Tồn kho kim cương trị giá hàng tỉ USD không bán được vì dịch COVID-19
Theo Bloomberg, De Beers, hãng sở hữu những viên kim cương này hầu như không có đơn hàng nào kể từ tháng 2. Hãng đối thủ Alrosa PJSC của Nga cũng lâm vào tình trạng tương tự.
Giờ đây khi các biện pháp hạn chế được đưa ra nhằm ngăn chặn đại dịch COVID-19 dần được nới lỏng, các nhà buôn kim cương lại phải đối mặt với vấn đề nan giải là làm thế nào để giải quyết được lượng kim cương đang tồn kho trị giá hàng tỉ USD mà không ảnh hưởng đến thị trường mới chớm hồi phục.
Đại dịch COVID-19 đã tàn phá nặng nề ngành kim cương. Các cửa hàng trang sức đóng cửa. Các nghệ nhân mài cắt và đánh bóng đá quý Ấn Độ phải nghỉ ở nhà và hãng De Beers buộc phải hủy đợt bán hồi tháng 3 bởi vì người mua không thể đến xem hàng.
De Beers và Alrosa đang tìm mọi cách để bảo vệ thị trường của họ. Thay vì giảm giá, hai hãng này cho phép khách hàng tự do hủy bỏ hợp đồng- điều chưa từng xảy ra trước đây. Họ cũng giảm sản xuất để hạn chế hàng tồn kho.
Tuy nhiên số kim cương vẫn tiếp tục chồng chất.
Theo hãng tư vấn Gemdax, 5 nhà khai thác đá quý lớn nhất thế giới có thể đang ôm đống kim cương trị giá 3,5 tỷ USD. Con số này có thể lên đến 4,5 tỷ USD vào cuối năm, tương đương với khoảng 1/3 sản lượng kim cương thô hàng năm.
Anish Aggarwal, đối tác của Gemdax cho biết: "Các nhà khai thác đang cố gắng hạn chế nguồn cung kim cương thô để bảo vệ thị trường và giá.”
“Tuy nhiên câu hỏi đặt ra là làm thế nào để giải quyết số lượng hàng hóa tồn kho? Liệu các nhà khai thác có tiếp tục giảm sản lượng nữa để bảo vệ thị trường hay không?”
Sau khi buộc phải hủy bỏ đợt bán hàng vào tháng 3, De Beers tiếp tục tổ chức một đợt bán khác vào tháng 5, nhưng không công bố kết quả như thường lệ.
Theo nguồn tin thân cận, doanh số năm nay chỉ đạt khoảng 35 triệu USD, trong khi năm ngoái, con số này đạt 416 triệu USD.
Với lần mở bán tiếp theo vào cuối tháng này, hãng De Beers đã tìm mọi cách để thu hút khách hàng, bao gồm cả việc cho phép người mua xem kim cương bên ngoài Botswana. Khách hàng vẫn sẽ có quyền gửi trả lại hàng mà họ đã kí hợp đồng mua bán trước đó.
Một số khách hàng của De Beers trước đó luôn phàn nàn về cách thức bán hàng của hãng trong những năm gần đây, thì giờ đây lại tỏ ra hài lòng với những thay đổi này của họ.
Trong khi cả De Beers và Alrosa đều kiên quyết không hạ giá, thậm chí từ chối những khách hàng muốn mua kim cương với các điều khoản đặc biệt thì những công ty khai thác nhỏ hơn đã giảm giá bán.
Thực tế, những công ty khai thác nhỏ lẻ đã phải chật vật để tồn tại thậm chí trước khi xảy ra đại dịch. Một số công ty đã giảm giá tới 25% tại các trung tâm giao dịch như Antwerp. Điều này khiến các hãng lớn gặp khó khăn trong việc thuyết phục người mua tìm đến mình.
Các nhà khai thác kim cương “đang cùng lúc phải đối mặt với việc giá cả tụt dốc và doanh số giảm mạnh trên quy mô gợi nhớ đến cuộc khủng hoảng 2008-2009”, nhà phân tích Serge Donskoy của Hiệp hội Genere Generale cho hay.
Quản lí nguồn cung luôn là vấn đề nan giải của ngành kim cương kể từ khi hãng De Beers chấm dứt độc quyền.
Hãng này đã dành những năm đầu thập niên 2000 để giải quyết lượng kim cương tồn kho trị giá lên tới 5 tỉ USD.
Tuy nhiên, tồn kho kim cương tăng vọt trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008 và tiếp tục tăng một lần nữa vào năm 2013.
Với mỗi lần bán tháo này, De Beers đã khiến cho số kim cương cần được mài cắt tăng lên, gây áp lực lên các thợ cắt, nhà buôn và và các hãng chế tác mua lại hàng từ họ.
Lần này còn có thể khó khăn hơn. Trong bối cảnh bán lẻ là một trong những ngành chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ dịch COVID-19, những nhà trung gian này thậm chí đã phải chật vật từ trước khi xảy ra đại dịch.
Hôm 5/6, Alrosa cho hay tồn kho kim cương của hãng có thể lên đến 30 triệu carat vào cuối năm nay, gần bằng sản lượng một năm của hãng, nhưng lại không công bố giá trị hàng tồn kho. Hãng cũng kì vọng con số này sẽ giảm còn 15 triệu carat trong ba năm.
Hiện tại, ngành kim cương đang có dấu hiệu phục hồi. Các nhà bán lẻ Trung Quốc đang mở cửa trở lại và Ấn Độ cho phép tái khởi động trung tâm đánh bóng Surat, mặc dù chỉ hoạt động được 50% công suất. Các văn phòng giao dịch chính ở Ấn cũng được phép để 10% nhân viên đi làm trở lại.
Các nhà chế tác đã mạnh tay mua vào kim cương trong hai tháng đầu năm với kì vọng về sự phục hồi của thị trường. Tuy nhiên trong bối cảnh các trung tâm giao dịch vẫn đóng cửa, thì số lượng kim cương này phải đợi đến cuối tháng 7 hoặc tháng 8 mới có thể được chào hàng.
“Ở giai đoạn này rất khó để đoán trước được quỹ đạo phục hồi của thị trường. Chúng ta chỉ có thể kì vọng rằng nhu cầu tiêu dùng sẽ không giảm hơn nữa trong tương lai”. Ông Aggarwal nhận định.