Top10 tăng/giảm tuần (19 - 23/8): Nhóm penny hút dòng tiền, cổ phiếu bất động sản lên ngôi
Nhóm vốn hóa nhỏ và cổ phiếu bất động sản hút tiền tuần qua
VN-Index vừa có tuần tăng điểm nhẹ. Thị trường giao dịch khả quan với 4 phiên tăng điểm trước khi giảm nhẹ vào cuối tuần. Đà tăng luân chuyển giữa nhóm VN30 và vốn hóa lớn là yếu tố nâng đỡ thị trường.
Tuy nhiên, diễn biến mới của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt có thể tác động đến tâm lý nhà đầu tư.
Thống kê theo ngành, thị trường ghi nhận 11/18 ngành tăng điểm tuần qua. Trong đó, nhóm công nghệ thông tin thu hút ròng tiền khi tăng 3,49%. Một số nhóm ngành khác giao dịch tích cực là điện, nước và xăng dầu, bất động sản.
Ở chiều ngược lại, ngành dệt may và gia dụng giảm mạnh trên thị trường, theo sau đó là nhó hàng và dịch vụ công nghiệp, bán lẻ.
Phân chia theo quy mô vốn hóa, nhóm vốn hóa nhỏ (Smallcap) dẫn đầu về tỉ lệ tăng với 1,27%. Các nhóm còn lại ghi nhận mức tăng dưới 1% gồm có vốn hóa trung bình (Midcap) tăng 0,7%, vốn hóa lớn tăng 0,92% và nhóm VN30 tăng 0,9%.
Cổ phiếu penny 'nổi sóng' trên HOSE và HNX
Về giao dịch cổ phiếu trên từng sàn, thống kê tuần (19 – 23/8), sàn HOSE ghi nhận 189 mã tăng giá, 36 mã đứng giá tham chiếu và 158 mã giảm giá.
Top10 cổ phiếu tăng/giảm mạnh nhất trên HOSE tuần 19 - 23/8. Nguồn: Hoàng Linh
Cổ phiếu RIC của Quốc tế Hoàng Gia dẫn đầu về tỉ lệ tăng giá trên HOSE với 39,56%. Cổ phiếu RIC có 5 phiên tăng kịch trần, tuy nhiên thanh khoản vẫn ở mức thấp, chỉ với vài trăm đơn vị được giao dịch mỗi phiên. Theo sau là mã JVC của Thiết bị Y tế Việt Nhật và CIG của COMA18 tăng lần lượt 20,16% và 19,14%.
Một số mã thuộc nhóm penny cũng nằm trong Top10 cổ phiếu tăng giá tuần qua như HVG (tăng 14,57%), TCO (13,87%), BCG (13,32%).
Tâm điểm trên sàn HOSE tuần qua là hai mã HDC và PVD với tỉ lệ tăng lần lượt là 13,77% và 12,77%. Những cổ phiếu còn lại tăng giá với mức thanh khoản thấp là CLW và SII.
Ở chiều ngược lại, nhóm vốn hóa trung bình lại giảm mạnh trên với các mã như FTM (giảm 29,76%), PJT (18,39%), DAH (13,67%), HRC (13,37%).
Mã GAB sau khi liên tục tăng trần đã quay đầu giảm và trở thành koojt trong những cổ phiếu giảm giá mạnh nhất trên HOSE tuần qua với tỉ lệ 12,42%. Các mã khác giảm dưới 11% còn có TMT, VAF, VPK, MCP và TNC.
Diễn biến ngược chiều sàn HOSE, sàn HNX có số cổ phiếu giảm giá áp đảo với 124 mã, trong khi có 105 mã tăng giá và 137 mã đứng giá tham chiếu.
Top10 cổ phiếu tăng/giảm mạnh nhất trên HNX tuần 19 - 23/8. Nguồn: Hoàng Linh
Tuy nhiên, hai sàn này có sự tương đồng khi các cổ phiếu penny chiếm ưu thế trong Top10 mã tăng giá mạnh nhất trong khi cổ phiếu vốn hóa trung bình lại giảm sâu.
Cụ thể, cổ phiếu KSK tăng gấp đôi từ 100 đồng/cp lên 200 đồng/cp. Một số mã vốn hóa nhỏ khác cũng tăng giá trên 20% gồm có CMC (56,06%), IDJ (43,24%), BBS (42,42%), VTJ (29,73%).
Nối tiếp chuỗi phiên tăng kịch trần tuần trước, cổ phiếu MBG có 4 phiên tăng trần tuần qua trước khi giảm sàn trong phiên giao dịch ngày thứ Sáu. Đóng cửa tuần, giá cổ phiếu MBG ở 12.700 đồng/cp, tăng 28,28% so với cuối tuần trước.
Top10 mã giảm giá mạnh nhất trên HNX tuần qua, mã VHE đứng đầu với tỉ lệ mất giá 26,97%. Một số cổ phiếu vốn hóa trung bình khác giảm giá trên 15% tuần qua còn có VNT (giảm 26,67%), RCL (20,5%), POT (18,59%), PPE (17,44%), SSM (17,39%), BTW (15,96%).
Sau khi giảm sâu, cổ phiếu bất ngờ Nước sạch Quảng Ninh tăng sốc
Tương tự sàn HOSE, thị trường UPCoM ghi nhận 195 mã tăng giá, 180 mã giảm giá và 475 mã đứng giá tham chiếu.
Top10 cổ phiếu tăng/giảm mạnh nhất trên UPCoM tuần 19 - 23/8. Nguồn: Hoàng Linh
Cổ phiếu NQN của Nước Sạch Quảng Ninh dẫn đầu tỉ lệ tăng giá trên thị trường UPCoM với tỉ lệ 71,62%. Ngoài ra, một số mã khác thuộc ngành nước cũng tăng trên 30% tuần qua như HWS của Cấp nước Thừa Thiên Huế (tăng 39,08%), NAW của Cấp nước Nghệ An (37,29%).
Cổ phiếu HMG của Kim khí Hà Nội - VNSTEEL đứng thứ hai về tỉ lệ tăng giá trên thị trường này tuần qua với 61,8%. Top10 mã tăng giá mạnh nhất trên UPCoM tuần qua còn có một số cổ phiếu khác như TLI, DND, FBC, THR, CLX, TQN.
Ở chiều ngược lại, cổ phiếu SAP của In Sách giáo khoa tại Thành phố Hồ Chí Minh đứng đầu về tỉ lệ giảm giá trên UPCoM với 39,73%, theo sau là DTK (39,29%), PXM (33%).
Những mã cổ phiếu còn lại giảm giá dưới 30% như HCS, HLS, NS2, SIG, CCM, IN4 và G20. Tuy nhiên, đây đều là những mã cổ phiếu có thanh khoản rất thấp trên thị trường.