Tổng thống Hàn Quốc đối mặt thách thức từ nCoV
Dịch bệnh lây lan nhanh chóng khiến Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in phải hứng chịu làn sóng phẫn nộ từ công chúng, cũng như loạt chỉ trích của các đối thủ chính trị. Phe đối lập tuyên bố sẽ đưa "sự kém cỏi" của ông Moon thành vấn đề hàng đầu trong cuộc bầu cử quốc hội vào ngày 15/4. Hơn một triệu người Hàn cũng ký vào bản kiến nghị trực tuyến yêu cầu bãi nhiệm Tổng thống.
"Nếu dịch bệnh không được kiềm chế sớm, nó có thể gây ra thảm họa cho đảng cầm quyền trong cuộc bầu cử sắp tới", Ahn Byong-jin, chuyên gia tại Đại học Kyung Hee ở Seoul, nhận định. "Các lãnh đạo hiện nay vẫn đảm nhiệm việc đưa ra kế hoạch hành động, cũng như cách kết nối với người dân giữa dịch bệnh".
Tuy nhiên, chính phủ Hàn Quốc dường như rơi vào tình huống ngặt nghèo, khi dịch bệnh khởi phát từ Trung Quốc, đối tác thương mại lớn nhất của họ. Dù 40 nước, bao gồm Mỹ và Triều Tiên, đã hạn chế hoặc cấm nhập cảnh với người từ Trung Quốc đại lục, Hàn Quốc vẫn ngần ngại ra quyết định tương tự. Họ chỉ cấm nhập cảnh với người đến từ tỉnh Hồ Bắc, nơi dịch Covid-19 bùng phát.
Với chính quyền của ông Moon, việc cấm nhập cảnh "không mang lại lợi ích thiết thực". Nhưng theo quan điểm của những người chỉ trích, nếu không áp dụng biện pháp này, nCoV sẽ ngày càng lan rộng, đồng thời làm thu hẹp cơ hội thúc đẩy nền kinh tế vốn đang chịu tổn hại do sụt giảm mạnh về thương mại với Trung Quốc.
Hôm 26/2, Chosun Ilbo, tờ báo có quan điểm bảo thủ ở Hàn Quốc, cảnh báo việc không cấm người từ Trung Quốc trong lúc chống dịch "cũng giống như cố bắt muỗi mà để cửa sổ mở".
Tuy nhiên, Kang Min-seok, phát ngôn viên của ông Moon, lưu ý không có hành khách nào từ Trung Quốc đại lục dương tính với nCoV kể từ khi Hàn Quốc siết chặt việc sàng lọc khách Trung Quốc vào ngày 4/2, nói thêm rằng số ca nhiễm mới ở Trung Quốc bên ngoài Hồ Bắc ngày càng thấp.
Các đối thủ chính trị của ông Moon lâu nay cũng cáo buộc Tổng thống ủng hộ Trung Quốc, hoặc sợ làm "phật ý" Chủ tịch Tập Cận Bình. Hôm 20/2, trong cuộc điện đàm với ông Tập, ông Moon nói rằng "khó khăn của Trung Quốc cũng là khó khăn của chúng tôi".
Hàn Quốc đã quyên góp số lượng lớn vật tư y tế cho Trung Quốc, bao gồm 2 triệu khẩu trang loại thường, một triệu khẩu trang y tế, 100.000 bộ đồ bảo hộ và 100.000 kính bảo hộ. Trong khi đó, phe đối lập Hàn Quốc chỉ trích chính phủ vì không cung cấp đủ khẩu trang cho chính công dân nước mình.
Một số quyết định ban đầu của chính quyền ông Moon trong công tác phòng chống nCoV cũng bị lên án. Các thành viên giáo phái Tân Thiên Địa ở thành phố Daegu, tâm dịch Covid-19 tại Hàn Quốc hiện nay, bắt đầu xuất hiện triệu chứng bệnh vào khoảng ngày 7-10/2, vài hôm trước khi ông Moon nói điều tồi tệ nhất đã qua.
Tuy nhiên, họ vẫn tiếp tục tham dự những buổi lễ vào chủ nhật, nơi hàng trăm tín đồ cầu nguyện và hát lớn trong không gian kín chật hẹp, khiến virus nhanh chóng lây lan. Tại thời điểm đó, chính phủ nhiều lần cam đoan với người dân rằng họ không cần hủy những buổi tụ tập đông người. Lee In-young, nghị sĩ thuộc phe đa số trong quốc hội, kêu gọi mọi người "nhanh chóng trở lại cuộc sống thường nhật".
Ngay cả khi ông Moon tuyên bố tình hình "đã ổn định" vào ngày 13/2, Jung Eun-kyeong, giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hàn Quốc (KCDC), vẫn cảnh báo nhận định đó "còn quá sớm", bởi số bệnh nhân ở Trung Quốc chưa giảm mạnh. "Chúng ta phải tiếp tục cảnh giác", bà nhấn mạnh.
