|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

TP HCM hướng đến qui hoạch phát triển khu đô thị sáng tạo phía Đông

10:55 | 11/09/2019
Chia sẻ
Thành phố hướng tới tới qui hoạch và phát triển khu đô thị sáng tạo tương tác cao phía Đông nhằm làm nâng cao chất lượng sống người dân trong quá trình phát triển.
Toan canh toa dam NQL

Chúng ta phải xây dựng đô thị không chỉ vì con người mà vì gia đình", Bí thư Bí thư Thành uỷ TP HCM nói.

Tại một buổi tọa đàm mới đây, ông Nguyễn Thiện Nhân, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành uỷ TP HCM cho biết trong những chuyến đi thực tế tại Singapore, mỗi lần đến ông đều đặt câu hỏi vì sao một đất nước cách đây 54 năm chỉ là một đảo nghèo, diện tích thì đứng thứ 191 trên thế giới (722 km2), dân số đứng thứ 114 trên thế giới (5,6 triệu người) nhưng qui mô nền kinh tế lại đứng thứ 37.

GDP bình quân đầu người của Singapore là 63.500 USD, đứng thứ 9 trên thế giới và là quốc gia rất phát triển. Cũng có một tham số khác Singapore xếp thứ 9 trên thế giới, đó là chỉ số phát triển con người. 

"Nói như vậy để thấy phát triển con người là trung tâm. Chúng ta phải xây dựng đô thị không chỉ vì con người mà vì gia đình"Bí thư Bí thư Thành uỷ TP HCM nói.

Đồng quan điểm, ông Yang Yoon Jae, Cựu phó thị trưởng thành phố Seoul cũng chia sẻ, "dù có phát triển đến mấy vẫn phải lấy con người làm trọng tâm và con người phải hạnh phúc trong không gian đó, nếu không được thì việc xây dựng đô thị là vô nghĩa".

Thế nhưng khi nhìn lại, cũng có một vấn đề 30 năm nay Singapore vẫn chưa giải quyết được: Người phụ nữ không chịu sinh. Hiện nay, bình quân mỗi phụ nữ ở quốc gia này chỉ sinh 1,2 con. Muốn đất nước bền vững thì phải đạt tỉ suất sinh 2,1 con hay còn gọi là tỉ suất sinh thay thế.

"Vậy, việc phát triển đô thị để sống rồi sinh ra 1,2 con hay sống rồi sinh ra 2,1 con? Chúng ta phải xây dựng đô thị không chỉ vì con người mà vì gia đình. Chúng ta làm tất cả để gia đình hạnh phúc và gia đình đó muốn có con", ông Nguyễn Thiện Nhân nói thêm.

TP HCM hiện có dân số khoảng 23 triệu người và 5 năm thêm 1 triệu người. Giải quyết được bài toán nhà ở cho 1 triệu dân này rất khó nhưng xây nhà ở như thế nào để khuyến khích người dân ở gần nhau càng khó.

Mục tiêu phát triển của TP HCM trong 10 năm tới (2020-2030) là duy trì tốc độ phát triển nhanh và bền vững, giữ năng suất lao động vẫn gấp 3 lần các thành phố khác trên cả nước, đóng góp GDP vào ngân sách ở mức 30%, dẫn đầu trong việc phát triển công nghiệp 4.0, hướng đến thành phố thông minh, sáng tạo và xanh.

Bà Lương Thu Anh, Trưởng phòng Quản lí Qui hoạch Khu trung tâm cũng cho biết, chỉ số cuối cùng và quan trọng nhất thành phố muốn hướng tới là làm hài lòng người dân trong quá trình phát triển.

Khu đô thị sáng tạo tương tác cao ở phía Đông thành phố đang có 4 khu vực hiện hữu: Đại học quốc gia với 5 trường lớn và 110.00 sinh viên; khu đô thị mới Thủ Thiêm có qui mô 657 ha với mục tiêu phát triển thành trung tâm tài chính, kinh doanh của thành phố.

Bên cạnh đó, khu công nghệ cao đã được đầu tư 10 triệu USD với mức xuất khẩu hàng năm 9 triệu USD và các khu dân cư. Thành phố sẽ tiếp tục hoàn thiện các khu vực này để chuẩn bị cho quá trình tăng trưởng và phát triển tiếp theo.

