|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Ngân hàng bán lẻ tìm đường mở rộng bán buôn

07:29 | 15/08/2024
Chia sẻ
Nhiều ngân hàng thiên về cho vay bán lẻ đã phải chuyển sang mở rộng cho vay doanh nghiệp để đạt được tăng trưởng tín dụng trong nửa đầu năm 2024.

Trong nửa đầu năm 2024, tín dụng doanh nghiệp (bán buôn) tiếp tục là động lực chính cho tăng trưởng của nhiều ngân hàng. Một số nhà băng được biết đến về việc chuyên cho vay khách hàng cá nhân, được nhiều tổ chức đánh giá vào nhóm bán lẻ nhưng đến cuối quý II/2024 lại ghi nhận dư nợ cho vay doanh nghiệp trên 50%. 

Theo số liệu từ 16 ngân hàng đã công bố thuyết minh chi tiết về đối tượng cho vay, tỷ trọng dư nợ cho vay khách hàng cá nhân (bán lẻ) vào cuối quý II/2024 đã giảm 2,8 điểm %, xuống 38,96%. 

Trong đó, 14/16 ngân hàng báo cáo tỷ trọng dư nợ tín dụng bán lẻ giảm so với thời điểm cuối năm 2023. Chỉ có hai ngân hàng là KienlongBank và BVBank báo cáo tỷ trọng dư nợ tăng, tuy nhiêu chỉ ở mức khiêm tốn (dưới 1 điểm %). 

Kết quả trên xác nhận xu hướng đã ghi nhận trong năm 2023:khách hàng doanh nghiệp là nhóm mang lại động lực tăng trưởng tín dụng lớn nhất cho các ngân hàng.

Cần lưu ý rằng nhóm khảo sát trên không bao gồm các ngân hàng thuộc nhóm Big4 và một số ông lớn cổ phần như ACB, Sacombank. Tuy nhiên, dư nợ cho vay của nhóm này cũng đã lên tới 4,4 triệu tỷ đồng, chiếm gần 1/3 dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế. 

Tỷ trọng cho vay bán lẻ tiếp tục giảm trong quý II/2024, tương tự như xu hướng từng ghi nhận năm 2023. 

Ngân hàng bán lẻ tìm đường mở rộng bán buôn

Nửa đầu năm 2024, nhiều ngân hàng mạnh về tín dụng bán lẻ cũng đã xoay trục sang cho vay khách hàng doanh nghiệp.

Chẳng hạn, vào năm cuối 2022, dư nợ cho vay khách hàng cá nhân từng chiếm 59% tổng danh mục của Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank - Mã: VPB). Tuy nhiên, tới cuối năm 2023, tỷ lệ này đã giảm nhanh xuống 52%. Tăng trưởng cho vay nhóm khách hàng cá nhân chỉ tăng 14% so với cùng kỳ, trong khi tăng trưởng cho vay chung của toàn ngân hàng lên tới 29,2%. 

Tính đến ngày 30/6/2024, dư nợ cho vay nhóm công ty cổ phần khác tại VPBank là 173.100 tỷ đồng, tăng 27.058 tỷ đồng; dư nợ cho vay công ty TNHH khác đạt 139.600 tỷ đồng, tăng 20.071 tỷ đồng. Trong khi đó, cho vay hộ kinh doanh, cá nhân (bán lẻ) chỉ tăng 8.591 tỷ đồng lên 301.551 tỷ đồng. 

Dư nợ bán lẻ tại VPBank tụt xuống dưới mốc 50%.

Xét theo ngành nghề, trong nửa đầu năm, dư nợ cho vay kinh doanh bất động sản của VPBank đã tăng thêm 25.421 tỷ đồng lên 140.315 tỷ đồng. Dư nợ cho vay trong lĩnh vực bán buôn bán lẻ, sửa chữa ô tô, xe máy ... cũng tăng 9.522 tỷ đồng lên 62.960 tỷ đồng. 

Ở chiều ngược lại, cho vay cá nhân để mua nhà ở đi ngang so với 6 tháng trước, ở mức 85.835 tỷ đồng; cho vay hoạt động làm thuê công việc trong hộ gia đình, sản xuất tiêu dùng hộ gia đình ... chỉ tăng 6.716 tỷ đồng dư nợ, lên 192.093 tỷ đồng. 

Vào cuối năm 2022, Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB - Mã: VIB) ghi nhận tỷ trọng cho vay bán lẻ chiếm 90% tổng dư nợ. Tuy nhiên, chỉ một năm sau, tỷ trọng này đã giảm xuống còn 84% và tiếp tục xuống 82% vào cuối quý II/2024. 

Tăng trưởng cho vay đến cuối quý II của VIB chỉ đạt 4,72%, trong khi tăng trưởng tín dụng toàn nền kinh tế là 6%. Tuy nhiên, kết quả này đã cải thiện đáng kể so với mức giảm 0,3% vào cuối quý I nhờ việc chuyển hướng sang cho vay doanh nghiệp. Dư nợ tín dụng của nhóm khách hàng bán buôn đã tăng trưởng tới 23% trong 6 tháng đầu năm, còn nhóm khách hàng bán lẻ chỉ là 1,2%. 

Theo ghi nhận của Chứng khoán Vietcap tại Hội nghị nhà đầu tư của VIB, ngân hàng cho biết có thể đạt được mức tăng trưởng bằng hạn mức tín dụng trong năm 2024 (16,1%). Trong giai đoạn sắp tới, VIB sẽ thúc đẩy phân khúc cho vay (doanh nghiệp nhỏ và vừa) SME và doanh nghiệp. 

