|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

TP HCM đẩy tiến độ metro số 1, khởi công metro số 2 trong năm nay

07:50 | 12/01/2022
Chia sẻ
Trong năm 2022, Sở GTVT TP HCM đặt mục tiêu đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu cơ bản hoàn thành tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) và khởi công tuyến metro số 2 (Bến Thành - Tham Lương).

Chiều 11/1, Sở GTVT TP HCM tổng kết năm 2021, triển khai nhiệm vụ năm 2022. Theo thống kê, trong năm 2021, tổng kế hoạch vốn giao cho Sở GTVT là 3.426 tỷ đồng; giá trị giải ngân vốn đạt tỷ lệ 93,2%, thấp hơn 4,2% so với cùng kỳ năm 2020 (97,4%), theo TTXVN.

Chỉ tiêu về mật độ đường giao thông là 2,26 km/km2 (đạt 100%), tỷ lệ đất dành cho giao thông đạt 12,76% (đạt 100%).

Về những hạn chế, ông Võ Khánh Hưng, Phó Giám đốc Sở GTVT TP HCM nhìn nhận, công tác bồi thường giải phóng mặt bằng các dự án thực hiện còn chậm, dẫn đến phải tạm dừng thi công, chậm giải ngân kế hoạch vốn đã giao và hoàn thành công trình theo kế hoạch đề ra.

Công tác chuẩn bị đầu tư các dự án giao thông trọng điểm còn chậm do chưa được giao vốn chuẩn bị đầu tư; nguồn vốn đầu tư công trung hạn 2021-2025 bố trí cho đầu tư phát triển hạ tầng giao thông chỉ đáp ứng khoảng 20% so với như cầu kế hoạch đề ra. Do đó, một số dự án đã duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi nhưng phải tạm ngưng.

Theo Báo Giao thông, trong năm 2022, Sở GTVT TP HCM đặt mục tiêu đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu cơ bản hoàn thành tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) và khởi công tuyến metro số 2 (Bến Thành - Tham Lương).

Đồng thời, phấn đấu khởi công một số công trình trọng điểm như đường nối Trần Quốc Hoàn - Cộng Hòa, QL50, nút giao thông An Phú… 

TP HCM đẩy tiến độ metro số 1, khởi công metro số 2 trong năm nay - Ảnh 1.

TP HCM đẩy tiến độ metro số 1, khởi công metro số 2 trong năm nay. (Ảnh minh họa: Thanh niên).

Ngành giao thông thành phố dự kiến hoàn thành đưa vào khai thác 20 công trình trọng điểm trong năm 2022. Bên cạnh đó, hoàn chỉnh báo cáo nghiên cứu tiền khả thi các dự án trọng điểm như Cao tốc TP HCM - Mộc Bài, Vành đai 2, Vành đai 3.

Về giao thông công cộng, thành phố sẽ tập trung mở rộng, tái cấu trúc mạng lưới tuyến xe buýt. Bên cạnh nâng cao chất lượng phương tiện, thành phố sẽ khẩn trương đưa hệ thống soát vé thông minh cùng những điều chỉnh về giá vé để tạo đột phá cho hệ thống xe buýt hiện nay.

Đặc biệt, ngay trong quý I/2022, Sở GTVT dự kiến sẽ tổ chức thí điểm loại hình vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt điện; phối hợp cùng các tỉnh tổ chức khai thác các tuyến xe buýt liên tỉnh kết nối giao thông trong vùng (tuyến TP HCM - Long An - Tiền Giang...) và mở rộng mạng lưới xe đạp công cộng.

Để hoàn thành mục tiêu đề ra, Sở GTVT kiến nghị cấp thẩm quyền chấp thuận tăng tổng mức vốn đầu tư công trung hạn của thành phố giai đoạn 2021 - 2025 (đối với các dự án vành đai, cao tốc, ước khoảng 75.000 tỷ đồng).

Bên cạnh đó, đề nghị Trung ương chấp thuận cho thành phố phát hành trái phiếu chính quyền địa phương để tạo nguồn vốn đầu tư dự án hoặc Chính phủ thu xếp nguồn vốn phù hợp cho thành phố vay lại với lãi suất 0%, dư nợ của việc phát hành trái phiếu hoặc khoản vay lại không tính vào hạn mức bội chi của ngân sách thành phố.

Phương Trang