sách nuôi dưỡng nguồn thu, hạn chế tình trạng thất thu ngân sách đã phát huy tác dụng trong điều kiện hết sức khó khăn của năm 2021 mang lại kết quả tích cực cho hoạt động thu ngân sách thành phố," bà Phạm Thị Hồng Hà cho biết.

Theo ông Lê Minh Hùng, Trưởng phòng Thống kê tổng hợp, Cục Thống kê TP HCM, tổng thu ngân sách gồm nhiều khoản thu trực tiếp và gián tiếp như từ hoạt động sản xuất, thuế thu nhập chứng khoán, thuế thu nhập cá nhân. Có một số thành phần tính vào tăng trưởng GRDP như thuế VAT, thuế tiêu thụ đặc biệt chứ không phải tất cả khoản thu.

Đặc biệt, năm 2021 có một số khoản thu khá từ hoạt động chứng khoán, thuế thu nhập cá nhân, thuế nhà đất là thuế thu gián tiếp, không tính vào GRDP nhưng đóng góp lớn cho ngân sách. Đồng thời, tác động từ chính sách gia hạn thời gian nộp thuế theo Nghị định 52/2021/NĐ-CP góp phần làm tăng tổng thu ngân sách trong 6 tháng đầu năm và cả năm 2021. Đó là những lý do chủ yếu giúp thu ngân sách vẫn tăng dù GRDP của thành phố giảm sâu trong năm qua.

Thuế, hải quan góp công lớn

Nhìn lại diễn biến dịch trên địa bàn mới thấy kết quả thu ngân sách thành phố trong năm 2021 có nhiều điểm nổi bật; trong đó, có sự đóng góp không nhỏ của ngành thuế và hải quan.

Theo ông Lê Duy Minh, Cục trưởng Cục Thuế TP HCM, là cơ quan quản lý nguồn thu nội địa trên địa bàn, khi triển khai nhiệm vụ năm 2021, Cục Thuế thành phố đã linh hoạt chuyển đổi mục tiêu nhiệm vụ của đơn vị phù hợp với từng giai đoạn diễn biến của dịch bệnh.

Cụ thể, đơn vị đã triển khai các biện pháp quản lý thu hiệu quả, chủ động tham mưu Ủy ban Nhân dân trong công tác quản lý chống thất thu ngân sách; triển khai ngay, kịp thời, đúng đối tượng các chính sách hỗ trợ của Chính phủ, thực hiện hoàn thuế kịp thời cho người nộp thuế, tiếp nhận và giải quyết nhanh các thủ tục của người nộp thuế sau khi cơ quan thuế tái hoạt động tại trụ sở; thực hiện chuyển đổi hóa đơn điện tử cho các doanh nghiệp trên địa bàn..., qua đó số thu nội địa vẫn ghi nhận tăng trưởng tích cực trong bối cảnh có vô vàn khó khăn.

Trong năm 2021, số thu thuế thu nhập doanh nghiệp trên địa bàn ghi nhận 75.531 tỷ đồng, đạt 113,34% dự toán nhờ kết quả kinh doanh khả quan của các doanh nghiệp như: bất động sản, thương nghiệp, vận tải, kho bãi, tài chính ngân hàng… trong những tháng đầu năm.

Bên cạnh đó, Nghị định 126 ngày 19/10/2020 của Chính phủ quy định tổng số thuế doanh nghiệp tạm nộp của 3 quý đầu năm 2021 tính thuế không được thấp hơn 75% số thuế doanh nghiệp phải nộp quyết toán năm đã thúc đẩy doanh nghiệp nộp đủ thuế thu nhập doanh nghiệp trước tháng 10 để không phải đóng tiền chậm nộp.

Số thu thuế giá trị gia tăng ghi nhận 63.681 tỷ đồng trong năm 2021, đạt 95,83% dự toán do một số ngành nghề vẫn giữ được sự tăng trưởng tốt như: dịch vụ hỗ trợ khai thác dầu khí, kinh doanh bất động sản, thương nghiệp tiêu dùng, lương thực thực phẩm, vận tải kho bãi, thương mại điện tử...

TP HCM vượt khó cán đích thu ngân sách: Như một kỳ tích - Ảnh 2.

Một góc TP HCM. (Nguồn: TTXVN)

Giá dầu tăng trưởng tốt cũng tác động tích cực đến ngành khai thác dầu khí và các doanh nghiệp trong ngành dịch vụ hỗ trợ khai thác dầu khí. Chưa kể ngành thương nghiệp như tiêu dùng, sản xuất lương thực thực phẩm, sự tăng trưởng tốt nhờ chính sách giãn cách xã hội, yêu cầu hạn chế đi lại, tạm đóng cửa chợ truyền thống... đã góp phần thúc đẩy doanh thu tiêu thụ.

Ngoài ra, trong năm 2021, ngân sách thành phố cũng phát sinh một số khoản thu đột biến 3.247 tỷ đồng từ Tổng Công ty Khí Việt Nam. Thuế thu nhập doanh nghiệp tự đánh giá lại tài sản góp vốn của doanh nghiệp cũng làm tăng số thu trên địa bàn như CTCP Phát triển thành phố Xanh 2.700 tỷ đồng.

Các doanh nghiệp chuyển nhượng dự án bất động sản có số nộp lớn như: Công ty TNHH Bay Water nộp 502 tỷ đồng; Công ty TNHH đầu tư Capitaland Thiên Đức nộp 179 tỷ đồng; CTCP Phát triển Bất động sản Phát Đạt nộp 288 tỷ đồng; Tập đoàn Bitexco nộp 210 tỷ đồng...

Kết quả thu ngân sách khả quan trên địa bàn TP HCM còn ghi nhận sự nỗ lực của ngành hải quan thành phố khi ngành này thu vượt dự toán lên tới 8,95% trong bối cảnh dịch COVID-19 phức tạp và tình trạng ách tắc vận tải biển toàn cầu xảy ra cùng lúc.

Ông Đinh Ngọc Thắng, Cục trưởng Cục Hải quan TP HCM thông tin ngay từ đầu năm, Cục Hải quan thành phố đã triển khai các biện pháp đồng bộ tạo thuận lợi thương mại và nuôi dưỡng nguồn thu.

Chương trình “Cộng đồng doanh nghiệp và Cục Hải quan TP HCM là đối tác tin cậy, đồng hành cùng phát triển” duy trì trong 6 năm qua đã thay đổi cách nhìn nhận về mối quan hệ giữa cơ quan hải quan và doanh nghiệp. 

Từ chỗ xem hải quan là cơ quan quản lý và mình là đối tượng bị quản lý, doanh nghiệp và hải quan trở thành đối tác đồng hành cùng phát triển. Thay đổi tâm thế giúp doanh nghiệp sẵn sàng chia sẻ, trao đổi các vấn đề vướng mắc với cơ quan hải quan để kịp thời tháo gỡ.

"Nhờ những giải pháp quyết liệt, tháo gỡ kịp thời các vấn đề phát sinh đột xuất nên trong quý 3/2021, thời gian TP HCM siết chặt giãn cách xã hội, hoạt động thông quan hàng hóa vẫn diễn ra thông suốt, thu ngân sách của ngành hải quan vẫn đạt trên 25.400 tỷ đồng. Từ đầu quý 4, khi thành phố chuyển sang giai đoạn “bình thường mới," thu ngân sách đã tăng lên gần 30.000 tỷ đồng, đưa tổng thu ngân sách hải quan cả năm vượt cả chỉ tiêu được giao và chỉ tiêu phấn đấu," ông Đinh Ngọc Thắng cho biết.

Hứa Chung-Xuân Anh