|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Tòa tuyên nguyên Chủ tịch MTM lĩnh án chung thân

20:17 | 07/05/2019
Chia sẻ
7/5/2019, TAND TP Hà Nội mở phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án thao túng giá chứng khoán xảy ra tại Công ty cổ phần Mỏ và Khoáng sản Miền Trung - MTM.
Tòa tuyên nguyên Chủ tịch MTM lĩnh án chung thân - Ảnh 1.

Bị cáo Trần Hữu Tiệp, nguyên Chủ tịch HĐQT Công ty MTM tại tòa (áo vàng)

Trưa 7/5, chủ tọa đọc bản án kéo dài hơn 2 tiếng đồng hồ.

Thay đổi lời khai

Tại tòa, một số bị cáo gồm Trần Hữu Tiệp (nguyên Chủ tịch HĐQT Công ty MTM), Nguyễn Văn Dĩnh thay đổi lời khai, không thừa nhận hành vi như cáo trạng. Bị cáo Tiệp khai rằng, Công ty MTM có tài sản và hoạt động đầu tư bất động sản. Năm 2015, bị cáo biết thông tin Công ty MTM, biết Dĩnh bị bắt nên tiếp cận với Vũ Thị Hoa – vợ Dĩnh mua lại công ty nhằm tái thiết lại doanh nghiệp.

Một số luật sư đề nghị trả hồ sơ điều tra bổ sung để làm rõ Công ty MTM có tài sản, hoạt động sản xuất kinh doanh không.

Hội đồng xét xử thấy rằng, những lời khai của các đối tượng khác đều khẳng định khi Nguyễn Văn Dĩnh mua Công ty MTM với giá 3 tỷ đồng, công ty không có vốn góp thực, không có hoạt động sản xuất kinh doanh.

Do đó, có đủ căn cứ truy tố các bị cáo về các tội danh Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, Thao túng giá chứng khoán, Làm giả tài liệu, con dấu của cơ quan tổ chức và Giả mạo trong công tác.

Cụ thể, bị cáo Nguyễn Văn Dĩnh đã chỉ đạo Nguyễn Thị Hiên (em gái Dĩnh); Ngô Văn Hiến, Kế toán trưởng CTCP Đầu tư khoáng sản Tây Bắc (mã KTB) làm giả danh sách 103 cổ đông, chứng từ tăng vốn Công ty MTM lên 310 tỷ đồng, các hợp đồng mua bán, góp vốn chứng từ ngân hàng thể hiện Công ty có hoạt động sản xuất kinh doanh, có lợi nhuận... Mục đích để đưa cổ phiếu lên sàn HNX. Các tài liệu này được sử dụng để hạch toán sổ sách kế toán, báo cáo tài chính, báo cáo thuế.

Để hợp thức hóa tài liệu, Dĩnh liên hệ với các cán bộ ngân hàng BIDV Nam Hà Nội và TPBank chi nhánh Tây Hà Nội làm giả chứng từ thể hiện cổ đông góp vốn và doanh số mua, bán hàng hóa qua tài khoản ngân hàng với các công ty liên quan.

Công ty MTM nộp hồ sơ gửi HNX để đăng ký niêm yết nhưng sự việc chưa xong thì Nguyễn Văn Dĩnh bị bắt trong một vụ án khác vào tháng 5/2015.

Mặc dù biết rõ Công ty MTM không có tài sản, không có hoạt động sản xuất kinh doanh nhưng bị cáo Trần Hữu Tiệp và Phùng Thành Công (hiện đang bỏ trốn) hoàn thiện hồ sơ để đưa cổ phiếu MTM đăng ký giao dịch UPCoM, làm giả hồ sơ đại hội cổ đông, thay đổi nhân sự chủ chốt với nội dung Trần Hữu Tiệp làm Chủ tịch HĐQT, Phùng Thành Công làm Trưởng ban kiểm soát... Các bị cáo sử dụng 59 tại khoản mua bán cổ phiếu MTM khớp chéo giữa các tài khoản trong nhóm nhằm tạo cung cầu giả tạo.

Hội đồng xét xử nhận định, hành vi của các bị cáo xâm phạm hoạt động đúng đắn của thị trường chứng khoán, tác động tiêu cực đến tâm lý cho các nhà đầu tư. Trong đó, nhóm bị cáo phạm tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản là nghiêm trọng nhất.

Theo kết luận giám định, có 1.064 người đứng tên sở hữu cổ phiếu MTM chịu thiệt hại số tiền 56 tỷ đồng. Tuy nhiên, có những người không có yêu cầu bồi thường, có người không lên làm việc. Số liệu quy kết trong cáo trạng có sự nhầm lẫn về số học. Hội đồng xét xử xác định qua kiểm tra thực tế, số tiền các bị cáo chiếm đoạt là 43 tỷ đồng.

