|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

TP HCM chỉ hoàn thành một dự án nhà ở xã hội sau 3 năm

04:05 | 15/03/2024
Chia sẻ
TP HCM mới đưa vào sử dụng 1 dự án nhà ở xã hội trong kế hoạch phát triển 37 dự án giai đoạn 2021 - 2025.

Thông tin này được Sở Xây dựng báo cáo tại cuộc họp mới đây với Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi về việc triển khai, thực hiện các dự án ở xã hội.

Theo đó, giai đoạn 2021-2025, Chính phủ giao TP HCM phát triển 26.200 căn nhà ở xã hội. Còn thành phố này đặt mục tiêu xây dựng được 35.000 căn (bao gồm cả nhà lưu trú công nhân) với 37 dự án.

Tuy nhiên, đến nay, TP HCM mới hoàn thành được 1 dự án nhà ở xã hội (với 250 căn), còn lại 36 dự án. Trong đó, 6 dự án đang thi công, 30 dự án thực hiện các thủ tục pháp lý.

Theo đề án phát triển ít nhất 1 triệu căn nhà ở xã hội của Chính phủ, TP HCM cũng nằm trong nhóm được giao chỉ tiêu cao nhất, chỉ sau các địa phương thủ phủ công nghiệp như Bắc Giang, Bắc Ninh, Bình Dương...

Theo lãnh đạo Sở Xây dựng, thời gian tới, 13 dự án với khoảng 12.000 căn nhà ở xã hội có thể đẩy hết cỡ về thủ tục để hoàn thành, đưa vào sử dụng. Tuy nhiên, 23 dự án còn lại rất khó để hoàn thành từ nay đến năm 2025.

Ông Phan Văn Mãi nhận xét việc triển khai kế hoạch phát triển nhà ở xã hội tại TP HCM còn chậm, chưa theo kịp tiến độ đề ra. Ông đề nghị Sở Xây dựng làm cơ quan thường trực, cùng các sở ngành vận dụng cơ chế chính sách từ Nghị quyết 98 và cơ chế đặc thù của thành phố để giải quyết vấn đề này. Ông cũng khẳng định thành phố sẽ tạo điều kiện để nhà đầu tư triển khai dự án, nhưng cũng sẵn sàng xử lý nghiêm các đơn vị không thiện chí, cố tình không triển khai dự án được giao.

Theo Sở Xây dựng TP HCM, việc triển khai các dự án nhà ở xã hội chậm do nhiều nguyên nhân như quy trình đầu tư dự án còn phức tạp. Ngoài thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư, công nhận chủ đầu tư, phê duyệt quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500, chấp thuận đầu tư, giao đất, tính tiền sử dụng đất, ký quỹ như nhà ở thương mại, các dự án nhà ở xã hội phải thực hiện thêm loạt thủ tục liên quan khác.

Đồng thời, công tác bồi thường giải phóng mặt bằng tại một số dự án khó khăn, kéo dài, tiến độ chậm, thậm chí không thực hiện được. Thủ tục điều chỉnh quy hoạch tỷ lệ 1/2000, quy hoạch chi tiết 1/500 mất nhiều thời gian. Các dự án nhà ở công nhân có́ vốn đầu tư lớn, chi phí xây dựng, chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng khá cao trong khi thời gian thu hồi vốn lâu (10-15 năm), nên chưa thu hút được nhiều nhà đầu tư.

Anh Tú