|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Vụ án cổ phiếu 'ma' MTM: Tố tụng kéo dài, nhà đầu tư mệt mỏi

08:19 | 13/03/2019
Chia sẻ
Phiên tòa được mở trong sự chờ đợi của giới đầu tư về một kết quả cho vụ việc cổ phiếu “ma” MTM trên sàn UPCoM. Tuy nhiên, cho tới nay, vẫn chưa có phán quyết được đưa ra và phiên tòa đã bị hoãn nhiều lần.

Lý do hoãn phiên tòa

15 bị cáo trong vụ án thao túng giá chứng khoán MTM của Công ty cổ phần Mỏ và Xuất nhập khẩu khoáng sản Miền Trung đã có mặt tại Tòa án nhân dân TP Hà Nội sáng 11/3/2019, bao gồm: Trần Hữu Tiệp (nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị MTM), Vũ Thị Hoa, Nguyễn Lê Trường, Bùi Thiện Lý, Đỗ Hữu Tài, Hồ Xuân Lý, Lê Đắc Hà, Đặng Mạnh Hùng, Nguyễn Thị Hiền, Vũ Thế Vinh, Nguyễn Văn Dĩnh, Nguyễn Thị Hiên, Ngô Văn Hiến, Lê Thị Hằng Nga, Trần Thị Mai Lan.

Gần 20 luật sư, nhiều nhà đầu tư, người liên quan, người làm chứng đã có mặt để chờ phiên tòa. Tuy nhiên, Hội đồng xét xử đã quyết định hoãn phiên tòa vì sự vắng mặt của một luật sư và một số cá nhân.

Được biết, tòa án đã triệu tập 1.064 bị hại, nhưng chỉ có vài chục nhà đầu tư có mặt. Hàng trăm nhà đầu tư không đến phiên tòa, hoặc có đơn xin xét xử vắng mặt. Chỉ có 5 người có nghĩa vụ và quyền lợi liên quan có mặt, nhiều người liên quan khác vắng mặt. Một số người làm chứng, người giám định cũng vắng mặt.

Luật sư bào chữa cho bị cáo Vũ Thị Hoa đã có đơn xin hoãn phiên tòa vì lý do bận tham gia phiên tòa khác. Bị cáo Vũ Thị Hoa cũng xin hoãn phiên tòa để chờ luật sư có mặt, nhằm đảm bảo quyền lợi của bị cáo.

Ngoài ra, đại diện Viện kiểm sát nhân dân giữ quyền công tố tại phiên tòa đề nghị hoãn phiên tòa để triệu tập những nhân chứng, bị đơn dân sự vắng mặt. Trong trường hợp tại phiên tòa sau, nếu vẫn vắng mặt những nhân chứng, bị đơn dân sự này, đại diện Viện kiểm sát đề nghị Tòa áp dụng biện pháp dẫn giải đối với họ, để đảm bảo cho phiên tòa được khách quan, minh bạch.

Sau khi hội ý, Hội đồng xét xử đã quyết định hoãn phiên tòa. Phiên tòa sẽ được mở lại vào ngày 4 - 9/4/2019.

Trước quyết định này, nhiều người tham dự phiên tòa ngày 13/3 thốt lên chán nản: “Lại hoãn à”. Đây không phải lần đầu tiên, phiên tòa xét xử vụ án Trần Hữu Tiệp và đồng phạm có hành vi lừa đảo, thao túng giá chứng khoán... bị hoãn. Vụ việc bị phát hiện từ tháng 6/2016.

Tháng 9/2016, Cơ quan an ninh điều tra, Bộ Công an khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam bị can Trần Hữu Tiệp, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị MTM. Sau quá trình truy tố, điều tra, đến tháng 10/2018, vụ án được đưa ra xét xử, nhưng phải hoãn do vắng mặt một số bị cáo tại ngoại và luật sư.

Tháng 11/2018, Tòa xử lại. Sau 3 ngày xét xử, Tòa án trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung một loạt nội dung. Và sau khi điều tra bổ sung, ngày 11/3 vừa qua, Tòa án mở lại phiên tòa, nhưng rồi lại hoãn.