Một ngân hàng mạnh về cho vay cá nhân khác là Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank - Mã: TPB) cũng lần đầu tiên ghi nhận dư nợ cho vay cá nhân giảm về mốc 50% kể từ năm 2020. So với cuối năm ngoái, tỷ trọng dư nợ bán lẻ của nhà băng này đã giảm 3 điểm %; dư nợ cho vay khách hàng cá nhân quay đầu giảm nhẹ.

Tăng trưởng cho vay của TPBank đạt gần 4% sau nửa đầu năm 2024. Tăng trưởng chủ yếu nhờ khách hàng doanh nghiệp, đặc biệt nhóm công nghiệp chế biến chế tạo. Ngoài ra, một xu hướng đáng chú ý là TPBank đã tăng tỷ trọng đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp. 

Trong quý II/2024, số dư trái phiếu doanh nghiệp của nhà băng này đạt 12.400 tỷ đồng, so với 9.300 tỷ đồng vào quý I. 

Ngoài ra, những ngân hàng tuyên bố muốn chuyển dịch sang cho vay bán lẻ như Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank - Mã: TCB) hay Ngân hàng TMCP Quân đội (MB - Mã: MBB) dường như chưa bắt đầu kế hoạch trên. 

Tỷ trọng dư nợ bán lẻ tại hai ông lớn cổ phần này vẫn tiếp tục giảm xuống trong nửa đầu năm 2024. Tại Techcombank, dư nợ bán lẻ chỉ còn chiếm 36% danh mục cho vay vào cuối quý II/2024, còn MB là 43%. Trước đó, vào cuối năm 2022, tỷ trọng cho vay cá nhân tại hai ngân hàng này lần lượt là 52% và 48%. 

Theo thuyết minh báo cáo tài chính, dư nợ cho vay nhóm khách hàng doanh nghiệp tăng thêm gần 55.300 tỷ đồng, lên 35.400 tỷ đồng.Trong đó, cho vay kinh doanh bất động sản của Techcombank đã tăng thêm 24.400 tỷ đồng trong nửa đầu năm, lên 201.210 tỷ đồng.

Cho vay bán buôn bán lẻ, sửa chữa mô tô, ô tô tăng gần 7.000 tỷ đồng, còn công nghiệp chế biến chế tạo tăng gần 6.200 tỷ đồng. Trong khi đó, dư nợ cho vay cá nhân chỉ đi lên 10.000 tỷ đồng. 

 

Tại MB, dư nợ cho vay cá nhân đã tăng thêm 15.700 tỷ đồng sau 6 tháng đầu năm. Trong khi đó, cho vay tổ chức kinh tế tăng 43.500 tỷ đồng. Khác với Techcombank, thống kê dư nợ theo ngành của MB gộp cả nhóm khách hàng các nhân và khách hàng doanh nghiệp. 

Trong nửa đầu năm, những lĩnh vực có dư nợ tăng thêm nhiều nhất tại MB là bán buôn bán lẻ; sửa chữa ô tô, xe máy (tăng 24.145 tỷ đồng) và công nghiệp chế biến chế tạo (tăng 13.600 tỷ đồng). 

Khi nào cho vay cá nhân khởi sắc?

Chia sẻ với chúng tôi, ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Khối Nghiên cứu và Phát triển khách hàng cá nhân của Chứng khoán Yuanta Việt Nam, nhận định rằng các ngân hàng chưa mạnh dạn cho vay khách hàng cá nhân vì đang sợ rủi ro. 

"Trong bối cảnh nền kinh khó khăn, đối tượng nhạy cảm nhất vẫn là khách hàng cá nhân. Đặc biệt sau COVID, nợ xấu KHCN tăng lên [...]. Kinh tế chưa phục hồi thì ngân hàng vẫn sợ rủi ro", chuyên gia nhận định. "Đòi doanh nghiệp thì được, nhưng cá nhân thì rất khó". 

Tuy nhiên, ông Minh kỳ vọng rằng tín dụng bán lẻ sẽ khởi sắc trong giai đoạn tiếp theo khi tình trạng thất nghiệp giảm, thu nhập người dân tăng trưởng.

"Trước kia tập trung lớn vào tăng trưởng tín dụng doanh nghiệp thì đến quý III, quý IV/2024 có thể tăng tỷ lệ tín dụng khách hàng cá nhân. Tất nhiên, tín dụng doanh nghiệp vẫn sẽ tăng. Rủi ro nhóm khách hàng cá nhân đang giảm xuống", ông nhận định.

Tại chương trình Data Talk số tháng 8/2024 với chủ đề "Tăng trưởng có đủ tốt, định giá còn đủ rẻ?", ông Lê Hoài Ân, Founder IFSS, Giảng viên Đại học Ngân hàng, cho biết trong nửa đầu năm ngân hàng cho cá nhân thì có hạn chế tăng trưởng, tăng trưởng khá chọn lọc và nợ xấu được kiểm soát tốt. 

Đồng thời, nhóm cho vay cá nhân, quốc doanh đang tăng trích lập trong khi MB, Techcombank lại giảm trích lập. Theo ông Ân, nếu kinh tế phục hồi cùng với Thông tư 12 cho khoản vay 100 triệu sẽ là cú hích cho lĩnh vực tiêu dùng.   

MInh Quang

Nhìn lại ngành chứng khoán Việt Nam sau 24 năm qua các làn sóng M&A (Phần 2)
Làn sóng M&A thứ nhất ngành chứng khoán Việt Nam sớm kết thúc và để lại kết quả không mấy khả quan, các tổ chức quốc tế lần lượt rời đi. Làn sóng M&A mới nổ ra với mô hình thâu tóm toàn bộ cổ phần, “thay tên đổi họ” với sự gia nhập của các tập đoàn Hàn Quốc và những định chế trong nước.