TP HCM giải ngân đầu tư công mới đạt 43% kế hoạch
Chiều 31/12, tại hội nghị tổng kết Kho bạc Nhà nước TP HCM, bà Phan Thị Thắng- Phó Chủ tịch UBND TP HCM chỉ đạo Kho bạc Nhà nước bám sát kế hoạch vốn, trong quá trình triển khai phải thường xuyên báo cáo kịp thời với UBND thành phố để có phương án điều chỉnh kịp thời, không để chậm trễ, ách tắc giải ngân vốn đầu tư công trong khâu trung gian.
Bởi thực tế trong thời gian qua, giải ngân đầu tư công trên địa bàn thành phố còn chậm, trong khi hầu hết các quận huyện trên địa bàn đang rất cần nguồn vốn để đầu tư.
Theo Kho bạc Nhà nước TP HCM, tính đến ngày 28/12/2021, vốn đầu tư xây dựng cơ bản nguồn ngân sách địa phương đã giải ngân 14.632 tỷ đồng, mới đạt 43% so với giá trị kế hoạch vốn được giao 33.734 tỷ đồng.
Trước thực trạng này, bà Phan Thị Thắng cho rằng, kế hoạch đầu tư công 2021 có nhiều nội dung phải điều chỉnh, có những công trình cần vốn thì chưa được bố trí đủ, trong khi có công trình chưa cần lại được giải ngân.
Trong đợt điều chỉnh vốn gần đây nhất, báo cáo của Kho bạc Nhà nước gửi các sở ngành cho thấy, có một số điểm chưa phù hợp. Một số công trình đã giải ngân nhưng số điều chỉnh thấp hơn số vốn đã giải ngân.
"Đây là điều vi phạm nghiêm trọng. Tôi đề nghị Kho bạc Nhà nước đánh giá lại toàn bộ quá trình ban hành, tham mưu kế hoạch bố trí vốn năm 2021. Từ đó, đánh giá tính đảm bảo pháp luật của việc giao vốn, việc thực hiện của các chủ đầu tư, các đơn vị thi công", bà Phan Thị Thắng nhấn mạnh.
Đại diện UBND TP HCM cũng cho biết, kế hoạch vốn ban hành đến thời điểm này còn dư 10.000 tỷ đồng, trong khi các quận, huyện đang rất thiếu vốn để đầu tư thực hiện các công trình. Đây là vấn đề tồn tại mà lãnh đạo UBND đang rất bức xúc, muốn làm rõ vấn đề này.
Do vậy, lãnh đạo UBND TP HCM yêu cầu Kho bạc Nhà nước thành phố trong thời gian tới cần bám sát kế hoạch vốn được giao; phối hợp với các ngành, chủ đầu tư đẩy nhanh việc giải ngân vốn ngay từ đầu năm; làm tốt vai trò hướng dẫn đơn vị sử dụng ngân sách thực hiện thủ tục thanh toán, đảm bảo đúng quy định, tạo thuận lợi tối đa cho chủ đầu tư tiếp cận nguồn vốn. Đồng thời, tiếp tục phối hợp đôn đốc chủ đầu tư xử lý các khoản tạm ứng quá hạn.
Bên cạnh đó, Kho bạc Nhà nước thành phố cần thực hiện nghiêm các kết luận của Kiểm toán Nhà nước về việc đôn đốc các chủ đầu tư thanh toán dứt điểm công nợ khi các dự án đã quyết toán và tất toán tài khoản. Kiểm soát chặt chẽ các khoản điều chỉnh dự toán chi sau ngày 15/11 theo đúng quy định.
Theo Kho bạc Nhà nước TP HCM, ước thực hiện giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản năm 2021, đến hết ngày 31/1/2022, đạt 73,2% kế hoạch vốn, tương đương với 25.248 tỷ đồng, giá trị giải ngân giảm 26,7% so với cùng kỳ. Vốn đầu tư công tạm ứng quá hạn đã xử lý được 804/2.678 tỷ đồng, tương ứng tỷ lệ 30% số dư quá hạn, đạt kế hoạch đã đề ra từ đầu năm.
Lý giải nguyên nhân việc giải ngân đầu tư còn một số bất cập, ông Nguyễn Hoàng Hải, Giám đốc Kho bạc Nhà nước TP HCM cho biết: Do thủ tục trình ký, điều chỉnh nguồn vốn đầu tư phải thông qua nhiều sở ngành để thống nhất phương án trong bối cảnh dịch bệnh nên tốn rất nhiều thời gian (khoảng 2 tháng).
Điều này dẫn đến khi ký điều chỉnh thì số liệu đã lạc hậu, không còn phù hợp với thực tế. Do vậy, trong quá trình triển khai, Kho bạc Nhà nước thành phố sẽ rút kinh nghiệm báo cáo kịp thời tới UBND thành phố để đối chiếu số liệu và có phương án điều chỉnh sát với thực tế.
Mặt khác, theo Kho bạc Nhà nước TP HCM, tỷ lệ giải ngân vốn giảm so với cùng kỳ do nguyên nhân chủ yếu là giá nguyên vật liệu xây dựng tăng cao đột biến ngay từ đầu năm và đại dịch COVID-19 bùng phát trên địa bàn từ tháng 5/2021.
Trong quá trình triển khai kế hoạch vốn vẫn còn tình trạng xây dựng, phân bổ kế hoạch vốn đầu tư dàn trải, chưa sát với nhu cầu thực tế. Bên cạnh việc giải ngân còn chậm, chưa đạt kế hoạch, vẫn còn tồn tại tình trạng nợ đọng trong xây dựng cơ bản, các dự án đủ điều kiện có nhu cầu giải ngân, có khối lượng hoàn thành nhưng không được bố trí đủ kế hoạch vốn.
Một số chủ đầu tư chưa chấp hành việc lập thủ tục thanh toán cho dự án trong thời hạn 4 ngày kể từ ngày có khối lượng nghiệm thu theo quy định.
Để hạn chế tình trạng trên, Kho bạc Nhà nước TP HCM đề xuất UBND thành phố kiên quyết xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm quy định pháp luật, cố tình cản trở, gây khó khăn, làm chậm tiến độ giải ngân vốn đầu tư; kiên quyết xử lý trách nhiệm các chủ đầu tư có nhiều dự án điều chỉnh, gia hạn; một dự án phải điều chỉnh, gia hạn nhiều lần, dẫn đến làm mất cơ hội tiếp cận sớm của xã hội, lãng phí nguồn lực và làm tăng vốn đầu tư công của nhà nước.
Đồng thời, kiến nghị Kho bạc Nhà nước nghiên cứu, báo cáo Bộ Tài chính đề xuất cấp thẩm quyền có chế tài đối với các chủ đầu tư chưa nghiêm túc thực hiện quy định 4 ngày trên như xử phạt hành chính...
Đối với một số dự án sử dụng vốn vay hỗ trợ phát triển chính thức (ODA), việc chậm trễ trong công tác lựa chọn nhà thầu, ký hợp đồng, việc chưa thống nhất giữa chủ đầu tư và nhà thầu về những khác biệt trong cách hiểu tại một số điều khoản hợp đồng vẫn chưa được giải quyết.
Hiệp định vay bổ sung của dự án chưa được ký kết kịp thời ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân của dự án. Kho bạc Nhà nước TP HCM kiến nghị UBND thành phố tiếp tục kiến nghị bộ, ngành liên quan sớm thống nhất trình cấp có thẩm quyền ký Hiệp định vay bổ sung cho dự án…