TP HCM sẽ bố trí vùng đệm trung chuyển hàng hóa khi cả ba chợ đầu mối đều dừng hoạt động
8h sáng nay (7/7) chợ đầu mối nông sản Thủ Đức (chợ Thủ Đức) đã tạm dừng các hoạt động tập kết giao hàng trực tiếp.
Như vậy, cả ba chợ đầu mối nông sản thực phẩm lớn nhất TP HCM, gồm Hóc Môn, Bình Điền và Thủ Đức đã lần lượt triển khai điều chỉnh hoạt động kinh doanh để ứng phó và đảm bảo công tác phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn thành phố.
Theo đó, tất cả hàng hóa từ các tỉnh về TP HCM sẽ không tập kết trung chuyển ở chợ đầu mối đang phải tạm ngưng hoạt động mà sẽ được đưa trực tiếp đến các chợ truyền thống. Đây là phương án điều tiết hàng hóa thực phẩm, hàng thiết yếu trên địa bàn TP HCM vừa được Sở Công thương TP HCM gửi đến 22 Sở công thương các tỉnh, thành tối 6/7.
Theo báo Chính phủ, Sở Công thương TP HCM sẽ tiếp tục theo dõi diễn biến thị trường, vận hành ổn định chuỗi cung ứng hàng hóa gồm các kênh phân phối hiện đại và truyền thống...nhằm duy trì nguồn cung ứng hàng hóa từ các tỉnh, thành về TP HCM một cách an toàn, lưu thông thông suốt, đảm bảo nguồn cung hàng hóa ổn định cho thị trường,
Ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Công thương TP HCM, cho biết hàng hóa từ các tỉnh về TP HCM phải theo hướng dẫn của ngành giao thông, y tế để đảm bảo an toàn.
TP HCM dự kiến bố trí 3 vùng đệm tại huyện Bình Chánh, huyện Củ Chi và TP Thủ Đức để trao đổi tài xế tiếp tục vận chuyển hàng hóa. Nếu không sẽ thực hiện lên xuống hàng hóa tại khu vực không tiếp giáp với khu dân cư, thực hiện được các yêu cầu giãn cách.
Về hệ thống phân phối, Sở Công Thương sẽ có thống kê theo từng quận huyện, TP Thủ Đức và thông báo về những điểm (chợ truyền thống, cửa hàng tiện ích, siêu thị hay các cửa hàng tạp hóa có cung ứng thực phẩm…) đang hoạt động cho người dân nắm.
Đồng thời, Sở cũng phối hợp với Saigon Co.op, Satra, Vissan cùng các đơn vị phân phối hiện đại chuẩn bị phương án hỗ trợ điểm bán cho người dân, nếu địa phương có đề nghị.
Ngoài ra, theo báo Đầu tư, để thích ứng với việc các chợ đầu mối tạm dừng các hoạt động tập kết giao hàng trực tiếp, mới đây TP HCM đã có buổi làm việc với tỉnh Tây Ninh thống nhất giải pháp bố trí vùng đệm trung chuyển hàng hóa giữa hai địa phương.
Theo đó, hàng hóa từ tỉnh Tây Ninh đến TP HCM sẽ được tập kết tại khu đất trống giáp ranh hai huyện Củ Chi và Trảng Bàng để thực hiện khử khuẩn hàng hóa và phương tiện, đồng thời đề xuất ba phương án bố trí, trung chuyển hàng hóa.
Các tiểu thương sẽ chọn đăng ký phương án vận chuyển hàng hóa từ Tây Ninh vào các chợ đầu mối để kịp triển khai.
Cùng với phương án đảm bảo nguồn hàng, TP HCM cũng có kế hoạch tăng cường năng lực cung ứng của các chợ truyền thống, hệ thống phân phối hiện đại với quan điểm tăng cường bảo vệ các hệ thống này để giữ vững vai trò cốt yếu trong cung ứng hàng hóa thiết yếu cho người dân.
Theo Sở Công Thương TP HCM, mỗi đêm, tổng lượng hàng về 3 chợ đầu mối Bình Điền, Hóc Môn và Thủ Đức khoảng 6.000-8.000 tấn, có thời điểm tăng đột biến lên 9.000 tấn. Ngoài ba chợ đầu mối Bình Điền, Hóc Môn, Thủ Đức.
Thống kê cho thấy, trên địa bàn TP HCM hiện có khoảng 243 chợ, 236 siêu thị, 45 trung tâm thương mại và 2.735 cửa hàng bán lẻ. Tuy nhiên, đến nay gần 110 chợ và khoảng 60 siêu siêu thị, cửa hàng tiện lợi trên địa bàn thành phố phải tạm đóng cửa vì liên quan các ca lây nhiễm COVID-19.