TOP 10 ngân hàng có định giá theo P/B rẻ nhất nửa đầu 2024
Theo số liệu từ WiChart bao gồm 27 ngân hàng niêm yết, hệ số giá/giá trị sổ sách (P/B) của nhóm ngân hàng này đạt 1,52 lần chốt phiên 14/8, tăng 5% so với thời điểm cuối năm 2023 và cuối quý II/2024 nhưng giảm nhẹ so với thời điểm cuối quý I.
Hiện P/B của ngành ngân hàng đã có sự phục hồi nhẹ so với giai đoạn cuối năm 2022 đến cuối 2023 nhưng vẫn thấp hơn đáng kể so với đỉnh hơn 2,8 lần vào quý II/2021.
Trong danh sách này, VietABank là ngân hàng có P/B thấp nhất, ở mức 0,58 lần tại ngày 14/8. P/B của nhà băng này đã cải thiện 16% so với cuối năm 2023 trong bối cảnh giá cổ phiếu đi lên gần 27% trong cùng quãng thời gian trên.
Giá trị sổ sách mỗi cổ phiếu của VietABank đang là 15.343 đồng/cp, theo báo cáo tài chính quý II/2024, trong khi giá chốt phiên hôm 14/8 chỉ là 9.000 đồng/cp.
ABBank là ngân hàng có định giá theo P/B thấp thấp thứ hai, ở mức 0,62 lần, giảm 3% so với thời điểm cuối năm 2024. Chốt phiên 14/8, thị giá của ABBank ở mức 7.700 đồng/cổ phiếu, trong khi giá trị sổ sách mỗi cổ phiếu của ngân hàng này là 12.505 đồng/cp theo báo cáo tài chính quý II/2024.
Đồng thời, ABBank cũng đang là ngân hàng có thị giá cổ phiếu thấp nhất toàn ngành, ở mức 7.700 vào phiên sáng 16/8.
Hệ số giá/giá trị sổ sách (tiếng Anh: Price-To-Book Ratio, kí hiệu: P/B) bằng giá trị thị trường của cổ phiếu chia cho giá trị sổ sách hiện tại của cổ phiếu.
Giá trị sổ sách (B) là giá trị tài sản ròng của một công ty được tính bằng tổng tài sản trừ đi tài sản vô hình (bằng sáng chế, lợi thế thương mại) và nợ phải trả.
Vietbank đang được định giá thấp thứ ba, với hệ số P/B là 0,73 lần. P/B của Vietbank đã tăng 3% so với thời điểm đầu năm. Ngoài ra, những ngân hàng còn lại trong top định giá thấp là SHB, Kienlongbank, MSB, OCB, Bac A Bank, TPBank và VPBank.
Trong đó, định giá của SHB tiếp tục rẻ đi thêm 12% so với đầu năm, TPBank rẻ đi 14%.
Tính đến sáng ngày 14/8, chỉ có 7 ngân hàng sở hữu P/B nhỏ hơn hoặc bằng 1 lần. Trong khi đó, có tới 20 ngân hàng với P/B hơn 1 lần.
Đặc biệt, hai ông lớn BIDV và Vietcombank lần lượt sở hữu P/B ở mức 2,15 lần và 2,75 lần. Gần gây, P/B của hai ngân hàng này gần tương đương với thời điểm cuối năm 2023 và thấp hơn mốc cuối quý I/2024.
Chốt phiên 14/8, giá cổ phiếu BIDV là 47.050 đồng/cp, trong khi giá trị sổ sách của mỗi cổ phiếu mới chỉ đạt 21.855 đồng/cp vào cuối quý II. Với Vietcombank, mức chênh lệch còn lớn hơn khi giá chốt phiên ngày 14/8 là 88.000 đồng/cp, còn giá trị sổ sách là 32.036 đồng/cp. Đại diện còn lại của nhóm Big4 là VietinBank có P/B đạt 1,3 lần, thấp hơn so với trung bình toàn ngành ngân hàng.
Đứng sau hai ông lớn Big4, LPBank là ngân hàng có định giá theo P/B đắt thứ hai toàn hệ thống. P/B của ngân hàng này đã tăng 62% so với đầu năm khi giá cổ phiếu vọt lên khoảng 90% trong cùng giai đoạn này. Chốt phiên 14/8, giá mỗi cổ phiếu của LPBank là 28.800 đồng/cp, trong khi giá trị sổ sách chỉ đạt 14.666 đồng/cp.
Tại Tọa đàm Data Talk số tháng 8/2024 với chủ đề "Tăng trưởng có đủ tốt, định giá còn đủ rẻ?", ông Lê Hoài Ân, Founder IFSS, Giảng viên Đại học Ngân hàng, cho biết định giá ngân hàng luôn luôn thấp hơn những ngành khác. Đồng thời, mức định giá thấp chưa chắc đã đồng nghĩa rằng cổ phiếu ngân hàng đó là một món hời.
"Bản chất là do đồng lợi nhuận của ngân hàng có chất lượng thấp hơn so với các doanh nghiệp khác", ông nói. Chuyên gia lấy ví dụ rằng ngân hàng muốn tăng tín dụng thì lại phải giảm NIM, muốn quản trị rủi ro tốt thì phải chấp nhận giảm lợi suất.
Ông nói thêm: "Lợi nhuận giảm chưa chắc là xấu, lợi nhuận tăng chưa chắc là tốt vì ảnh hưởng nhiều bởi chính sách trích lập dự phòng. Các ngân hàng cho vay cá nhân, quốc doanh đang tăng trích lập trong khi MB, Techcombank lại giảm trích lập. Có thể nói lợi nhuận ngân hàng có yếu tố ảo".
"Có nhiều ngân hàng giao dịch với mức P/B là 0,8 nhưng không ai nói rẻ cả", ông Ân nhấn mạnh.