|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

TP HCM: Doanh thu bán lẻ hàng hóa 6 tháng đầu năm tăng hơn 10% so với cùng kì

13:50 | 24/07/2020
Chia sẻ
Ngành dịch vụ thị trường về bán buôn và bán lẻ là một trong những động lực chính cho tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm nay của TP HCM, bên cạnh hoạt động công nghiệp chế biến, chế tạo và tài chính, ngân hàng, bảo hiểm.

Sáng 23/7, Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong chủ trì cuộc họp về tình hình kinh tế - văn hóa - xã hội, quốc phòng - an ninh và thu chi ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm, đồng thời triển khai nhiệm vụ, giải pháp 6 tháng cuối năm 2020. 

Tại cuộc họp, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Lê Thị Huỳnh Mai báo cáo về tình hình kinh tế của TP HCM trong 6 tháng đầu năm. Cụ thể:

Tổng sản phẩm trên địa bàn GRDP của TP HCM tăng khoảng 2% so với cùng kì. 

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ 6 tháng ước đạt 614.591 tỉ đồng, giảm 3,7% so với cùng kì, trong đó, doanh thu bán lẻ hàng hóa ước đạt 403.540 tỉ đồng (chiếm hơn 65% tổng mức bán lẻ), tăng 10,1% so với cùng kì.

Ngành dịch vụ thị trường về bán buôn và bán lẻ là một trong những động lực chính cho tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm nay của TP HCM, bên cạnh hoạt động công nghiệp chế biến, chế tạo và tài chính, ngân hàng, bảo hiểm.

Tuy nhiên, tình hình doanh thu các ngành dịch vụ khác (dịch vụ lưu trú và ăn uống, dịch vụ lữ hành, dịch vụ khác) có xu hướng giảm, ngành bán lẻ duy trì tốc độ tăng trưởng (tăng 10,1%), cao hơn tốc độ tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ (giảm 3,7%). 

Việc duy trì mức tăng trưởng của ngành bán lẻ trong 6 tháng là nhờ 4 yếu tố về nguồn cung sản phẩm, hành vi tiêu dùng, hệ thống phân phối và chương trình khuyến mãi.

TP HCM: Doanh thu ngành dịch vụ giảm, bán lẻ là động lực phát triển 6 tháng đầu năm - Ảnh 1.

Doanh thu bán lẻ hàng hóa 6 tháng đầu năm ở TP HCM tăng hơn 10% so với cùng kì năm ngoái. (Ảnh minh họa: Co-opmart).

Về tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của doanh nghiệp (DN) 6 tháng ước đạt 20,7 tỉ USD, tăng 5,8% so với cùng kì (cùng kì tăng 9,2%). 

Hoạt động ngân hàng trên địa bàn thành phố nhìn chung ổn định. Trong đó, các hoạt động chính như huy động, cho vay và dịch vụ ngân hàng,… đều duy trì hoạt động và tăng trưởng nhẹ so với cuối năm trước.

Đặc biệt ngành ngân hàng trên địa bàn đã quan tâm triển khai thực hiện các giải pháp hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng do dịch bệnh COVID-19.

Về chỉ số sản xuất công nghiệp, 6 tháng đầu năm cũng đã tăng được 1,8% so với cùng kì (cùng kì tăng 7,0%). 

Bốn ngành công nghiệp trọng yếu (cơ khí, chế biến lương thực - thực phẩm, hóa chất - nhựa - cao su và ngành điện tử - công nghệ thông tin) tăng 2,0% so với cùng kì.

Về giá trị gia tăng ngành nông - lâm - ngư nghiệp trên địa bàn TP ước tăng 3,11% so với cùng kỳ.

Về thu chi ngân sách, GĐ Sở Tài chính Phạm Thị Hồng Hà cho hay: số thu ngân sách nhà nước trên địa bàn thành phố 6 tháng đầu năm là 164.503 tỉ đồng, đạt 40,54% so với dự toán, bằng 86,59% so với cùng kì.

Trước đó, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP HCM Lê Thanh Liêm cho biết, năm 2019, Chỉ số năng lực cạnh tranh PCI của TP HCM đã chuyển từ nhóm các tỉnh thành có chỉ số PCI “khá” thành nhóm “tốt”.

Điều này chứng minh TP HCM đã và đang nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, hướng tới nâng cao hơn nữa chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp, nhưng sự chuyển biến chưa thật sự mạnh mẽ.

Minh Hằng