Theo luật sư Giang Hồng Thanh, Đoàn Luật sư Hà Nội, Bộ luật Tố tụng hình sự quy định, thời hạn để điều tra, truy tố, xét xử sơ thẩm đối với vụ án có tội phạm đặc biệt nghiêm trọng có thể kéo dài đến 22 - 23 tháng. Những vụ án có tội xâm phạm an ninh quốc gia thì thời hạn điều tra còn dài hơn.

Ngoài ra, nếu vụ án bị Viện kiểm sát, Tòa án trả hồ sơ điều tra bổ sung (tối đa 4 lần) thì thời hạn điều tra, truy tố, xét xử sơ thẩm có thể kéo dài thêm 10 - 12 tháng.

Chưa kể, trong quá trình xét xử, vụ án bị hoãn đi hoãn lại nhiều lần theo đúng luật định, thì thời gian kết thúc vụ án không thể sớm hơn.

Đặc biệt, trong trường hợp Tòa án cấp phúc thẩm hủy bản án để điều tra, xét xử lại thì thời hạn điều tra, truy tố, xét xử sơ thẩm được tính lại từ đầu.

Như vậy, một vụ án có thể kéo dài đến 4 - 5 năm, thậm chí lâu hơn nữa mới có thể kết thúc là điều hoàn toàn có thể xảy ra, nếu không muốn nói là không hiếm.

“Vấn đề này là một thực tế. Nhiều khi có những vụ án kéo quá dài khiến người trong cuộc, kể cả bị can, bị cáo, người bị hại, người liên quan cảm thấy chán nản, mệt mỏi, có tâm lý bỏ mặc, buông xuôi, còn dư luận thì bức xúc, bất bình”, luật sư Giang Hồng Thanh nhận xét.

Tuy nhiên, việc vụ án bị kéo dài không phải lúc nào cũng phụ thuộc vào ý chí của cơ quan tố tụng, tức là ngay cả cơ quan pháp luật nhiều khi muốn nhanh chóng kết thúc vụ án mà cũng không được. 

Nhà đầu tư bỏ cuộc

Cơ quan tố tụng xác định, MTM được thành lập từ năm 2007, có trụ sở ở TP Vinh, tỉnh Nghệ An, vốn điều lệ 10 tỷ đồng. Các cổ đông của MTM chưa góp vốn và Công ty cũng không tiến hành khai thác khoáng sản.

Đến năm 2010, Nguyễn Văn Dĩnh, nguyên Giám đốc Công ty cổ phần Khoáng sản Nari Habico, mua lại hồ sơ Công ty MTM với giá 3 tỷ đồng. MTM không hoạt động kinh doanh, không có vốn, nhưng Nguyễn Văn Dĩnh tìm cách làm giả hồ sơ để đưa cổ phiếu MTM đăng ký giao dịch trên UPCoM.

Các bị cáo làm giả danh sách cổ đông, làm giả chứng từ tăng vốn Công ty MTM lên 310 tỷ đồng, làm giả các hợp đồng mua bán, góp vốn, chứng từ ngân hàng thể hiện Công ty có hoạt động sản xuất - kinh doanh, có lợi nhuận; thuê công ty kiểm toán... Tiếp đó, Công ty MTM nộp hồ sơ gửi Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) để đưa cổ phiếu lên sàn. Sự việc chưa xong thì Nguyễn Văn Dĩnh bị bắt trong một vụ án khác (tháng 5/2015).

Sau này, bị cáo Trần Hữu Tiệp và Phùng Thành Công mua lại hồ sơ của Công ty MTM, tiếp tục làm giả hồ sơ Đại hội đồng cổ đông để đưa cổ phiếu MTM đăng ký giao dịch trên UPCoM. Trần Hữu Tiệp và Phùng Thành Công thống nhất để Công phụ trách và chỉ đạo cấp dưới sử dụng 59 tài khoản mở tại một số công ty chứng khoán mua bán cổ phiếu MTM khớp chéo giữa các tài khoản trong nhóm.

