|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

TP HCM đưa khẩu trang, nước sát khuẩn vào nhóm hàng bình ổn

21:30 | 10/04/2020
Chia sẻ
Ngày 10/4, Sở Công Thương Tp. Hồ Chí Minh cho biết, Chương trình Bình ổn thị trường năm 2020 - Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 sẽ có thêm nhóm mặt hàng khẩu trang, nước sát khuẩn.
TP HCM đưa khẩu trang, nước sát khuẩn vào nhóm hàng bình ổn - Ảnh 1.

Công nhân sản xuất khẩu trang vải dệt kim kháng khuẩn tại doanh nghiệp. Ảnh: Phương Hoa - TTXVN

Ngày 10/4, Sở Công Thương Tp. Hồ Chí Minh, cho biết, Chương trình Bình ổn thị trường năm 2020 - Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 của Tp. Hồ Chí Minh, ứng phó khẩn cấp dịch COVID-19 sẽ có thêm nhóm mặt hàng khẩu trang, nước sát khuẩn.

Như vậy, Chương trình Bình ổn thị trường của Tp. Hồ Chí Minh sẽ tiếp tục triển khai ở 10 nhóm hàng hóa thiết yếu, gồm: lương thực (gạo, mì gói, bún khô), đường, dầu ăn, thịt gia súc, thịt gia cầm, trứng gia cầm, thực phẩm chế biến, rau củ quả, thủy hải sản, gia vị...

Đồng thời, lần đầu tiên trong năm nay, mặt hàng khẩu trang các loại (trừ loại chuyên dụng ngành y tế) và nước sát khuẩn được đưa vào diện hàng bình ổn thị trường trên địa bàn thành phố, cũng như hệ thống phân phối, bán lẻ tham gia Chương trình Bình ổn thị trường của Tp. Hồ Chí Minh.

Trong thời gian qua, trước diễn biến mới của dịch COVID-19, thực hiện chỉ đạo của UBND Tp. Hồ Chí Minh, cộng đồng doanh nghiệp sản xuất, phân phối khẩu trang trên địa bàn thành phố đã đẩy mạnh hoạt động sản xuất, kinh doanh để tăng nguồn cung và đa dạng sản phẩm khẩu trang, nước diệt khuẩn, nhằm đảm bảo bình ổn thị trường.

Đơn cử, hệ thống bán lẻ MM Mega Market Việt Nam phối hợp với công ty cổ phần May Thắng Lợi, cho ra đời bộ sản phẩm với cấu tạo gồm khẩu trang và miếng lót có thể thay thế từ vải không dệt tẩm dung dịch nano thảo mộc.

Bộ sản phẩm này, có tác dụng diệt khuẩn lên đến 99% được chứng nhận bởi Viện kỹ thuật công nghệ cao Nguyễn Tất Thành, đồng thời có thể giặt và tái sử dụng nhiều lần.

Đặc biệt, trước khi bán ra thị trường, Bộ sản phẩm đã được điều chỉnh dựa trên những ý kiến đóng góp của các chuyên gia của Sở Công Thương và Sở Y tế Tp. Hồ Chí Minh.

Còn tại hệ thống bán lẻ thuộc Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại Tp. Hồ Chí Minh (Saigon Co.op), cùng với hàng triệu khẩu trang vải sát khuẩn đang được lần lượt đưa ra thị trường, siêu thị Co.opmart và Co.opXtra còn cho ra mắt thêm sản phẩm nón bảo vệ giúp người dân chống lây nhiễm bệnh dịch khi buộc phải ra đường hoặc công việc buộc phải giao tiếp trực tiếp.

Kết cấu của sản phẩm gồm hai phần, với phần trên là một chiếc nón vải thông thường được kết nối với phần dưới là một tấm chắn nhựa trong suốt có chiều dài qua mũi, bề ngang bao phủ hết toàn bộ khuôn mặt của người sử dụng. Ưu điểm của sản phẩm này là có thể sử dụng trong nhà và cả ngoài trời.

Ngoài ra, báo cáo của 23 doanh nghiệp sản xuất khẩu trang y tế trên địa bàn Tp. Hồ Chí Minh cho thấy, năng lực sản xuất khẩu trang y tế là 2.957.000 cái/ngày.

Doanh nghiệp cung cấp cho bệnh viện đạt 1.044.000 cái/ngày; nhà thuốc 244.000 cái/ngày; các tỉnh, thành, hệ thống siêu thị, đại lý bán hàng, bán ra thị trường 1.669.000 cái/ngày.

Hiện tại, Sở Công Thương Tp. Hồ Chí Minh đang tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương tìm kiếm các quốc gia có nguyên liệu khẩu trang y tế để nhập khẩu phục vụ cho sản xuất trong tháng 4/2020.

Song song đó, Sở Công Thương đã kết nối đơn vị phân phối với các doanh nghiệp sản xuất khẩu trang vải và ký hợp đồng phân phối với 22 doanh nghiệp.

Đặc biệt, Tp. Hồ Chí Minh cũng vừa công bố danh sách 1.073 điểm bán khẩu trang vải kháng khuẩn tại 24 quận, huyện đến người dân, nhằm góp phần đảm bảo thực hiện biện pháp phòng, chống dịch COVID-19.

Ghi nhận thực tế trên thị trường Tp. Hồ Chí Minh, khẩu trang các loại đạt tiêu chuẩn diệt khuẩn và phòng, chống dịch COVID-19 được bán lẻ với giá từ 5.000 đồng đến 10.000 đồng/cái; còn bán theo combo 3 cái dao động ở mức giá 21.000 đồng đến 35.000 đồng/combo.

Riêng khẩu trang các loại được sản xuất bằng nguyên liệu vải thông thường cũng được kinh doanh phổ biến với mức giá đa dạng, tùy vào mẫu mã, kích cỡ. 

Mỹ Phương

Danh mục tự doanh 11 tỷ USD của các CTCK đang phân bổ như thế nào?
Giá trị tự doanh toàn ngành chứng khoán đã vượt mức 11 tỷ USD tại cuối 2024. Đa số các công ty ghi nhận FVTPL chiếm tỷ trọng lớn nhất cơ cấu mảng tự doanh. Trong khi đó, MBS, ACB chủ yếu phân bổ tại HTM, còn Vietcap, TBCS tiếp tục ghi nhận phần lớn ở khoản AFS.