Bước ngoặt khiến sự lạc quan của chính phủ dường như tan biến diễn ra vào ngày 18/2, khi "Bệnh nhân 31", nữ tín đồ 61 tuổi của Tân Thiên Địa, dương tính với nCoV. Kể từ đó, số ca bệnh không ngừng tăng, có lúc gấp đôi hoặc gấp ba chỉ trong một ngày.
Năm 2015, khi dịch MERS (hội chứng hô hấp cấp Trung Đông) tấn công Hàn Quốc, ông Moon, lúc đó là lãnh đạo phe đối lập, đã gọi cuộc khủng hoảng là "thảm họa do chính phủ bất tài mà bà Park Geun-hye lãnh đạo gây ra". "Chính phủ đã biến thành chủ thể siêu lây nhiễm", ông nói.
Tổng thống Hàn Quốc lên nắm quyền sau khi người tiền nhiệm Park Geun-hye bị phế truất vì sai lầm trong việc xử lý những cuộc khủng hoảng, như vụ chìm phà Sewol, khiến công chúng tức giận.
Theo bình luận viên Choe Sang-hun của NY Times, loạt chướng ngại vật trong Covid-19 là cú lật ngược khá trớ trêu với ông Moon.
Hàn Quốc đã kiềm chế dịch MERS sau khi 186 người nhiễm bệnh và 38 ca tử vong. Từ những bài học rút ra, giới chức y tế nước này ráo riết theo dõi và cách ly bệnh nhân khi dịch Covid-19 bùng phát, xét nghiệm tới hơn 10.000 người mỗi ngày.
Sự gia tăng đột biến số ca nhiễm nCoV ở Hàn Quốc những ngày gần đây một phần do nỗ lực phát hiện đó. Chính quyền cũng công bố số liệu rất nhanh chóng, thông qua những ứng dụng trên smartphone để cập nhật theo thời gian thực cho người dân về địa điểm bệnh nhân từng đến, gửi thông báo nếu họ tiếp cận nơi đó.
Dù tỷ lệ tử vong thấp hơn MERS, dịch Covid-19 dường như dễ lây nhiễm hơn rất nhiều. Tình trạng nCoV lây lan nhanh chóng khắp đất nước khiến người dân Hàn Quốc nghi ngờ chiến lược chống dịch của ông Moon, chủ yếu dựa vào sự hợp tác và nhận thức của cộng đồng.
Trong khi chính phủ Hàn Quốc tích cực cảnh báo người dân thực hiện những biện pháp đề phòng như đeo khẩu trang và rửa tay, họ vẫn cố duy trì hoạt động kinh tế nhiều nhất có thể. Thêm vào đó, việc theo đuổi những biện pháp cứng rắn cũng tiềm ẩn rủi ro chính trị.
Khi chính phủ cố gắng cấm các cuộc biểu tình vì lo ngại sức khỏe cộng đồng, những người tham gia tuần hành cáo buộc đây là sự đàn áp chính trị. Kế hoạch "phong tỏa" thành phố Daegu và khu vực lân cận cũng bị nhiều chính trị gia bảo thủ coi là động thái bao vây những địa phương của chính đất nước, trong khi không thể quay lưng với Trung Quốc.
Những "đòn đánh" chính trị diễn ra chớp nhoáng, buộc chính quyền của ông Moon phải gạt bỏ toàn bộ kế hoạch phong tỏa. Hong Ihk-pyo, phát ngôn viên của đảng Dân chủ, người công bố kế hoạch phong tỏa Daegu, đã từ chức.
Cơn thịnh nộ của người Hàn tiếp tục tăng lên vào tuần này trước việc một số thành phố Trung Quốc bắt đầu cách ly những khách Hàn Quốc nhập cảnh, trong khi chính phủ của họ không áp dụng biện pháp tương tự với khách Trung Quốc. Đơn kiến nghị trực tuyến yêu cầu Nhà Xanh cấm khách Trung Quốc đã nhận được hơn 760.000 chữ ký.
Đông đảo người Hàn cũng tập trung trút giận vào giáo phái Tân Thiên Địa. Những hoạt động của giáo phái này, như ngồi sát nhau trên sàn trong các buổi lễ và tích cực truyền đạo, được cho là yếu tố khiến dịch bệnh lan nhanh. 920.000 người đã ký vào đơn kiến nghị yêu cầu chính phủ giải tán giáo phái.
Ông Moon kêu gọi người dân đoàn kết, nói thêm rằng những ngày tới là "giai đoạn quan trọng" trong việc xác định tình trạng lây lan virus tại đất nước. Tuy nhiên, một số người cáo buộc chính phủ đang tìm cách đổ lỗi cho giáo phái Tân Thiên Địa, trong khi các tín đồ cũng là nạn nhân của dịch bệnh.
"Những gì chúng ta thấy cho đến nay là sự thất bại hoàn toàn của hệ thống phòng dịch. Nguyên nhân lớn nhất là chính phủ đã bỏ qua quy tắc kiểm soát dịch bệnh vô cùng cơ bản: ngăn chặn nguồn lây nhiễm", Choi Dae-zip, chủ tịch Hiệp hội Y khoa Hàn Quốc, đề cập đến việc chính quyền ông Moon không cấm khách Trung Quốc.