|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Top10 tăng/giảm tuần (22 - 26/7): Xuất hiện 'tân binh' tăng gần 3 lần chỉ sau 8 phiên chào sàn, GAB chưa dừng lao đốc

08:18 | 29/07/2019
Chia sẻ
Tuần 22 - 26/7, thị trường tiếp tục giao dịch phân hóa khi các doanh nghiệp dần hé lộ kết quả kinh doanh. Hoạt động công bố KQKD cơ bản hoàn thành trong tuần này, theo Chứng khoán BSC, hiệu ứng từ KQKD qúi II mờ nhạt dần.

Tuần 22 - 26/7, VN-Index áp sát ngưỡng tâm lý 1.000 điểm, bộ đôi VIC và VHM đóng góp 9/11 điểm tăng trong tuần. Toàn bộ điểm tăng đến từ bộ đôi cổ phiếu 'họ Vingroup' VIC-VHM và đóng góp của HPG nhờ thông tin KQKD quý II vượt dự báo trong khi nhóm cổ phiếu ngân hàng điều chỉnh nhẹ. 

Theo nhận định của chứng khoán BSC,  gần 70% số công ty đã công bố kết quả kinh doanh tạo ra sự phân hóa rõ rệt trên thị trường. Hoạt động công bố KQKD cơ bản hoàn thành trong tuần này, hiệu ứng từ KQKD qúi II mờ nhạt dần.

Diễn biến giá cổ phiếu theo ngành tuần qua, nhóm tài nguyên cơ bản tăng 6,12% (HPG, DLG), bất động sản tăng 3,37% (VHM, VIC), hàng cá nhân và gia dụng tăng 2,29% (PNJ, RAL). Trong khi đó nhóm truyền thông đứng đầu về mức độ giảm điểm với 3,65% (YEG, VNB), Chứng khoán giảm 2,44% (VND, HCM), Săm lốp giảm 1,52% (DRC).

Về tổng quan, xu hướng tăng vẫn chiếm ưu thế với 12/18 ngành tăng giá, chỉ có 6/18 ngành giảm giá. Tuy nhiên, sự tăng giá của các cổ phiếu trong cùng một ngành không diễn ra trên diện rộng mà phân hóa trên từng cổ phiếu.

Thống kê giao dịch tuần qua, mã dẫn đầu về tăng giá trên thị trường đạt tỷ suất 99,43%, trong khi cổ phiếu giảm giá mạnh nhất mất gần 48% giá trị.

HOSE

Top10 cổ phiếu tăng/giảm mạnh nhất trên HOSE tuần 22- 26/7. Nguồn: Hoàng Linh tổng hợp

Thống kê trên HOSE, cổ phiếu TIE của CTCP TIE đứng đầu về tỉ lệ tăng giá với 22,85%. Theo đó, cổ phiếu này có 4 phiên tăng, trong đó có 3 phiên tăng kịch trần, giá cổ phiếu tăng từ 5.820 đồng/cp lên 7.150 đồng/cp. Trước đó, cổ phiếu này đã có chuỗi phiên giảm sàn và mất gần 50% giá trị.

Cùng với TIE, một số cổ phiếu penny khác cũng nằm trong Top10 cổ phiếu tăng giá mạnh nhất trên HOSE còn có TGG, TCR. Ngoại trừ TGG, hai mã TIE và TCR đều giao dịch với thanh khoản rất thấp.

Top10 cổ phiếu tăng giá mạnh nhất trên HOSE tuần qua còn có một số cổ phiếu nhóm Midcap như HOT, CMX, YBM, LGC, BIC, TVB. Đáng chú ý, cổ phiếu DQC của Bóng đèn Điện Quang sau chuỗi phiên lình xình tại vùng đáy đã bật tăng 10,16% tuần qua chỉ với 3 phiên tăng giá mạnh cuối tuần.

Ở chiều ngược lại, cổ phiếu GAB tiếp tục nằm trong Top10 cổ phiếu giảm giá mạnh nhất trên HOSE khi tiếp tục mất đến 22,74% giá trị. Trong tuần qua, cổ phiếu này có một phiên hồi phục nhưng có đến 4 phiên giảm giá, trong đó có ba phiên giảm sàn.

