|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

TP HCM chưa bàn giao đủ mặt bằng 'sạch' cho Cao tốc Bến Lức - Long Thành

15:55 | 18/02/2019
Chia sẻ
Theo VEC, UBND TP HCM từng cam kết sẽ bàn giao toàn bộ mặt bằng còn lại cho dự án Cao tốc Bến Lức - Long Thành trong tháng 9/2018, tuy nhiên do vướng mắc về chính sách, giá đền bù... nên đến nay các tồn tại nêu trên vẫn chưa được giải quyết.

Theo thông tin từ Bộ GTVT, mới đây Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông đã có buổi làm việc với chủ đầu tư dự án Cao tốc Bến Lức - Long Thành là Tổng công ty đầu tư Phát triển đường Cao tốc Việt Nam (VEC) về tiến độ và những vướng mắc tại dự án này.

Dự án Cao tốc Bến Lức - Long Thành có tổng chiều dài tuyến là 57,8km đi qua 3 tỉnh thành gồm Long An (5,12km), TP HCM (27,43km) và Đồng Nai (25,25km), tiêu chuẩn đường cao tốc loại A, trong đó có 17 cầu với tổng chiều dài 20,05km.

Dự án có 4 làn xe, 2 làn dừng khẩn cấp, vận tốc thiết kế 100km/h, tổng mức đầu tư giai đoạn 1 khoảng 31.320 tỉ đồng (tương đương 1,607 tỉ USD). Trong đó, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tài trợ 635 triệu USD, Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) 634 triệu USD và còn lại là vốn đối ứng của Việt Nam.

tp hcm chua ban giao du mat bang sach cho cao toc ben luc long thanh
Ảnh minh họa.

Tại buổi làm việc, Tổng công ty đầu tư Phát triển đường Cao tốc Việt Nam cho biết, hiện nay, công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) tại đoạn 1, phía Tây (A1-A4) của dự án còn vướng 26 hộ thuộc huyện Bình Chánh, TP HCM. Trước đó, tại buổi làm việc với Bộ trưởng Bộ GTVT ngày 03/8/2018, UBND TP HCM cam kết sẽ bàn giao toàn bộ mặt bằng còn lại trong tháng 9/2018, tuy nhiên do vướng mắc về chính sách, trong đó chủ yếu là giá đền bù, phương án tái định cư và tranh chấp khiếu kiện tại tòa án nên đến nay các tồn tại nêu trên vẫn chưa được giải quyết.

Đoạn 3, phía Đông (gói thầu A5-A7) của dự án hiện tình hình thi công mới chỉ đạt 71,68% tổng giá trị xấy lắp mà các gói thầu đã triển khai.

Theo VEC, nguyên nhân chính dẫn đến việc chậm tiến độ của dự án là vướng mắc trong chuyện đền bù, tái định cư, chủ yếu tập trung tại một số khu vực như huyện Bình Chánh - TP HCM và các huyện Nhơn Trạch, Long Thành thuộc tỉnh Đồng Nai.

Bên cạnh đó, một nguyên nhân nữa đó là hiện nay năng lực máy móc thiết bị và nhân sự của các gói thầu thiếu, nguồn tài chính không đảm bảo. Đặc biệt gói thầu A4 đến này không còn nguồn lực tài chính để thi công…

VEC cho biết đang cố gắng giải quyết các vướng mắc đẩy nhanh công tác thi công, đảm bảo tiến độ cuối năm 2020 kết thúc, theo thời gian đóng khoản vay của Hiệp định với phía ADB.

Tại buổi làm việc, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông cho biết, với tình hình thực hiện tại các gói thầu trên thì khả năng kéo dài rất cao. Bộ yêu cầu chủ đầu tư gấp rút giải quyết các vướng mắc về công tác GPMB. Khẩn trương hoàn tất và rà soát các đề nghị của nhà thầu về việc hướng dẫn các văn bản, thủ tục để gia hạn hợp đồng. Đồng thời các bên như chủ đầu tư, tư vấn, nhà thầu,… cần ngồi lại để làm việc cụ thể với nhau và tập trung thi công trong thời gian tới.

“Dự án phải hoàn thành trước năm 2020 để phục vụ người dân các tỉnh thành phía Nam”, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông chỉ đạo.

Xem thêm

K.Hà