|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Tổng thống Macron có tận dụng được cơ hội phát triển mới cho Pháp?

07:12 | 19/05/2017
Chia sẻ
Chiến thắng của ông Emmanuel Macron đã mở ra cơ hội phát triển mới cho nước Pháp cũng như cho cả châu Âu. Vấn đề là liệu ông có thể tận dụng được cơ hội này để biến chiến thắng thành thành công?
tong thong macron co tan dung duoc co hoi phat trien moi cho phap
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tại lễ nhậm chức vào sáng 14/5 tại Điện Elysse ở thủ đô Paris. Ảnh: AFP/TTXVN

Bài viết với tựa đề “Tổng thống đắc cử Emmanuel Macron trước những thách thức lớn của nước Pháp” đăng trên tờ Thời báo Tài chính (The Financial Times) của Anh nhận định rằng ông Emmanuel Macron đã chơi một “canh bạc” lớn và ông đã thắng cuộc.

Vấn đề là liệu ông có thể tận dụng được cơ hội này để biến chiến thắng thành thành công hay không. Câu trả lời không chỉ phụ thuộc vào đường hướng cải cách kinh tế-chính trị cụ thể hay quyết tâm của ông Macron mà còn cần cả sự may mắn.

Các vấn đề chính trị là những thách thức đầu tiên mà ông Macron phải đối mặt trên cương vị Tổng thống. Điều ông cần phải làm là biến thành công cá nhân thành sức mạnh trong nước.

Theo tờ Thời báo Tài chính, bên cạnh những thách thức chính trị bắt nguồn từ việc thiếu một nền tảng đảng phái vững mạnh, Tổng thống mới của Pháp còn phải đối mặt với tình hình kinh tế phức tạp. Về mặt kinh tế, triển vọng kinh tế Pháp chưa ảm đạm tới mức người dân có thể sẵn sàng chấp nhận những thay đổi mạnh mẽ. Tuy nhiên, nếu không thực thi cải cách, nước Pháp có nguy cơ lún sâu vào vào vòng xoáy thất nghiệp cao, tăng trưởng chậm và gánh nặng chi tiêu công.

Pháp là một quốc gia giàu có với cơ sở hạ tầng và dịch vụ công cộng tốt. Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) bình quân đầu người năm 2016 của Pháp (tính theo phương pháp ngang giá sức mua) tương đương với Anh, tuy thấp hơn 12% so với Đức.

Theo Conference Board, năng suất lao động bình quân theo giờ của Pháp cũng xấp xỉ với Đức, song cao hơn 28% so với Anh, trong khi phân phối thu nhập ở Pháp tương đương Đức và đều cao hơn Mỹ và Anh.

Vấn đề của nước Pháp là tỷ lệ thất nghiệp rất cao, lên tới 10,1% trong tháng 3/2017, so với 3,9% ở Đức hay 4,5% ở Anh. Điều đáng nói là con số này còn cao hơn cả tỷ lệ thất nghiệp trong giai đoạn sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2009.

Trong năm 2015, chỉ có 72% số người dân ở Pháp trong độ tuổi từ 25 đến 64 là có việc làm. Tỷ lệ này tương đương với Mỹ (xấp xỉ 73%) và thấp hơn đáng kể so với Đức (79%) và Anh (78%).

Xét về tăng trưởng kinh tế, GDP thực (sau khi khấu trừ lạm phát) bình quân đầu người của Pháp trong năm 2016 gần như không thay đổi so với năm 2007. Điều này có nghĩa là nước Pháp đã lãng phí 10 năm không tăng trưởng.

tong thong macron co tan dung duoc co hoi phat trien moi cho phap
Tổng thống mới của Pháp còn phải đối mặt với tình hình kinh tế phức tạp. Ảnh minh họa: Reuters

Trong khi đó, cũng trong giai đoạn 10 năm này, dù bị ảnh hưởng nghiêm trọng hơn bởi cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, song kinh tế Anh đạt mức tăng trưởng GDP bình quân đầu người 2%, Đức tăng 7% trong khi Italy giảm 11%.

Pháp cũng phải đối mặt với gánh nặng tài chính công. Theo IMF, trong năm 2016, chi tiêu công chiếm tới 56% GDP của Pháp, trong khi ở Đức tỷ lệ này là 44% và ở Anh là 39%. Đây cũng là tỷ lệ cao nhất trong Nhóm 7 nền kinh tế hàng đầu thế giới (G7).

Điều này tạo sức ép lớn lên hệ thống thuế và vay nợ chính phủ. Nợ công ròng của Pháp tăng tới 88% GDP trong năm 2016, cao gần gấp đôi mức 45% của Đức và cao hơn so với tỷ lệ nợ công ròng 81% ở Anh và Mỹ.

Để giải quyết những vấn đề này, Chính phủ Pháp cần thực hiện các chính sách hỗ trợ phục hồi kinh tế. Nếu các chính sách phát huy hiệu quả, chính phủ của ông Macron cần nhanh chóng tiến hành cải cách thị trường lao động với ưu tiên hàng đầu là hạn chế quyền lợi đối với người lao động có hợp đồng dài hạn, bởi các công ty sẽ không tuyển thêm người nếu họ không thể sa thải lao động khi cần thiết.

Bên cạnh đó, dù chưa chạm ngưỡng “gần phá sản”, Chính phủ Pháp cũng cần phải cải tổ triệt để hoạt động chi tiêu công, do mảng chi tiêu này của Pháp quá cao so với các nước trong khối EU. Tuy nhiên, chính phủ không cần quá tập trung vào việc kiềm chế thâm hụt ngân sách mà nên chủ động cắt giảm thuế đối với doanh nghiệp.

Giới phân tích tại Anh cho rằng các chính sách nói trên sẽ củng cố niềm tin của thị trường, đồng thời góp phần kích thích đầu tư phát triển trong dài hạn. Sau thành công của kinh tế Pháp, ông Macron có thể tiến tới khởi động quá trình cải cách kinh tế Eurozone.