|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Tổng thống Philippines khiến giới đầu tư e sợ

08:40 | 21/10/2016
Chia sẻ
Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte có nhiều phát ngôn và hành động thẳng thừng, trong đó có việc đe dọa cắt đứt quan hệ với Mỹ và khởi động cuộc chiến chống ma túy mạnh tay.
Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte.Ảnh: AFP

Theo CNN, hiện có mối e ngại gia tăng rằng vị tổng thống gây tranh cãi của quốc gia Đông Nam Á, người lên nắm quyền chưa đầy bốn tháng trước, sẽ gây ra nhiều bất ổn cho kinh tế đất nước.

Chứng khoán Philippines giảm mạnh từ đầu tháng 8 và nội tệ nước này hạ xuống mức đáy bảy năm qua so với USD trong tháng này. Tình hình này làm dấy lên nỗi lo rằng lời lẽ thẳng thắn và động thái chính sách khó đoán của ông Duterte có thể khiến giới đầu tư bỏ chạy.

“Chắc chắn, các nhà đầu tư đang rất lo lắng với một trong những điều ông ấy nói. Ông ấy thực sự là người mất bình tĩnh”, nhà kinh tế về châu Á Mark Williams thuộc Capital Economics cho hay. Song lúc này vẫn còn quá sớm để dự đoán tác động lâu dài mà ông Duterte gây ra cho kinh tế Philippines.

Mặc cho nhiều biến động, Philippines vẫn là một trong những nền kinh tế thể hiện tốt nhất châu Á với mức tăng trưởng GDP 6,9% trong nửa đầu năm nay. Một số nhà kinh tế cho hay yếu tố này sẽ hỗ trợ đồng peso. Nhà kinh tế Chidu Narayanan tại Standard Chartered nhận định: “Chúng tôi cho rằng đồng peso sẽ tăng trở lại và kết thúc năm nay ở ngưỡng mạnh hơn hiện tại”.

Chứng khoán Philippines cũng tăng trong tuần này, đi lên hơn 4%. Chính phủ Philippines cho biết các quỹ đầu tư nước ngoài đang tháo chạy khỏi cổ phiếu nước nhà với tốc độ chậm hơn so với tháng trước.

Philippines là một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất khu vực châu Á, song lại không có đủ việc làm cho người dân. Mỗi năm, chính phủ Philippines đào tạo hàng chục ngàn người để tìm việc ở nước ngoài.

Bộ trưởng Tài chính Philippines cho rằng nguyên nhân gây ra biến động trên là diễn biến ở Mỹ, không phải từ lời nói của ông Duterte. Bộ trưởng Tài chính cho hay tiền bị hút khỏi đất nước vì USD tăng giá và kỳ vọng Fed tăng lãi suất.

Báo cáo mới đây được hãng xếp hạng tín nhiệm Moody’s công bố liệt kê một số điểm mạnh của kinh tế Philippines, trong đó có chi tiêu tiêu dùng mạnh mẽ và lạm phát ổn định. Dù vậy, hãng cũng cảnh báo “các rủi ro chính trị đã và đang trở nên khó dự đoán hơn”.

Cộng dồn vào các yếu tố thiếu chắc chắn là thay đổi của ông Duterte về phía Trung Quốc và Nga, đi xa khỏi Mỹ - nền kinh tế mà Philippines gắn bó sâu sắc. Tuần này, Tổng thống Philippines đang có chuyến thăm cấp nhà nước tới Bắc Kinh với hơn 200 lãnh đạo doanh nghiệp Philippines, trong đó có vài doanh nhân giàu có.

“Chúng tôi sẵn sàng hợp tác với các bạn, để giúp chúng ta xây dựng nền kinh tế, đất nước”, ông Duterte nói với Tân Hoa xã. Giới chuyên gia cho rằng ông Duterte đang chơi trò mạo hiểm.

“Nếu quan hệ với Mỹ hoàn toàn bị phá vỡ, đây sẽ là nguồn cơn lo ngại vì Mỹ đầu tư vào Philippines rất nhiều. Trục hướng sang Đại lục sẽ không giúp được gì, vì Trung Quốc là nhà đầu tư tương đối nhỏ hơn”, ông Williams nói.

Thương mại hàng hóa giữa Philippines và Mỹ đạt 18 tỉ USD năm ngoái, Mỹ hiện chiếm khoảng 1/3 trong số 17,6 tỉ USD kiều hối hằng năm của người Philippines. Song xét theo lời của Tổng thống Philippines, ông dường như không quan tâm. Tại diễn đàn kinh tế ở Bắc Kinh (Trung Quốc) hôm 20.10, ông Duterte nói ông sẽ phá vỡ với đồng minh quan trọng nhất, không chỉ về quân sự mà còn về kinh tế.

Tại Bắc Kinh ngày 20.10, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte tuyên bố “chia tay” với đồng minh lâu năm Mỹ, giữa lúc ông tái cân bằng chính sách ngoại giao hướng về Trung Quốc.

Theo Thu Thảo