Top10 cổ phiếu tăng/giảm tháng 10: MSN nổi sóng, CTD và GEX giảm sâu
Mặc dù chịu áp lực điều chỉnh trong tuần cuối cùng, thị trường chứng khoán tháng 10 vẫn giữ được sắc xanh trên cả ba chỉ số. Đóng cửa phiên cuối tháng 10, VN-Index dừng tại mốc 925,47 điểm, tăng 2,2% và đánh dấu tháng thứ ba tăng liên tiếp.
Trong khi đó HNX-Index và UPCoM-Index cùng tăng 1,8% lên lần lượt 136,34 điểm và 62,85 điểm so với tháng trước.
MSN tăng dựng đứng, "tân binh" ASG giảm sức nóng trên HOSE
Thống kê Top10 mã tăng giá mạnh nhất tháng 10 trên sàn HOSE, MSN của Tập đoàn Masan dẫn đầu với tỉ lệ tăng 53,85%. Mã này đã trở thành tâm điểm của thị trường trong tháng qua khi tăng "dựng đứng" và cán mốc 87.900 đồng/cp trong phiên 27/10, mức cao nhất kể từ đầu năm đến nay.
Đi cùng đà tăng giá, MSN cũng là cổ phiếu chịu áp lực xả mạnh nhất từ khối ngoại với tổng giá trị bán ròng tới 2.942 tỉ đồng trong tháng qua.
Nổi bật trong top tăng giá còn có sự xuất hiện của một số cổ phiếu có tính đầu cơ cao. Điển hình là cổ phiếu FLC của Tập đoàn FLC với tỉ lệ tăng giá 21,78%. Cùng với các mã khác "họ FLC", mã này tăng mạnh và leo lên 4.180 đồng/cp khi chốt phiên 30/10 sau nhiều phiên lình xình quanh vùng 2.500 đồng/cp.
Một trường hợp khác là cổ phiếu TNT của CTCP Tài Nguyên. Mã này đã bất ngờ tăng kịch trần trong những phiên giao dịch cuối tháng 10, chốt phiên 30/10 tại mốc 2.090 đồng/cp, tương ứng tỉ lệ tăng 39,33% so với tháng trước.
Tại nhóm vốn hoá nhỏ và siêu nhỏ, các cổ phiếu như TNT, DTT, TCO, CVT, SAV cũng ghi nhận tháng giao dịch tích cực với tỉ lệ tăng 20 - 40%.
Sau khi tạo cơn sốt và tăng gần gấp 3 lên vùng đỉnh 18.000 đồng/cp hồi cuối tháng 9, mã TLD của Đầu tư Xây dựng và Phát triển Đô thị Thăng Long đã bước vào giai đoạn phân phối trong suốt tháng qua. Chốt phiên cuối tháng 10, cổ phiếu này mất gần 46,38% giá trị, giá cổ phiếu rơi về dưới mệnh giá (8.150 đồng/cp).
Sàn HOSE cũng ghi nhận những trường hợp tương tự như DTL, HOT JVC, PXI với tỉ lệ giảm giá 18 - 30%.
Không riêng những cổ phiếu vốn hoá nhỏ, những cổ phiếu thuộc nhóm vốn hoá trung bình cũng giảm giá mạnh trong tháng qua.
Điển hình, cổ phiếu CTD mất 18,5% sau những thông tin liên quan đến mâu thuẫn nội bộ và biến động trong cơ cấu lãnh đạo của công ty. Ngoài ra, mã GEX cũng có một tháng giao dịch không mấy tích cực khi giảm 19,66% so với tháng trước.
Chào sàn HOSE kể từ ngày 24/9, "tân binh" ASG của Tập đoàn ASG đã thu hút dòng tiền của giới đầu tư khi có chuỗi phiên tăng trần ấn tượng. Tuy nhiên, đóng cửa phiên cuối tháng 10, giá cổ phiếu ASG dừng ở 36.000 đồng/cp, tương ứng tỉ lệ giảm 23,49%. Thanh khoản của mã này theo đó cũng giảm mạnh khi chỉ vài nghìn đơn vị khớp lệnh mỗi phiên.
Cổ phiếu thanh khoản thấp "làm mưa làm gió" trên HNX
Những cổ phiếu nằm trong Top10 mã tăng giá mạnh nhất trên sàn HNX đều là những cái tên lạ lẫm với nhà đầu tư, thanh khoản rất thấp mặc dù giá tăng khủng.
Đơn cử, cổ phiếu PSE của Phân bón và Hóa chất Dầu khí Đông Nam Bộ tăng giá 47,81% lên 9.900 đồng/cp nhưng chỉ vài trăm đơn vị giao dịch mỗi phiên. Theo sau, cổ phiếu NFC đứng thứ hai với tỉ lệ tăng 38,6% nhưng thanh khoản cũng không mấy khả quan.
Những trường hợp tương tự nhưng ghi nhận mức tăng trên 20% có thể kể tới như CLM, MKV, TMX, LAS, VGP, BBS, CMC và SEB.
Top10 mã giảm giá mạnh nhất trên sàn HNX ghi nhận trường hợp cổ phiếu BXH của VICEM Bao bì Hải Phòng dẫn đầu khi mất 31,11% giá trị. Theo sau đó là cổ phiếu C69, giảm giá từ 8.900 đồng/cp xuống còn 6.400 đồng/cp.
Danh sách cổ phiếu giảm giá mạnh nhất trên HNX có cái tên nổi bật là SAF của Lương thực Thực phẩm Safoco. Mặc dù có thị giá cao, mã này không thu hút được dòng tiền và đứng giá tham chiếu tới 19/22 phiên trong tháng qua. Kết phiên 30/10, giá cổ phiếu SAF giảm xuống còn 48.000 đồng/cp, tương ứng tỉ lệ 21,31%.
Xuất hiện nhiều cổ phiếu "ăn bằng lần" trên UPCoM
Cổ phiếu MVY của Môi trường và Dịch vụ Đô thị Vĩnh Yên đã liên tục tăng trần từ mức giá 3.900 đồng/cp lên 23.300 đồng/cp, tương đương tỉ lệ tăng 497,44%. Thị trường UPCoM còn chứng kiến nhiều cơ hội "ăn bằng lần" khác như BTH, SD8 và SAP.
Tuy nhiên, giống như MVY, các cổ phiếu trên đều không có thanh khoản khi chỉ vài trăm đơn vị được khớp lệnh mỗi phiên. Do đó, các nhà đầu tư cũng chỉ có thể quan sát sự tăng giá của các cổ phiếu này vì rất khó giao dịch khớp lệnh.
Top10 cổ phiếu tăng mạnh nhất trên thị trường UPCoM tháng qua còn có các mã penny khác như CTN, PIS, DP2, CNT, EAD và NQN. Các cổ phiếu này tăng 70 - 90% giá trị trong tháng 10 nhưng đây đều là các cổ phiếu có thanh khoản èo uột.
Thống kê trong tháng 10, nhóm các mã giảm giá mạnh nhất trên UPCoM có đến 8/10 cổ phiếu vốn hoá siêu nhỏ. Đứng đầu là cổ phiếu PND của Xăng dầu Dầu khí Nam Định khi mất 69,17% giá trị xuống còn 3.700 đồng/cp chốt phiên 30/10.
Các mã còn lại trong nhóm cũng ghi nhận diễn biến tiêu cực với tỉ lệ giảm trên 38% như DSG, RAT, LG9, TVA, H11, DAR, STW, VHF và C22.
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/