Tổng bí thư, Chủ tịch nước đề nghị phân tích, dự báo về tình hình Biển Đông
Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng - Ảnh: V.DŨNG
Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh như vậy khi phát biểu khai mạc Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành trung ương khóa XII, sáng 7-10.
Hội nghị lần này sẽ tập trung thảo luận, cho ý kiến một bước về các dự thảo văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng; báo cáo tình hình kinh tế, xã hội, ngân sách nhà nước năm 2019, dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội, ngân sách nhà nước năm 2020; và một số vấn đề quan trọng khác…
Phân tích, dự báo tình hình Biển Đông
Trong bài phát biểu của mình về kinh tế, xã hội, ngân sách nhà nước năm 2019 - 2020, Tổng bí thư, Chủ tịch nước đề nghị xem xét, phân tích thật kỹ thực tế tình hình của các ngành, lĩnh vực và địa phương để thảo luận, đánh giá khách quan, toàn diện tình hình phát triển kinh tế, xã hội, ngân sách nhà nước 9 tháng đầu năm, dự báo cả năm 2019.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cũng đề nghị hội nghị trung ương "phân tích, dự báo có căn cứ, cơ sở khoa học, tình hình thế giới và trong nước, nhất là tình hình Biển Đông; chỉ rõ các khả năng có thể xảy ra trong thời gian tới, lường trước những thời cơ, thuận lợi cần nắm bắt, những khó khăn, thách thức cần phải nỗ lực vượt qua.
Từ đó, xác định sát hợp mục tiêu tổng quát, dự kiến các chỉ tiêu chủ yếu, cơ bản, quan trọng nhất cho năm 2020 và các chính sách, biện pháp phù hợp, có tính khả thi cao, nhất là các chính sách, biện pháp đột phá để thích ứng với những diễn biến và tác động mới của tình hình thế giới, khu vực đối với kinh tế, xã hội nước ta trong năm 2020…".
Nhân dân kỳ vọng "một báo cáo chính trị xứng tầm"
Phát biểu khai mạc, Tổng bí thư, Chủ tịch nước cho biết: thời gian qua, Bộ Chính trị đã chỉ đạo các Tiểu ban quán triệt kết luận của Hội nghị Trung ương 10 (tháng 5-2019) xây dựng các dự thảo văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng để Hội nghị Trung ương lần này xem xét, cho ý kiến hoàn thiện một bước, gửi đại hội đảng bộ các cấp đóng góp ý kiến.
Quan cảnh hội nghị - Ảnh: V. DŨNG
"Báo cáo chính trị là văn kiện trung tâm của Đại hội, là căn cứ cơ bản để xây dựng các văn kiện khác.
Cán bộ, đảng viên và nhân dân kỳ vọng Đại hội XIII của Đảng có được một Báo cáo chính trị xứng tầm, đề ra được những chủ trương, quyết sách đúng đắn để lãnh đạo toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta tiếp tục đẩy mạnh toàn diện và đồng bộ sự nghiệp đổi mới vì một nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh trong nhiệm kỳ tới và những năm tiếp theo" - Tổng bí thư, Chủ tịch nước phát biểu.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đề nghị trung ương nghiên cứu kỹ, thảo luận, cho ý kiến về dự thảo báo cáo, tập trung vào các vấn đề lớn, như: đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng và diện mạo đất nước sau 35 năm đổi mới, 30 năm thực hiện Cương lĩnh, tập trung vào 10 năm gần đây;
Mục tiêu phát triển đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 (100 năm thành lập Đảng) và đến năm 2045 (100 năm thành lập nước); định hướng tiếp tục đổi mới, phát triển các lĩnh vực trọng yếu; các nhiệm vụ trọng tâm và các khâu đột phá chiến lược; nhận thức và giải quyết các mối quan hệ lớn trong quá trình phát triển...
