|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Top10 tăng/giảm tuần (1 - 5/7): Nhóm khu công nghiệp hút tiền, nhiều mã 'đổ đèo' sau chuỗi ngày tăng phi mã

14:02 | 06/07/2019
Chia sẻ
Tuần giao dịch đầu tháng 7, thị trường ghi nhận giao dịch khởi sắc với 520 mã tăng giá, áp đảo con số 405 mã giảm giá. Nhóm cổ phiếu khu công nghiệp 'dậy sóng' trên HOSE trong khi nhiều mã cổ phiếu lao đốc trên HNX sau chuỗi ngày tăng sốc.

Tuần (1 – 5/7), thị trường giao dịch khởi sắc sau những thông tin tích cực việc nối lại đàm phán Mỹ - Trung hay Việt Nam kí hiệp định EVFTA vào ngày 30/6. Theo đó, VN-Index đóng cửa tại 975,34 điểm, tăng 2,67% so với cuối tuần trước; HNX-Index và UPCoM – Index cũng tăng lần lượt 0,84% và 1,3%.

Thống kê toàn thị trường tuần qua ghi nhận số cổ phiếu tăng giá áp đảo với 520 cổ phiếu tăng giá, 659 mã đứng giá tham chiếu và 405 mã giảm giá.

Nhóm khu công nghiệp khởi sắc, SJF 'nổi sóng' sau khi lãnh đạo bác tin làm giá

Cụ thể, trên HOSE có 211 mã tăng giá, 26 mã cổ phiếu có giá không thay đổi và 144 mã cổ phiếu giảm giá.

HOSE

Nguồn: Hoàng Linh tổng hợp

Thống kê trên HOSE, cổ phiếu SJF của Đầu tư Sao Thái Dương dẫn đầu về tỉ lệ tăng giá với 39,25%. Theo đó, cổ phiếu này đã có 5 phiên tăng trần liên tiếp với thanh khoản cải thiện, giá cổ phiếu SJF trăng từ 2.680 đồng/cp lên 3.730 đồng/cp. 

Sự tăng giá của cổ phiếu SJF diễn ra trong bối cảnh lãnh đạo công ty bác tin làm giá và kì vọng giá trên 10.000 đồng/cp trong ĐHĐCĐ được tổ chức ngày 26/6.

Dòng cổ phiếu khu công nghiệp diễn biến khởi sắc tuần qua. Hai cổ phiếu SZC của Sonadezi Châu Đức và D2D của Phát triển Đô thị Công nghiệp Số 2 nằm trong Top3 cổ phiếu tăng giá mạnh nhất trên HOSE với tỉ lệ lần lượt là 14,75% và 12,75%.

Một số cổ phiếu khác có tỉ lệ tăng giá dưới 12% như LM8, NAV, ITC, HUB, ATG, TCO va RIC. Tuy nhiên TCO, TIC, LM8 đều là những cổ phiếu không có thanh khoản. Khối lượng giao dịch của những cổ phiếu này chỉ vài trăm đơn vị một phiên.

Ở chiều ngược lại, cổ phiếu TIE đứng đầu danh sách giảm giá trên HOSE khi mất 19,4% giá trị với 3 phiên giảm sàn. Cổ phiếu TIE lao đốc sau thông tin hủy niêm yết trên HOSE từ này 31/7 do Tổ chức kiểm toán có "ý kiến kiểm toán trái ngược" đối với BCTC Hợp nhất kiểm toán năm 2018, thuộc diện chứng khoán bị hủy niêm yết bắt buộc theo quy định.

Trong danh sách cổ phiếu giảm giá trên HOSE có hai mã nằm trong Top10 cổ phiếu tăng giá tuần qua là CCL và TDW. Theo dó, sau khi tăng giá hơn 14% tuần qua, cổ phiếu giảm gần 12% trong tuần này. Cổ phiếu CCL mất gần 9,3% giá trị, về mức 5.480 đồng/cp.

Một số cổ phiếu khác trên HOSE có mức giảm dưới 15% tuần qua như VNL, DTL, HU1, SVI, VPK, L10 và SGT.

Nhiều mã 'đổ đèo' sau chuỗi ngày tăng sốc trên HNX

Sàn HNX tuần qua ghi nhận giao dịch cân bằng 109 cổ phiếu tăng giá, 152 cổ phiếu đứng giá tham chiếu và 105 cổ phiếu giảm giá.

HNX

Nguồn: Hoàng Linh tổng hợp

Tuần qua ghi nhận việc 'đổ đèo' của nhiều mã sau chuỗi ngày tăng giá mạnh. Đơn cử, sau khi tăng gấp đôi kể từ đầu tháng 4, cổ phiếu VMS của CTCP Phát triển Hàng hải mất gần 25,5% giá trị tuần qua khi giảm từ 11.000 đồng/cp về 8.200 đồng/cp.

Diễn biến tương tự, cổ phiếu HBS của Chứng khoán Hòa Bình cũng giảm từ 4.400 đồng/cp xuống còn 3.500 đồng/cp tuần qua sau khi liên tục tăng giá từ muức 2.000 đồng/cp từ đầu tháng 2. Danh sách này còn có mã BED của Sách và Thiết bị trường học Đà Nẵng, DZM của Chế tạo máy Dzĩ An.

Hai cổ phiếu penny là DPS của Đầu tư Phát triển Sóc Sơn và NHP của Sản xuất Xuất nhập khẩu NHP vẫn chưa có thấy dấu hiệu tạo đáy khi giá giảm xuống còn 500 đồng/cp.

Nhóm 10 cổ phiếu tăng giá mạnh nhất trên HNX tuần qua tiếp tục là những mã có thanh khoản rất thấp chỉ với vài trăm đơn vị mỗi phiên như LBE, L35, SD2, AME, VC1 và TJC.

Một cái tên đáng chú ý là cổ phiếu CTX của Tổng CTCP Đầu tư Xây dựng và Thương mại Việt Nam khi tăng giá 35,24% lên 28.400 đồng/cp đi kèm với đó là thanh khoản cải thiện. Trước đó, cổ phiếu này giao dịch èo uột chỉ vài trăm đơn vị một phiên và giá cổ phiếu lao dốc thì 40.000 đồng/cp về 20.000 đồng/cp.

Xuất hiện cổ phiếu tăng gấp đôi trên UPCoM tuần qua, nhóm Thủy sản 'dậy sóng'

Thị trường UPCoM ghi nhận 200 mã tăng giá áp đảo với 156 mã giảm giá. Thị trường này còn ghi nhận 481 mã đứng giá tham chiếu.

UPCoM

Nguồn: Hoàng Linh tổng hợp

Theo thống kê, cổ phiếu SCC của CTCP Đầu tư Thương mại Hưng Long tỉnh Hòa Bình đứng đầu Top10 mã tăng giá mạnh nhất trên UPCoM tuần qua khi tăng gấp đôi từ 400 đồng/cp, lên 800 đồng/cp, thanh khoản phiên 5/7 đạt 1.300 đơn vị, trước đó là 100 đơn vị/phiên.

Cổ phiếu AFX của CTCP Xuất nhập khẩu Nông sản Thực phẩm An Giang đứng thứ hai khi tăng giá 86,11% tuần qua với 4 phiên tăng trần lên 6.700 đồng/cp. Được biết, cổ phiếu này liên tục tăng giá từ mức 2.800 đồng/cp vào cuối tháng 6. Cùng với đó, thanh khoản cổ phiếu này đột biến trong một tuần gần đây, ghi nhận mức cao nhất trong ba năm.

Một cổ phiếu khác nhóm thủy sản là VEA của TCT Thủy sản Việt Nam – CTCP (Seaprodex) ghi nhận tỉ lệ tăng 40,9% lên 18.350 đồng/cp tuần qua.

Cổ phiếu BEL của CTCP Điện tử Biên Hòa tiếp tục giao dịch tích cực sau khi giá lao dốc từ 16.000 đồng/cp xuống còn 3.300 đồng/cp. Trong tuần qua, giá cổ phiếu BEL tăng 80,3% từ 7.100 đồng/cp lên 12.800 đồng/cp.

Một số cổ phiếu khác cũng ghi nhận mức tăng trên 38% tuần qua như VEC, HLA, VIH, PXM, BTN, KSE.

Ở chiều giảm giá, cổ phiếu VFC của Công ty Cổ phần VINAFCO đứng đầu danh sách giảm giá khi mất 40% giá trị tuần qua. Liên tục không có giao dịch kể từ cuối tháng 5, giá cổ phiếu VFC có phiên giảm sàn cuối tuần qua, giá cổ phiếu đóng cửa ở 17.700 đồng/cp.

Cùng kịch bản cổ phiếu giảm sâu sau chuỗi ngày dài không có giao dịch còn có mã TLI của May Quốc tế Thắng Lợi, S72 của Sông Đà 7.02 và SNC của Xuất nhập khẩu Thuỷ sản Năm Căn.

Cổ phiếu NQN của Nước sạch Quảng Ninh sau 3 phiên tăng kịch trần đầu tuần đã liên tục giảm trong 2 phiên cuối tuần và mất 36,7% giá trị trong tuần qua. Một cái tên khác nằm trong Top10 mã giảm mạnh nhất trên UPCoM cũng trải qua chuỗi phiên tăng trần giảm sàn là PCN của Hóa phẩm dầu khí DMC - miền Bắc.

Hoàng Linh