|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Tồn kho đồng của LME chạm đáy 47 năm: Nguồn cung không thiếu nhưng do doanh nghiệp cố gom hàng?

07:18 | 25/10/2021
Chia sẻ
Nguồn cung bị siết chặt, trong khi nhu cầu tăng cao đang đẩy giá đồng quay trở lại gần mức đỉnh lịch sử. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng nguồn cung đồng thực chất không thiếu mà là do doanh nghiệp hoảng loạn gom hàng.

Giá đồng leo thang vì tồn kho của LME thấp kỷ lục

Tình trạng mất cân bằng cung - cầu đã đẩy giá đồng quay trở lại gần mức đỉnh lịch sử xác lập hồi tháng 5 năm nay. Trên Sàn Giao dịch Kim loại London (LME), giá đồng hiện dao động gần mốc 10.000 USD/tấn do lượng tồn kho tại LME chỉ còn khoảng 15.225 tấn - mức thấp nhất kể từ năm 1974.

Khi tồn kho đồng của LME gần cạn kiệt, các giao dịch hợp đồng tương lai có thể biến động dữ dội. Khi đó, thị trường đồng có nguy cơ xảy ra tình trạng bù hoãn bán, tức là khi giá hợp đồng tương lai thấp hơn giá giao ngay dự kiến khi hợp đồng đáo hạn, Bank of America từng cảnh báo hồi tháng 5.

Tồn kho thấp kỷ lục đã buộc LME phải áp dụng ba biện pháp tạm thời để giúp thị trường tiếp tục hoạt động trơn tru. Một trong các quy định mới cho phép bất kỳ ai đang nắm giữ vị thế bán nhưng không thể giao hàng có thể hoãn nghĩa vụ giao hàng với một khoản phí nhất định.

Ngoài ra, LME cũng đã bắt đầu một cuộc điều tra, trong đó yêu cầu các ngân hàng và môi giới cung cấp thông tin về hoạt động giao dịch cũng như về khách hàng của họ trên thị trường đồng trong hai tháng qua.

Động thái này của LME có thể giúp nhà cung ứng tránh được rủi ro thiếu nguồn hàng để đáp ứng yêu cầu giao hàng từ người mua. Thông qua cuộc điều tra, LME cũng có thể khiến các nhà giao dịch và ngân hàng phải cân nhắc kỹ lưỡng trước khi yêu cầu giao thêm đồng.

Tồn kho đồng của LME chạm đáy 47 năm: Nguồn cung không thiếu nhưng do doanh nghiệp cố gom hàng? - Ảnh 1.

(Ảnh minh họa: Getty Images).

Đồng được ví như giấy vệ sinh

Mặc dù nguồn cung đồng được dự đoán là sẽ thâm hụt trong năm nay, một số nhà phân tích lưu ý rằng thị trường thực chất không cạn kiệt kim loại này, mà chỉ đang chịu ảnh hưởng của một số vấn đề nhất thời.

Chia sẻ với Kitco News, nhà phân tích Colin Hamilton của ngân hàng đầu tư BMO Capital Markets cho biết tồn kho của LME xuống thấp bắt nguồn từ những thiếu sót tạm thời trong hệ thống của sàn này chứ thế giới vẫn được cung ứng đủ đồng.

Ông Hamilton nói thêm rằng rất nhiều doanh nghiệp đang tích trữ nguồn hàng vì họ tin rằng nguồn cung sẽ tiếp tục bị siết chặt trong tương lai. Ông ví tâm lý hiện tại trên thị trường như cú sốc từng xảy ra với giấy vệ sinh hồi đầu đại dịch COVID-19.

"Đó là một kiểu tâm lý tự nhiên, khi người ta lo ngại rằng nguồn cung của một loại vật liệu đóng vai trò quan trọng trong hoạt động sản xuất thường nhật có thể bị thiếu hụt trong tương lai không xa. Do đó, họ sẽ đổ xô đi gom hàng", ông Hamilton giải thích.

"Vấn đề nguồn cung đồng kết hợp cùng các thách thức về logistics và tình trạng thiếu hụt năng lượng trên toàn cầu đang gây áp lực lớn lên người dùng đầu cuối của kim loại này. Các báo cáo từ LME cho thấy doanh nghiệp đang tích trữ nguồn hàng để chống lại cú sốc, càng khiến cho tồn kho của LME giảm sâu trong ngắn hạn", vị chuyên gia tiếp tục.

Các nhà phân tích hàng hóa tại hãng tư vấn TD Securities dự đoán những biện pháp khẩn cấp của LME sẽ giúp giảm bớt tác động của đợt siết chặt nguồn cung hiện tại, theo Kitco News.

Trong các tháng tới, không phải chuyên gia nào cũng lạc quan rằng giá đồng có thể giữ vững mức cao kỷ lục. Ông Bernard Dahdah, nhà phân tích hàng hóa tại ngân hàng Natixis, cho biết giá đồng có thể bị điều chỉnh trong ngắn hạn khi nhu cầu trở lại bình thường trong quý I năm tới.

"Phần lớn đà tăng của các kim loại cơ bản trong năm nay có thể bắt nguồn từ việc nhu cầu bị dồn nén trong năm 2020 và sau đó được dồn sang năm 2021. Chúng tôi dự đoán nhu cầu đồng sẽ ổn định lại trong năm 2022, từ đó giúp xoa dịu áp lực nguồn cung", ông Dahdah viết trong một báo cáo.

Chưa kể, nhà phân tích trên cho rằng hoạt động kinh tế toàn cầu có thể sắp chững lại, đặc biệt là khi Trung Quốc phải tập trung giải quyết những vướng mắc trên thị trường bất động sản nội địa. Do đó, nhu cầu kim loại trong thời gian tới có thể bị đè nặng.

Khả Nhân