Theo sau đó, cổ phiếu SBV của Siam Brothers Việt Nam giảm giá 20,35% sau khi công bố kết quả kinh doanh quí II thua lỗ. Một số mã vốn hóa trung bình nằm trong Top10 mã cổ phiếu giảm mạnh nhất trên HOSE còn có SBV, HUB, CMV, PDN.

Cổ phiếu VIS của Thép Việt Ý chưa dừng lao dốc khi tiếp tục mất 14,14% tuần vừa qua.

HNX

Top10 cổ phiếu tăng/giảm mạnh nhất trên HNX tuần 22- 26/7. Nguồn: Hoàng Linh tổng hợp

Thống kê trên HNX, cổ phiếu KSK dẫn đầu về tỉ lệ tăng giá, đạt 50% chỉ với một phiên giao dịch cuối tuần duy nhất. Giá cổ phiếu KSK tăng 50% từ 200 đồng/cp lên 300 đồng/cp. Cổ phiếu 'cọng hành' khác cũng có mức tăng 25% là ACM của Tập đoàn Khoáng sản Á Cường.

Cổ phiếu TMB của CTCP Kinh doanh than Miền Bắc - Vinacomin sau chuỗi phiên giao dịch èo uột đã có chuỗi phiên tăng kịch trần tuần vừa qua khiến giá cổ phiếu tăng từ 9.100 đồng/cp lên 13.300 đồng/cp. Tuy nhiên, cổ phiếu TMB chỉ giao dịch vài nghìn đơn vị mỗi phiên. 

Theo sau đó là cổ phiếu BBS của VICEM Bao bì Bút Sơn cũng có 4 phiên tăng kịch trần với thanh khoản 100 đơn vị/phiên.

Nhóm cổ phiếu có tỉ lệ tăng giá trên 15% trên HNX tuần qua còn có MBG, SAF, POT, NST, NBW và S99. Với tỉ lệ tăng giá 21,13% tuần qua, cổ phiếu MBG đã tăng gấp đôi kể từ đầu năm nay.

Ở chiều ngược lại, cổ phiếu L61 của Lilama 69-1 đứng đầu về tỉ lệ giảm giá trên HNX khi mất 33,47% giá trị. Cụ thể, cổ phiếu này có 4 phiên giảm sàn trong tuần vừa qua khiến giá cổ phiếu giảm từ 23.900 đồng/cp về 15.900 đồng/cp.

Cổ phiếu VCR của Vinaconex - ITC tiếp tục nằm trong nhóm giảm giá mạnh nhất khi mất 31,34% giá trị tuần qua. Cổ phiếu này đã có 5 phiên giảm giá liên tiếp với 3 phiên kịch sàn. Nguyên nhân giảm giá do kết quả kinh doanh công bố không mấy khả quan trong quí II.

Một số cổ phiếu khác có mức giảm từ 13 - 20% như VLA, QHD, PIC, DNM, IVS, CMS, CTX.

UPCOM

Top10 cổ phiếu tăng/giảm mạnh nhất trên UPCoM tuần 22- 26/7. Nguồn: Hoàng Linh tổng hợp

Thống kê trên thị trường UPCoM, cổ phiếu PMW của Cấp nước Phú Mỹ đứng đầu về tỉ lệ tăng giá với 99,43%. Theo đó, cổ phiếu PMW có 5 phiên tăng kịch trần liên tiếp nhưng chỉ vài trăm cổ phiếu được giao dịch mỗi phiên. Với mức giá tham chiếu 12.500 đồng/cp phiên chào sàn, cổ phiếu PMW tăng gần 3 lần chỉ sau 8 phiên giao dịch.

Cùng 'làm mưa, làm gió' trên thị trường khi tăng kịch trần chỉ vài trăm đơn vị giao dịch mỗi phiên còn có các mã như KIP, SCC, NDP, GTD...

Ở chiều ngược lại, cổ phiếu ngành nước khác là VKD của Nước khoáng Khánh Hòa đứng đầu về tỉ lệ giảm giá khi mất gần 48% giá trị tuần qua. Theo sau đó, cổ phiếu BLT của Lương thực Bình Định mất 40% giá trị chỉ với một phiên giao dịch. 

Một số cổ phiếu có tỉ lệ giảm giá 20 - 30% trên thị trường UPCoM như PWS, NTB, G20, TVA, VGL, VSF, GTT, BTV.

Hoàng Linh