Cơ quan điều tra xác định, có 1.064 người đứng tên sở hữu cổ phiếu MTM chịu thiệt hại số tiền 56 tỷ đồng.

Quá trình xét xử vụ án bị kéo dài khiến nhiều nhà đầu tư mệt mỏi và chán nản. Tham dự phiên tòa ngày 11/3/2019, một phụ nữ trẻ giấu tên cho biết, anh trai cô mới là người sở hữu cổ phiếu MTM. Trước đây, anh trai cô làm ăn thuộc diện “kiếm được tiền” và lấy tiền này đầu tư chứng khoán. Sau đó, việc mua bán chứng khoán thua lỗ.

Cụ thể cô không được rõ, vì hiện giờ anh cô “gần như bị tâm thần”. Cả gia đình cô không ai dám hỏi đầu tư bao nhiêu, thua lỗ như thế nào. Khi có giấy triệu tập của Tòa án gửi về, thì cô cầm giấy đó đến tham dự phiên tòa, với ý định nghe để biết. Tuy nhiên, phiên tòa đã bị hoãn nên cô cũng không rõ anh trai đã mua bao nhiêu cổ phiếu MTM.

Một nhà đầu tư khác vốn là cán bộ về hưu chia sẻ, bà đã mua 5.000 cổ phiếu MTM, giá mua dưới mệnh giá nên mất mát không đáng kể. Bà chỉ tham gia phiên tòa 1 lần và làm đơn xin xét xử vắng mặt ngay tại phiên tòa đó. Từ đó về sau, bà không đến dự tòa và chấp nhận coi như mất số tiền đã đầu tư.

Anh Nguyễn P.D, một nhà đầu tư ở TP.HCM cho hay, vụ án TMT xét xử ở Hà Nội nên anh không có điều kiện tham dự phiên tòa, do không sắp xếp được thời gian và tốn chi phí đi lại. Khi mua cổ phiếu MTM, lúc đó anh là “tân binh” nên thiếu kinh nghiệm đầu tư chứng khoán.

Anh bỏ ra 200 triệu đồng để mua cổ phiếu MTM. Theo nhà đầu tư này, ngay cả những nhà đầu tư lâu năm cũng không ngờ được có trường hợp công ty “ma” như MTM, được dựng lên để đưa lên sàn, hoàn toàn không có hoạt động sản xuất - kinh doanh. Bạn của anh đã bỏ 2 tỷ đồng mua cổ phiếu MTM và đến giờ thì cả hai đều xác định là mất trắng, không kỳ vọng thu hồi được tiền.

Rút ngắn tố tụng, cần sự thay đổi nhận thức

Luật sư Giang Hồng Thanh

Cơ chế giải quyết vụ án theo pháp luật hiện nay thiên về nguyên tắc điều tra, xét hỏi. Cơ quan điều tra thu thập gần như đầy đủ tài liệu chứng cứ rồi chuyển sang Viện kiểm sát và Tòa án, từ đó Viện kiểm sát, Tòa án căn cứ vào hồ sơ đã có, xét hỏi lại một lần nữa những người tham gia tố tụng sau đó kết hợp với diễn biến tại phiên tòa để đưa ra phán quyết. Giai đoạn điều tra mất rất nhiều thời gian, nhưng nhiều khi kết quả giải quyết vụ án lại không tương xứng với thời gian đã mất. Tất nhiên, các cơ quan tố tụng không thể làm khác được, không thể thay đổi quy trình này vì luật quy định là phải làm như thế.

Nếu muốn rút ngắn thời hạn giải quyết vụ án, cần phải thay đổi luật theo hướng bên buộc tội, gỡ tội sử dụng mọi chứng cứ, tài liệu mà mỗi bên thu thập được để tranh tụng trước Tòa, còn Tòa án chỉ xem xét, đánh giá quan điểm của mỗi bên, để rồi phán quyết, chứ không tập trung xét hỏi như hiện nay.
Để làm được điều này, cần phải có cả một quá trình thay đổi, phù hợp với sự phát triển của kinh tế - xã hội, của trình độ nhận thức, khoa học kỹ thuật, chứ không phải muốn là thay đổi được ngay.

Bùi Trang