Tòa án quyết định tuyên phạt bị cáo Trần Hữu Tiệp mức án chung thân về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Mức án các bị cáo còn lại:

Nhóm tội Thao túng chứng khoán: Bùi Thiện Lý (trú ở phường Mỹ Đình 1, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) và Đỗ Hữu Tài (trú tại phường Ô Chợ Dừa, quận Đống Đa, Hà Nội) cùng mức án 30 tháng tù nhưng cho hưởng án treo.

Nhóm tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản: Vũ Thị Hoa, nguyên Giám đốc Chi nhánh Hà Nội Công ty cổ phần Khoáng sản Nari Habico 12 năm tù và Nguyễn Lê Trường, nguyên Giám đốc Công ty MTM 12 năm tù.

Nhóm tội Làm giả tài liệu của cơ quan tổ chức gồm Nguyễn Văn Dĩnh, nguyên Giám đốc Công ty cổ phần Khoáng sản Nari Habico mức án 4 năm tù; Nguyễn Thị Hiên (trú ở phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai, TP.Hà Nội) 36 tháng tù nhưng cho hưởng án treo; Ngô Văn Hiến, (trú ở phường Khương Trung, quận Thanh Xuân, TP. Hà Nội) 36 tháng tù nhưng cho hưởng án treo; Lê Thị Hằng Nga, (nguyên Giám đốc TPBank Tây Hà Nội) 30 tháng tù nhưng cho hưởng án treo và Trần Thị Mai Lan (nguyên Giám đốc Dịch vụ khách hàng TPBank Tây Hà Nội) 30 tháng tù nhưng cho hưởng án treo.

Nhóm tội Giả mạo trong công tác gồm các lãnh đạo, nhân viên Phòng giao dịch Đại Kim BIDV: Lê Đắc Hà (nguyên giám đốc) 18 tháng tù và Hồ Xuân Lý, (Phó giám đốc) 24 tháng tù nhưng cho hưởng án treo; Đặng Mạnh Hùng 20 tháng tù, Nguyễn Thị Hiền 20 tháng tù nhưng cho hưởng án treo và Vũ Thế Vinh 20 tháng tù nhưng cho hưởng án treo.

Kiến nghị UBCKNN xây dựng hành lang pháp lý

Một số ý kiến tại tòa còn cho rằng, trong vụ án này có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm là những người đánh giá, kiểm duyệt hồ sơ Công ty MTM đưa lên sàn UPCoM và trách nhiệm của kiểm toán viên.

Theo cáo trạng, sau khi làm giả hồ sơ, tháng 4/2014, Nguyễn Văn Dĩnh liên hệ và thuê Công ty TNHH Kiểm toán và định giá Thăng Long T.D.K; Công ty IFC – Thanh Hóa kiểm toán các báo cáo tài chính. Các kiểm toán viên không trực tiếp làm việc với Ban giám đốc, kế toán trưởng MTM, chỉ căn cứ vào hồ sơ, chứng từ được cung cấp và vẫn đưa ra ý kiến chấp nhận toàn phần.

VKSND đối đáp cho rằng, kiểm toán viên thu thập nhiều chứng từ nhưng không soát xét kỹ hồ sơ. Các kiểm toán viên không được hưởng lợi, không biết hồ sơ, chứng từ là giả. Do đó không có căn cứ xử lý trách nhiệm của các kiểm toán viên.

HĐXX thấy rằng, đối với các cán bộ thẩm định hồ sơ của UBCK NN, Sở GDCK Hà Nội chỉ có trách nhiệm kiểm tra thủ tục. Khi thủ tục đủ theo quy định thì sẽ ban hành các quyết định để cho công ty được giao dịch trên sàn. Các cán bộ thẩm định không có trách nhiệm và không đủ điều kiện để thẩm định tính thật, giả của các hồ sơ này.

“Vì sao Công ty MTM có thể được đưa lên giao dịch như vậy, vì đây là những bất cập trong thị trường chứng khoán. HĐXX sẽ kiến nghị UBCK NN xem xét đối với công ty không niêm yết trên sàn thì vẫn bắt buộc phải đăng ký giao dịch trên sàn UPCoM”, HĐXX nhận định.

Tòa án kiến nghị UBCKNN có biện pháp hữu hiệu hơn về hành lang pháp lý cho các nhà đầu tư.


Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/

Đồ Mến - Bùi Trang

Trước thềm Diễn đàn Đầu tư Việt Nam: Đầu tư thụ động trong bối cảnh vĩ mô không chắc chắn
Trong năm 2024, lãi suất tiền gửi có kỳ hạn đang ở mức thấp. 4 ngân hàng quốc doanh có mức huy đông kỳ hạn 12 tháng đang ở mức 4,6%-5,0%. Trong khi đó thị trường trái phiếu, cũng như thị trường bất động sản đều chưa phục hồi, dẫn đến thiếu các kênh đầu tư tài chính hấp dẫn. Lượng tiền gửi trong ngân hàng đang ở mức cao nhất trong lịch sử đạt gần 6,84 triệu tỷ đồng vào tháng 7/2024.