|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

TP HCM lên kế hoạch tạo nguồn dự trữ và cung ứng thực phẩm cho người dân, Co.opmart tuyên bố bán đủ hàng dự trữ cả tuần lễ

12:43 | 25/03/2020
Chia sẻ
Nhằm chủ động đối phó tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, Sở Công Thương đã phối hợp với các sở ngành, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trên địa bàn chủ động xây dựng kế hoạch tạo nguồn dự trữ và cung ứng các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu, tránh nguy cơ gây mất ổn định thị trường.

Phó Giám đốc Sở Công Thương TP HCM - bà Nguyễn Huỳnh Trang, khẳng định hiện TP HCM đã có các kế hoạch chủ động dự báo tình hình thị trường, tổ chức sản xuất, dự trữ, cung ứng hàng hóa trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19.

Theo bà Trang, TP HCM đã chủ động đối phó tình hình dịch bệnh, xây dựng 3 kịch bản cung ứng hàng hoá, thực phẩm cho người dân trước tình hình dịch COVID-19.

3 kịch bản cung ứng thực phẩm cho người dân TP HCM, Co.opmart tuyên bố bán đủ hàng dự trữ cả tuần lễ - Ảnh 1.

TP HCM chuẩn bị 3 kịch bản cung ứng thực phẩmcó người dân khi dịch COVID-19 lan rộng. (Ảnh: Phúc Minh).

Lãnh đạo Sở Công Thương khẳng định kể cả trường hợp dịch lan rộng trên địa bàn, các doanh nghiệp vẫn đảm bảo đầy đủ các giải pháp bình ổn thị trường. 

Cụ thể, Sở Công Thương đã phối hợp với các sở ngành, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trên địa bàn chủ động xây dựng kế hoạch tạo nguồn dự trữ và cung ứng các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu, tránh nguy cơ gây mất ổn định thị trường.

Nguồn hàng chính đến từ 3 nơi, là doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn thị trường chiếm từ 30-40% thị phần, các chợ đầu mối chiếm 60-70% thị phần và từ các doanh nghiệp khác chiếm 10-20% thị phần.

Trước mắt, các doanh nghiệp tiếp tục chuẩn bị nguồn hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu trong quý I/2020 tăng 30-40% so với lượng thực hiện cùng kì năm 2019.

Cụ thể, lương thực khoảng 3.319,9 tấn/tháng (ngắn hạn) và 9.959,8 tấn/3 tháng (dài hạn). Trứng gia cầm khoảng 62,4 triệu quả/tháng và 187,1 triệu quả/3 tháng. Thịt gia súc 2.224,7 tấn/tháng và 15.674,1 tấn/3 tháng. Thịt gia cầm hơn 11.780,6 tấn/tháng và 35.341,8 tấn/3 tháng.

Đặc biệt, Sở Công Thương TP HCM cũng cho biết các doanh nghiệp bình ổn thị trường đã có kế hoạch ứng phó, đảm bảo cung ứng và sẵn sàng cung ứng vượt 30-50% kế hoạch của thành phố giao. 

Một số doanh nghiệp như Công ty CP đầu tư Vinh Phát Wilmar sẽ đảm bảo nguồn dự trữ gạo, duy trì cung ứng đến cuối năm 2020. 

Công ty TNHH lương thực Tấn Vương chuyên về mặt hàng gạo cũng đảm bảo cung ứng đến tháng 1/2021.

Công ty CP Acecook Việt Nam đảm bảo nguồn cung, duy trì cung ứng các mặt hàng lương thực, thực phẩm chế biến (mì, phở, hủ tiếu…) đến cuối năm 2020.

3 kịch bản cung ứng thực phẩm cho người dân TP HCM, Co.opmart tuyên bố bán đủ hàng dự trữ cả tuần lễ - Ảnh 2.

Saigon Co.op cho biết bán đủ hàng hóa dự trữ cả tuần cho người dân. (Ảnh: Phúc Minh).

Ông Nguyễn Anh Đức, Tổng Giám đốc Saigon Co.op cho biết, đến thời điểm này, Saigon Co.op đã chốt xong phương án tăng lượng hàng hóa dự trữ cần thiết, để đáp ứng nhu cầu mua sắm tăng mạnh của người tiêu dùng.

Đặc biệt, Saigon Co.op nhấn mạnh lượng hàng hoá dự trữ của doanh nghiệp hiện nay đáp ứng đủ cho cả nhu cầu dự trữ thực phẩm cả tuần cùng lúc của người dân, thay vì 2-3 ngày như trước  đây.

Các mặt hàng như gạo, mì, sữa, trứng, đường, nước mắm, dầu ăn, thịt gia cầm, gia súc, thủy hải sản, đồ đông lạnh đều được tăng trữ lượng lên từ 2-3 lần như dịp Tết Nguyên đán vừa qua, để vừa đảm bảo sẵn sàng lượng cung lớn, vừa có giá tốt cho người tiêu dùng.

Phúc Minh

Đại biểu đề nghị lùi thời gian tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với bia, rượu thêm một năm
Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường cho rằng nên ban hành Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt vào năm tới nhưng thời gian áp dụng thì lùi lại một năm để cả người tiêu dùng và doanh nghiệp có thời gian chuyển đổi hành vi, chuyển đổi sản xuất.