|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

TPHCM tuyến metro số 1 có nguy cơ tiếp tục chậm tiến độ

21:37 | 27/04/2017
Chia sẻ
Tuyến metro số 1 (Bến Thành- Suối Tiên) của TPHCM có nguy cơ tiếp tục chậm tiến độ đến sau năm 2020 khi phần vốn ODA chưa được Trung ương bố trí cho dự án.
tphcm tuyen metro so 1 co nguy co tiep tuc cham tien do
Một số đoạn đi trên cao của tuyến metro số 1 đã hoàn thành phần cầu cạn - Ảnh: Anh Quân

Trao đổi với TBKTSG Online chiều nay, 27-4, ông Lê Nguyễn Minh Quang, Trưởng Ban quản lý Đường sắt đô thị TPHCM cho biết, nếu không có tiền thanh toán cho nhà thầu, khi đó nhà thầu ngừng thi công thì tuyến metro số 1 sẽ có nguy cơ bị chậm tiến độ.

Trước đó sáng 27-4, báo cáo tại cuộc họp về tình hình kinh tế-xã hội của TPHCM, ông Quang cũng cho biết, năm nay dự kiến thành phố cần 5.200 tỉ đồng chi cho thi công tuyến metro số 1, tuy nhiên phần vốn ODA mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình phân bổ chỉ được 2.900 tỉ đồng.

Từ tháng 9-2016, Bộ Tài chính yêu cầu kho bạc ngừng thanh toán tiếp cho các nhà thầu thi công tuyến metro số 1. Do vậy, trước tết, thành phố đã tạm ứng gần 1.000 tỉ đồng thanh toán cho các nhà thầu để công nhân có tiền về quê ăn tết. Tính đến ngày 26-4, số tiền mà thành phố nợ các nhà thầu là 1.339 tỉ đồng.

Tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) có chiều dài gần 20 km đi qua các quận 1, 2, 9, Bình Thạnh, Thủ Đức và một phần huyện Dĩ An, tỉnh Bình Dương. Dự án có 2,6 km đi ngầm và hơn 17 km đi trên cao dọc xa lộ Hà Nội.

Sau nhiều năm chậm tiến độ do điều chỉnh dự án, tổng mức đầu tư của dự án đã lên đến 2,49 tỉ đô la Mỹ (hơn 47.000 tỉ đồng). Dự án sau đó chính thức được khởi công vào tháng 8-2012 và dự kiến đưa vào khai thác năm 2020.

Hiện nay, một số đoạn đi trên cao dọc xa lộ Hà Nội đã hoàn thành phần cầu cạn đi trên cao. Còn đoạn đi ngầm hiện nay mới bắt đầu thi công nhà ga Bến Thành, ga Ba Son và ga Nhà hát thành phố. Do đoạn đi ngầm thi công phức tạp nên phải đến năm 2020 mới hoàn thành. Tuy nhiên, với tiến độ giải ngân chậm như hiện nay nguy cơ chậm tiến độ đến sau năm 2020 là rất lớn.

Theo một báo cáo mới đây của chính quyền TPHCM gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, hiện nay, chỉ tính riêng hai dự án lớn có sử dụng vốn ODA là tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) và dự án cải thiện môi trường nước giai đoạn 2 cần bố trí 7.000 tỉ đồng cho năm 2017, song chỉ được phân bổ 3.500 tỉ đồng.

Mới đây, trong văn bản được chính quyền TPHCM gửi Bộ Kế hoạch Đầu tư, chính quyền thành phố cho rằng việc bố trí vốn theo đề xuất của Bộ Kế hoạch và Đầu tư không đáp ứng nhu cầu giải ngân của hai dự án. Do tiến độ giải ngân chậm một số nhà thầu đã có văn bản đề nghị giãn tiến độ thi công và có thể sẽ dừng thi công nếu việc giải ngân vốn vẫn tiếp tục chậm trễ.

Lê Anh

Margin tiếp tục lập đỉnh mới, thêm hai CTCK có dư nợ vượt 20.000 tỷ đồng
Dư nợ magin ngành chứng khoán lập đỉnh mới trong 2024. Riêng Top 10 công ty chứng khoán lớn nhất ghi nhận đến 9 đơn vị vượt đỉnh cho vay trong quý cuối năm. TCBS, SSI và HSC đang là ba đơn vị đang dẫn đầu về cho vay margin.