Qui hoạch khu đô thị khép kín

Theo định hướng qui hoạch, khu đô thị thông minh có qui mô 210 ha, bao gồm 120 ha ở giai đoạn 1 và 80 ha ở giai đoạn 2. Trong đó, khu đất xây dựng nhà ở (nhà riêng, căn hộ chung cư, nhà hỗn hợp) có diện tích đất 347.287 m2, khu đất công trình tự cung tự cấp gần 234.026 m2 và cơ sở hạ tầng 297.298 m2.

Trong năm 2020, Sở Quy hoạch kiến trúc sẽ xây dựng những chương trình và dự án cụ thể. Có thể những dự án này nằm trên bình diện vĩ mô ba quận và có liên kết với các phần còn lại của thành phố cũng như các tỉnh lân cận.

Đồng thời, thành phố sẽ triển khai những dự án có qui mô nhỏ hơn, vài trăm ha ở trung tâm sáng tạo đầu tiên, được hình thành qua những nghiên cứu từ năm 2019.

Hiệu quả mong đợi của việc xây dựng và phát triển thành phố thông minh là TP HCM trở thành đô thị tự cung tự cấp đầu tiên ở Việt Nam, giải quyết được các vấn đề đô thị (giao thông, môi trường, việc làm, phát triển thực phẩm trong tương lai,…) và thương mại hóa công nghệ thông minh.

Thông qua cơ sở công nghiệp 4.0 và nông trại thông minh, khu công trình tự cung tự cấp (234.026 m2) sẽ tạo ra khoảng 15.000 việc làm.

Pháp lí hóa và yêu cầu cao đối với nhà đầu tư

Hình mẫu để phát triển đô thị thông minh của TP HCM là gì? Đó là câu hỏi ông Võ Văn Hoan, phó Chủ tịch UBND TP HCM đặt ra. Ông Hoan cho rằng việc phát triển đô thị thông minh hay dự án nào cũng cần tuân theo 7 chuẩn mực.

Trước hết là giao thông thông minh, ở đây không phải là phương tiện thông minh mà phải giám sát được phương tiện, kiểm soát được môi trường, tình trạng giao thông.

Thứ hai, năng lượng tái tạo sẽ được ứng dụng. Các phương tiện giao thông đều có thể sử dụng năng lượng sạch, kể cả đèn tín hiệu. 

Thứ ba, môi trường phát triển bền vững, không bị ô nhiễm, rác thải đều được xử lí triệt để.

Thứ tư, giáo dục thông minh và y tế thông minh. Người dân tiếp cận kiến thức thông qua hệ thống mạng, vấn đề chăm sóc sức khỏe được kiểm soát chặt chẽ.

Thứ năm, khu dân cư dành cho đa thế hệ, một căn hộ xây dựng được gia đình hạnh phúc, đáp ứng mục tiêu con người là trung tâm của đô thị.

"Làm sao người già càng thích xuống đất, lớp trẻ thích lên trên, tầng cao của những người trẻ, tới những người trung niên, rồi tới người già", ông Hoan lí giải. 

Thứ sáu, kết nối các dịch vụ thực tế vào ảo, bao gồm mua sắm, ăn uống,… và những thông tin nội bộ trong khu dân cư đó đều được chia sẻ.

Và cuối cùng, kết nối internet vạn vật để có thể quản lí.

Theo ông Hoan, những chuẩn mực này phải được chuyển đổi thành qui định pháp lí, để những nhà đầu tư thực hiện những khu đô thị có qui mô từ 50 ha trở lên buộc phải làm những khu đô thị thông minh.

Thông qua đó, từng bước giảm bớt và đoạn tuyệt với những nhà đầu tư chỉ biết xây dựng để bán mà không biết quản lí.

Đối với những dự án sắp triển khai, đã được phê duyệt rồi, nên hướng dẫn, khuyến khích các nhà đầu tư bổ sung những chuẩn mực này, làm cho những đô thị này tiệm cận với dáng dấp của đô thị thông minh.

Còn đối với những dự án đã triển khai rồi, nếu chủ đầu tư còn quản lí thì khuyến khích họ từng bước lựa chọn một trong 7 chuẩn mực để bổ sung, làm cho đô thị không phải theo kiểu cũ mà theo kiểu mới là đô thị thông minh. 

Nguyên Ngọc