Đặc biệt, chú ý những vấn đề lớn, những nội dung quan trọng về quan điểm, tư tưởng chỉ đạo, những chủ trương, chính sách, biện pháp đổi mới quan trọng, có ý nghĩa chiến lược, có tính đột phá, khả thi cao và những vấn đề còn có ý kiến khác nhau.
"Đối với mỗi vấn đề, cần đi sâu phân tích, đánh giá tình hình thực hiện Nghị quyết Đại hội XII và các Nghị quyết Trung ương; chỉ rõ những chủ trương, chính sách nào của Đảng đã được quán triệt, cụ thể hoá, thể chế hóa và tổ chức thực hiện tốt, đạt kết quả thiết thực; những chủ trương, chính sách nào còn chậm hoặc chưa vào được cuộc sống, chưa phát huy được tác dụng; nguyên nhân vì sao?
Vì chủ trương, chính sách chưa sát hợp với thực tế hay do những hạn chế, yếu kém trong tổ chức thực hiện?
Về nguyên nhân, cần chú ý chỉ ra những nguyên nhân chủ quan, nhất là nguyên nhân thuộc về nhận thức, tư duy; về năng lực cụ thể hoá, thể chế hóa và tổ chức thực hiện.
Từ đó, khẳng định cần kế thừa, bổ sung, phát triển các mục tiêu, quan điểm, chủ trương, chính sách và phương hướng, nhiệm vụ nào để tiếp tục đổi mới toàn diện, đồng bộ, phù hợp với thực tế trong nước và quốc tế nhằm tiếp tục xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước ta nhanh và bền vững hơn trong thời gian tới", Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nhấn mạnh.
Sẽ có nhiều giải pháp về xây dựng Đảng
Tại hội nghị lần này, trung ương cũng sẽ thảo luận về dự thảo báo cáo tổng kết 5 năm thực hiện công tác xây dựng Đảng, thi hành Điều lệ Đảng nhiệm kỳ khóa XII.
Tổng bí thư, Chủ tịch nước đánh giá "đây cũng là một báo cáo chuyên đề rất quan trọng của mỗi kỳ đại hội, liên quan đến việc thực hiện nhiệm vụ then chốt của Đảng".
Theo Tổng Bí thư, Chủ tịch nước: báo cáo tổng kết và tờ trình của Bộ Chính trị đưa ra hội nghị trung ương lần này đã nêu khá đầy đủ các nội dung tổng kết, đánh giá tình hình thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp về xây dựng Đảng do Đại hội XII đề ra.
Dự thảo báo cáo đã chỉ rõ những kết quả nổi bật, khá toàn diện đã đạt được; đề xuất phương hướng và 10 nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác xây dựng Đảng trong nhiệm kỳ khóa XIII, trong đó xác định rõ 3 nhiệm vụ trọng tâm và 3 khâu đột phá.
Đồng thời, tổng kết việc thi hành Điều lệ Đảng; tổng hợp đề xuất bổ sung, sửa đổi Điều lệ Đảng của các cấp uỷ, tổ chức đảng và ý kiến của Bộ Chính trị kiến nghị với trung ương về vấn đề này.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đề nghị hội nghị thảo luận, cho ý kiến đánh giá kết quả đã đạt được; những hạn chế, vướng mắc trong công tác xây dựng Đảng và thi hành Điều lệ Đảng; những đề xuất về phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp xây dựng Đảng nhiệm kỳ khóa XIII.
Trong đó, chú ý phân tích, chỉ rõ những nhiệm vụ, giải pháp đề ra đã sát thực tế, có tính khả thi, đúng trọng tâm, trọng điểm hay chưa.
Cần tập trung ưu tiên thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp gì. Những hạn chế, vướng mắc nào do quy định của Điều lệ Đảng, mức độ đến đâu, đã cần phải bổ sung, sửa đổi Điều lệ chưa, hay chỉ cần điều chỉnh bằng quy định, hướng dẫn của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư...