|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Bất chấp COVID-19, GRDP của TP HCM vẫn tăng khoảng 2%

11:46 | 08/07/2020
Chia sẻ
Theo báo cáo của TP HCM, tổng sản phẩm trên địa bàn tăng khoảng 2% so với cùng kì, thu ngân sách nhà nước được hơn 163 ngàn tỉ đồng, đạt 40,2% dự toán, giảm 14,4 % so với cùng kì.

Thành ủy TP HCM vừa tổ chức hội nghị lần thứ 42 Ban Chấp hành Đảng bộ TP HCM khóa X mở rộng.

Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Thiện Nhân cho biết, tỉ lệ ngân sách để lại cho Hà Nội tăng từ 30% lên 35%, Hải Phòng giảm từ 100% còn 78%. Tuy nhiên, tỉ lệ ngân sách TP HCM được giữ lại từ 33% (năm 2000) đã giảm còn 18% (giai đoạn 2017 - 2020).

Ông Nhân cho rằng đây là một trong những lí do khiến tốc độ tăng trưởng kinh tế của thành phố so với bình quân cả nước đang giảm. Nếu giai đoạn 2001 - 2010 con số này bằng 1,6 lần cả nước, thì đến giai đoạn 2011 - 2019 chỉ bằng 1,2 lần.

TP HCM: Mức đóng góp ngân sách tăng nhưng tốc độ tăng trưởng kinh tế giảm - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Thiện Nhân phát biểu tại hội nghị. (Ảnh: Lê Hoàng).

Theo người đứng đầu Thành ủy TP HCM, kinh tế thành phố luôn chiếm vai trò quan trọng đối với cả nước. Giai đoạn 1996 - 2000, kinh tế thành phố chiếm bình quân 17% kinh tế cả nước, đến giai đoạn 2001 - 2010 tỉ lệ này tăng lên 20% và giai đoạn 2011-2019 chiếm hơn 22% kinh tế cả nước.

“Điều đó cho thấy khi nói vai trò đầu tàu là tỉ trọng đóng góp của TP cho cả nước trong 25 năm qua không ngừng tăng lên”, ông Nhân nói và cho rằng cơ sở quan trọng để đảm bảo tăng trưởng kinh tế thành phố cao hơn bình quân cả nước là nhờ năng suất lao động cao hơn bình quân cả nước, gấp 2,7 lần.

Ông cho rằng vị trí đầu tàu kinh tế của TP không chỉ là tăng trưởng mà còn thể hiện ở đóng góp vào ngân sách cả nước.

Giai đoạn 2001 - 2010, bình quân TP đóng góp khoảng 26,5% ngân sách, giai đoạn 2011 - 2019 đóng góp 27,5% ngân sách cả nước. Điều này cho thấy tỉ trọng đóng góp tiếp tục tăng lên, vị trí đầu tàu tiếp tục được giữ vững và ổn định.

Cũng trong hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Lê Thanh Liêm đã báo cáo tình hình kinh tế - văn hóa - xã hội, quốc phòng - an ninh, thu chi ngân sách của TP HCM trong 6 tháng đầu năm và nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2020.

Theo đó, mặc dù chịu tác động mạnh của dịch COVID-19, TP HCM vẫn đạt được nhiều kết quả phát triển kinh tế. Tổng sản phẩm trên địa bàn tăng khoảng 2% so với cùng kì, thu ngân sách nhà nước được hơn 163 ngàn tỉ đồng, đạt 40,2% dự toán, giảm 14,4 % so với cùng kì. 

Qua công tác quản lí nhà nước về trật tự xây dựng, thành phố phát hiện 464 trường hợp vi phạm trật tự xây dựng, giảm 71,7% so với cùng kì.

Về những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm 6 tháng cuối năm 2020, TP HCM sẽ kiên trì vừa khống chế đẩy lùi dịch bệnh, vừa giữ vững phát triển kinh tế - xã hội.

Cùng với đó, từ nay đến cuối năm, thành phố tập trung hỗ trợ doanh nghiệp với các nhóm giải pháp: Rà soát, hỗ trợ hơn 800 doanh nghiệp tạm ngưng hoạt động; chuẩn bị các điều kiện về đất đai, cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực để sẵn sàng đón nhận các dòng vốn đầu tư nước ngoài dịch chuyển, hướng vào các tập đoàn lớn đa quốc gia, công nghệ cao, hiện đại, thân thiện với môi trường...

Ngoài ra, thành phố đẩy mạnh các giải pháp khôi phục, phát triển du lịch, tiếp tục triển khai đề án đô thị thông minh, kiểm soát chặt chẽ thu - chi ngân sách, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công.

"Thành phố xem việc thúc đẩy giải ngân kế hoạch đầu tư công là nhiệm vụ chính trị trọng tâm của năm 2020, phấn đấu đến tháng 10/2020, tỉ lệ giải ngân đạt trên 80% kế hoạch", ông Lê Thanh Liêm cho biết.

Mai Anh