Top10 tăng/giảm tuần 26 - 30/10: Nhiều mã penny bước vào giai đoạn phân phối sau khi tăng dựng đứng
Thị trường chứng khoán Việt Nam chứng kiến một tuần giao dịch đỏ lửa khi các cổ phiếu có sự điều chỉnh khá sâu. Đặc biệt, trong phiên 28/10, VN-Index mất tới 25 điểm cùng áp lực bán tháo trên diện rộng.
Kết thúc phiên cuối tuần, VN-Index giảm 3,72% xuống 925,47 điểm, kết thúc chuỗi tăng 6 tuần liên tiếp. Trong khi đó, HNX-Index dừng tại 135,34 điểm, tương ứng với mức giảm 4,49% so với tuần trước đó.
MCP trở lại đường đua trên HOSE, TTF, OGC tiếp tục giai đoạn phân phối
Trái với diễn biến tiêu cực trên thị trường, xu hướng tăng chiếm ưu thế trên sàn HOSE. Cụ thể, sàn này ghi nhận 225 mã tăng giá, áp đảo so với 181 mã giảm giá và 79 mã đứng giá tham chiếu.
Cổ phiếu TNT của CTCP Tài Nguyên bất ngờ dẫn đầu về tỉ lệ tăng giá trên HOSE. Theo đó, mã này đã có 5 phiên tăng trần, giúp giá tăng 38,41% lên mức 2.090 đồng/cp sau nhiều tháng lình xình quanh 1.500 đồng/cp. Thanh khoản cũng tăng kỉ lục lên hơn 2 triệu cổ phiếu mỗi phiên.
Kế đến, cổ phiếu RIC của Quốc tế Hoàng Gia tăng 20,76% với ba phiên tăng giá. Sàn HOSE tuần qua cũng ghi nhận một số mã penny với tỉ lệ tăng giá dưới 10% như HU1 (8,9%), SFC (7,01%) và NVT (5,74%).
Trong khi đó, nhóm cổ phiếu vốn hoá trung bình như HRC, GIL, SVC và vốn hoá lớn như PDR cũng ghi nhận tuần giao dịch tích cực với tỉ lệ tăng 5 -15%.
Đáng chú ý, cổ phiếu MCP của In và Bao bì Mỹ Châu đã khởi sắc trở lại sau khi đứng đầu top giảm giá trong tuần trước. Sau khi giảm sàn phiên đầu tuần, mã này bất ngờ bật tăng và chốt phiên 30/10 tại mức 29.600 đồng/cp.
Sau khi trải qua nhịp tăng 240% từ cuối tháng 7 lên 8.750 đồng/cp trong phiên 22/10, cổ phiếu TTF của Tập đoàn Kỹ nghệ Gỗ Trường Thành đã bắt đầu lao dốc và giảm sàn 3/5 phiên, chốt phiên cuối tuần tại 6.410 đồng/cp.
Diễn biến tương tự, cổ phiếu OGC của Tập đoàn Đại Dương cũng mất 13,37% giá trị so với tuần trước sau khi lập đỉnh gần 6 năm tại mức giá 8.420 đồng/cp trong ngày 22/10.
Một số cổ phiếu penny cũng tiếp tục giai đoạn phân phối như TLD (tỉ lệ giảm 19,31%), TCO (19%), TDG (16,26%), TCL (15,31%), DRH (13,67%), CMV (13,04%) và DTL (12,86%).
VNT dẫn đầu top tăng giá trên HNX nhưng thanh khoản èo uột
Tương tự trên HOSE, số cổ phiếu tăng giá áp đảo trên sàn HNX với 74 mã, trong khi 62 mã đứng giá tham chiếu và 63 mã giảm giá.
Trên sàn HNX, cổ phiếu VNT của Giao nhận Vận tải Ngoại thương dẫn đầu với tỉ lệ tăng giá 20,8% trong tuần 26 - 30/10. Mặc dù có thị giá cao, mã VNT gần như không thu hút được sự quan tâm của nhà đầu tư khi thanh khoản èo uột. Thậm chí trong tuần qua, khối lượng khớp lệnh trung bình chỉ đạt khoảng 760 đơn vị/phiên.
Hai cổ phiếu thị giá lớn khác như SGH và CDN cũng diễn biến tương tự khi thanh khoản luôn duy trì ở mức thấp dù ghi nhận tỉ lệ tăng lần lượt là 17,02% và 11,74%.
Bên cạnh đó, một số mã vốn hoá nhỏ và siêu nhỏ nằm trong Top10 cổ phiếu tăng mạnh nhất trên sàn HNX như MST (18,75%), MCF (18,52%), VC1 (18,42%), TJC (18,06%), SFN (12,82%), VSM (10,09%) và CET (10%).
Tại chiều giảm giá, mã SDG của Sadico Cần Thơ đứng đầu với việc mất giá 26,78% chỉ trong một tuần. Cổ phiếu này đã có hai phiên giảm sàn và hai phiên giảm trong tuần.
Sau khi leo lên vùng 5.000 đồng/cp giữa tháng 9, cổ phiếu TTZ tiếp tục đà phân phối, giảm 14,29% xuống 3.600 đồng/cp khi chốt phiên 30/10.
Nhóm 10 mã giảm giá mạnh nhất trên HNX ghi nhận một số trường hợp khác như VE4, L43, HHG, CKV, VE9, BPC, NGC và NBC với tỉ lệ dưới 20%.
CCM tăng gần gấp đôi trên UPCoM
Thị trường UPCoM ghi nhận trường hợp cổ phiếu CCM của Khoáng sản & Xi măng Cần Thơ tăng giá mạnh nhất. Với 5 phiên tăng giá, trong đó có ba phiên tăng trần, giá cổ phiếu này tăng gần gấp đôi chỉ trong một tuần.
Theo sau CCM, hai mã BTH và POB tăng giá lần lượt 97,22% và 94,82%. Nhóm 10 cổ phiếu tăng giá mạnh trên UPCoM tuần vừa qua còn có các mã khác như QNU, DAS, EAD, NDC, MVY, BBM và CT3.
Tại chiều giảm giá, cổ phiếu PND của Xăng dầu Dầu khí Nam Định dẫn đầu với việc mất 48,61% giá trị. Kế đến, hai mã WTC và C22 giảm 38,93% và 38,82%.
Top10 mã giảm giá còn ghi nhận các cổ phiếu GLW, KHL, DID, MRF, DCF, PEQ và ICI. Đây đều là những cổ phiếu giao dịch với thanh khoản rất thấp hoặc không có giao dịch.