|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Tổng giám đốc EVN: Cung ứng điện của miền Bắc trong giai đoạn 2024-2025 vẫn sẽ khó khăn

15:36 | 08/07/2023
Chia sẻ
Qua cân đối cung cầu, ông Trần Đình Nhân, Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam dự báo tình hình cung ứng điện giai đoạn tới vẫn phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, đặc biệt là các năm 2024 - 2025 ở khu vực miền Bắc.

Tại Hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2023 của Bộ Công Thương, ông Trần Đình Nhân, Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết 6 tháng đầu năm 2023, tổng điện năng sản xuất và nhập khẩu toàn hệ thống điện quốc gia ước đạt 136,09 tỷ kWh, tăng 2,2% so với cùng kỳ năm 2022, đạt 47,8% so với kế hoạch năm 2023 (284,5 tỷ kWh).

Tình hình cung cấp điện ổn định trong 4 tháng đầu năm, nhưng cuối tháng 5 và đầu tháng 6 xảy ra nắng nóng tại nhiều địa phương trên cả nước đã làm tăng nhu cầu tiêu thu điện sinh hoạt.

Trong khi đó, lưu lượng nước về các hồ thủy điện rất thấp, đặc biệt là tại các hồ thủy điện miền Bắc, gây khó khăn rất lớn về cung ứng điện dẫn đến phải tiết giảm điện tại một số khu vực phía Bắc.

Hơn 20 ngày của tháng 6, EVN đã phải thực hiện tiết giảm điện tại các tỉnh thành miền Bắc và đảm bảo cung ứng điện trở lại từ ngày 23/6/2023 khi nhiên liệu cho phát điện và lưu lượng nước về các hồ thủy điện tốt hơn.

Ông Trần Đình Nhân, Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam phát biểu tại hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm của Bộ Công Thương. (Ảnh: EVN)

Ông Trần Đình Nhân nhận định sau hơn 10 năm (từ năm 2010 trở lại đây) liên tục đảm bảo cung ứng điện, EVN đã gặp rất nhiều khó khăn trong đảm bảo cung ứng điện các tháng mùa khô năm 2023.

Qua cân đối cung cầu, Tổng Giám đốc EVN dự báo tình hình cung ứng điện giai đoạn tới vẫn phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, đặc biệt là các năm 2024 - 2025 ở khu vực miền Bắc.

Trước khó khăn trên, EVN đề xuất các giải pháp trình Bộ Công Thương và Thủ tướng Chính phủ. Trước mắt, ngoài các giải pháp về vận hành hệ thống điện, đảm bảo đủ nhiên liệu cho phát điện, đảm bảo độ khả dụng của tổ máy, cần đẩy nhanh các dự án đã được phê duyệt, có cơ chế để phát triển nhanh các dự án điện khí LNG, bổ sung nhanh các nguồn điện cho khu vực phía Bắc như điện mặt trời tập trung, điện mặt trời mái nhà tự sản tự tiêu, điện gió trên đất liền và điện gió ngoài khơi...

Về phía doanh nghiệp, EVN sẽ tập trung triển khai đường dây 500kV mạch 3 từ miền Trung, miền Nam ra miền Bắc (nếu các dự án này không được cấp có thẩm quyền giao cho đơn vị khác làm chủ đầu tư) và quyết tâm hoàn thành dự án vào tháng 5/2025.

"Để đạt được tiến độ này, EVN rất cần sự phối hợp tối đa của các bộ ngành về thủ tục đầu tư xây dựng, công tác bồi thường - giải phóng mặt bằng ở các địa phương mà đường dây đi qua. Như vậy, các tháng mùa khô năm 2025 có thể bổ sung khoảng 3.000MW từ miền Trung, miền Nam ra miền Bắc", ông Trần Đình Nhân nói. 

Trước những phản ánh của doanh nghiệp, Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã yêu cầu các đơn vị đẩy nhanh tiến độ các dự án năng lượng lớn, trọng điểm (nhất là các dự án về nguồn và hệ thống truyền tải liên miền).

Giám sát chủ đầu tư các nhà máy điện kịp thời khắc phục sự cố, đồng thời bảo đảm các điều kiện để khai thác tối đa công suất các nhà máy; điều tiết, vận hành hệ thống điện, bảo đảm đồng bộ, hiệu quả.

Ngoài ra, Bộ trưởng cũng lưu ý các đơn vị cần khẩn trương hoàn thành xây dựng Kế hoạch triển khai Quy hoạch điện VIII và Chiến lược phát triển ngành Điện, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; tích cực triển khai xây dựng Luật Điện lực (sửa đổi), Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả (sửa đổi), Luật Phát triển năng lượng tái tạo và các cơ chế, chính sách về mua bán điện trực tiếp.

Hoàng Anh