Toshiba cho phá sản công ty ở Mỹ
Nhà máy Toshiba ở Kawasaki, Nhật Bản: Ảnh: Reuters |
Sau khi nộp đơn xin bảo hộ phá sản, Westinghouse sẽ không được đưa vào báo cáo tài chính hợp nhất của Toshiba nữa. Khoản thiệt hại ước tính 712,5 tỷ yen (6,45 tỷ USD) do thương vụ M&A cuối năm 2015 cũng có thể giảm bớt.
Tuy nhiên, họ vẫn phải trả đủ khoản vay 800 tỷ yen đã bảo lãnh cho Westinghouse. Toshiba đã cam kết sẽ hoàn thành việc này. Cộng với nhiều chi phí khác, như tiền phạt phá vỡ hợp đồng và dự phòng rủi ro thiệt hại trong tương lai, gánh nặng tài chính với Toshiba có thể lên tới 1.000 tỷ yen, giới chuyên gia ước tính.
Bên cạnh đó, việc Westinghouse phá sản cũng không thể giúp Toshiba có lợi nhuận trong năm tài chính 2016 (kết thúc vào tháng này). Toshiba đã xin hoãn công bố báo cáo tài chính quý III nhiều lần. Thời hạn mới nhất được chấp thuận là 11/4. Họ cũng đang chuẩn bị bán phần lớn mảng bán dẫn, cũng như nhận hàng trăm tỷ yen khoản vay từ một nhóm ngân hàng.
Sau sự việc này, Toshiba dự định đưa hạ tầng lên làm mảng kinh doanh cốt lõi. Năm 2006, Toshiba mua Westinghouse. Thương vụ này được đánh giá là rất triển vọng tại thời điểm đó. Do năm 2005, Chính phủ Mỹ đưa ra hàng loạt ưu đãi cho các hãng năng lượng hạt nhân, như giảm thuế, bảo lãnh đi vay và hỗ trợ nếu chi phí vượt dự toán.
Năm 2008, Westinghouse ký các hợp đồng xây 4 lò phản ứng cho hai nhà máy điện hạt nhân Mỹ là Southern và Scana. Tuy nhiên, chi phí cho việc xây dựng đã tăng mạnh do các quy định an toàn được thắt chặt sau thảm họa kép động đất - sóng thần tại Nhật Bản năm 2011. Bên cạnh đó, giá khí đốt tự nhiên lao dốc cũng khiến ngành điện hạt nhân kém hấp dẫn.
Năm 2015, Westinghouse mua CB&I Stone and Webster. Thương vụ trên được cho là nhằm giúp chi nhánh tại Mỹ của Toshiba - Westinghouse hoàn thành các dự án lò phản ứng tại Georgia và Nam Carolina. Tuy nhiên, các dự án này đều vượt dự toán và chậm tiến độ, khiến Toshiba lâm vào tình cảnh khó khăn như hiện nay.