Tổng thống Biden: Nền kinh tế Mỹ khiến thế giới ‘ghen tị’
Vào khoảng 21h30 ngày 7/3 (tức 9h30 sáng ngày 8/3 theo giờ Việt Nam), Tổng thống Mỹ Joe Biden đã phát đi Thông điệp Liên bang mà công chúng mong chờ.
Trong bài phát biểu, ông chủ Nhà Trắng cho biết nền kinh tế Mỹ khiến thế giới ghen tỵ và dự báo “cuộc hạ cánh của nền kinh tế sẽ diễn ra nhẹ nhàng”.
Cụ thể, vị tổng thống cho hay: “Nền kinh tế Mỹ là niềm ghen tị của thế giới. Chúng ta có thêm 15 triệu việc làm mới trong ba năm qua, một con số kỷ lục. Tỷ lệ thất nghiệp ở mức thấp nhất trong 50 năm”.
Ông Biden đặc biệt nhấn mạnh đến lĩnh vực sản xuất. Ông nói: “Chúng ta đang xuất khẩu các sản phẩm do Mỹ sản xuất và tạo thêm việc làm cho người Mỹ, ngay tại đây. Quá trình này cần thời gian nhưng người dân đã bắt đầu cảm nhận được...”
Kể từ khi ông Biden nhậm chức, nền kinh tế Mỹ đã tạo thêm 791.000 việc làm trong lĩnh vực sản xuất, song riêng năm ngoái chỉ ghi nhận thêm 37.000.
Theo số liệu chính thức, nền kinh tế Mỹ tăng trưởng 3,2% trong quý IV/2023 (tốc độ đã chuẩn hoá theo năm). Đáng chú ý là tăng trưởng đã vượt mức 2% trong 6 quý liên tiếp. Tính chung cả năm, GDP tăng 2,5%, vượt mức 1,9% của năm 2022.
Giữa lúc nền kinh tế lớn nhất thế giới vẫn đang tăng trưởng ổn định, nền kinh tế châu Âu chỉ suýt soát thoát được suy thoái kinh tế. Cuộc chiến chống lạm phát của Ngân hàng Trung ương châu Âu đã khiến nền kinh tế khu vực bị trì trệ.
Theo số liệu của Văn phòng Thống kê Liên bang, GDP quý IV của Đức - nền kinh tế đầu tàu của châu Âu - đã giảm 0,3%. Song, nước này tránh được suy thoái kỹ thuật sau khi tăng trưởng kinh tế quý III được điều chỉnh từ -0,1% lên 0.
Tính chung cả năm 2023, GDP của Đức giảm 0,3%. Trước đó, Quỹ Tiền tệ Quốc tế từng dự đoán Đức sẽ là nền kinh tế lớn duy nhất suy thoái vào năm ngoái.
Trong khi đó, chặng đường phục hồi của nền kinh tế số hai thế giới là Trung Quốc lại gập ghềnh. Cuộc khủng hoảng bất động sản và tâm lý bi quan của người tiêu dùng đã kìm hãm đà tăng trưởng kinh tế. GDP năm 2023 tăng 5,2% so với năm 2022.