|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Tổng cục Thống kê: 'Thiệt hại do bão Yagi gây ra tác động trực tiếp đến tăng trưởng kinh tế'

15:57 | 14/09/2024
Chia sẻ
Theo bà Đỗ Thị Ngọc, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, những thiệt hại của cơn bão Yagi vẫn chưa phải là kết quả cuối cùng mà vẫn còn đang tiếp tục được thống kê. Hậu quả của cơn bão sẽ có những tác động trực tiếp đến tăng trưởng của một số địa phương phía Bắc như trên trong nửa cuối tháng 9 và trong quý IV.

Chia sẻ với chúng tôi về thiệt hại do đợt bão lũ lịch sử do cơn bão Yagi gây ra, bà Đỗ Thị Ngọc, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, mạnh nhất trong 30 năm qua, bão Yagi và hoàn lưu sau bão đã ảnh hưởng trực tiếp và gây ra những thiệt hại nặng nề cho các tỉnh Bắc Bộ.

Nhiều diện tích lúa, hoa màu, gia súc, gia cầm, thủy sản bị cuốn trôi; các công trình giao thông, cơ sở hạ tầng bị ảnh hưởng nghiêm trọng, nhà ở dân cư bị hư hỏng; cửa hàng, trụ sở, trường học bị tốc mái; biển hiệu quảng cáo, cột viễn thông, trạm phát sóng di động bị gãy đổ; cây xanh đô thị bị bật gốc, gãy đổ nhiều trên các tuyến đường tại các địa phương chịu ảnh hưởng của bão.

Ngoài ra, lũ và ngập lụt đang diễn ra ở nhiều địa phương, cùng với sự cố mất điện, mất liên lạc trên diện rộng ở Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Hải Dương, Yên Bái, Bắc Giang, Phú Thọ, Thái Nguyên, Cao Bằng, Lào Cai… do nhiều đoạn đường dây 500kV, 220kV và 110kV bị sự cố và nhiều cột điện hạ thế bị gãy đổ.

Ảnh hưởng của thiên tai, bão lũ tác động trực tiếp nhất đến các ngành sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản; các ngành công nghiệp sẽ có khó khăn trong sản xuất khi nước lũ tiếp tục dâng cao; hoạt động du lịch và một số ngành dịch vụ như lưu trú ăn uống, vận tải kho bãi, hoạt động vui chơi giải trí cũng sẽ bị ảnh hưởng trong thời gian xảy ra mưa bão do cơ sở vật chất bị hư hại, nhiều chuyến bay phải hoãn, hủy.

"Những thiệt hại của cơn bão số 3 như trên vẫn chưa phải là kết quả cuối cùng mà vẫn còn đang tiếp tục được thống kê. Hậu quả của cơn bão sẽ có những tác động trực tiếp đến tăng trưởng của một số địa phương phía Bắc như trên trong nửa cuối tháng 9 và trong quý IV", bà Ngọc nêu rõ.

Bà Đỗ Thị Ngọc, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê. (Nguồn: Nguyễn Ngọc). 

Đồng bộ các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp  

Trong bối cảnh hiện nay, để thực hiện đảm bảo an sinh xã hội, phòng chống ảnh hưởng lụt bão, ổn định cuộc sống người dân nơi vùng lũ lụt, phát triển kinh tế những tháng cuối năm, Tổng cục Thống kê cho rằng, các địa phương chịu ảnh hưởng của bão, lũ cần phải chủ động phòng chống, ứng phó với bão lụt, giảm thiểu thiệt hại tới mức thấp nhất.

Di dời người dân ra khỏi vùng ngập lụt, sửa chữa, khôi phục các hạ tầng bị hư hỏng, thu dọn vệ sinh, môi trường; đặc biệt tổ chức cung cấp lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm phục vụ đời sống của người dân bị ảnh hưởng bởi mưa lũ.

Cùng với đó, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; kịp thời cập nhật các kịch bản tăng trưởng, lạm phát; phối hợp chặt chẽ và hiệu quả, hài hòa các chính sách điều hành kinh tế vĩ mô nhằm duy trì mức tăng trưởng của nền kinh tế.

"Theo dõi chặt chẽ diễn biến giá các mặt hàng thiết yếu, nhất là một số mặt hàng có xu hướng tăng giá trong thời điểm mưa bão, đảm bảo cung ứng đầy đủ hàng hóa đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân vùng bão lụt; thực hiện điều chỉnh giá điện, dịch vụ y tế, giáo dục... theo mức độ và thời điểm phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế nhằm hạn chế tối đa tác động đến lạm phát, sản xuất kinh doanh và đời sống người dân", bà Ngọc nêu rõ.

Quan trọng nhất, các Bộ, ngành, địa phương cần thực hiện đồng bộ các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt những khó khăn về thế chấp, tín chấp, kế hoạch kinh doanh để doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp nhỏ và vừa nói riêng tiếp cận vốn.

Ngọc Bảo

Bách Hoá Xanh lên tiếng vụ nhập hàng từ cơ sở sản xuất giá đỗ ngâm hoá chất
Bách Hoá Xanh cho biết đã lập tức thu hồi và ngưng bán toàn bộ hàng hóa của nhà cung cấp này cũng như tiến hành kiểm nghiệm lại tất cả sản phẩm giá đỗ đang cung cấp cho chuỗi.