Tổ tư vấn kinh tế: Không chờ đến khi Thủ tướng đặt hàng!
PGS, TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam - thành viên của Tổ tư vấn Kinh tế. Nguồn: Dân Trí |
Gần đây có nhiều nhận định, đánh giá về tổ tư vấn, đa phần là kỳ vọng nhưng cũng có người có ý kiến khác nhau. Là thành viên của Tổ tư vấn, ông có cảm thấy áp lực gì?
- Mọi chuyện mới bắt đầu, tôi cũng đọc hết những phản hồi của cộng đồng. Cơ bản những nhận định đó là đúng, là chính xác. Tổ tư vấn lần này có cả những người trẻ là chuyên gia ở nước ngoài, đó là cái mới, việc cần là chờ hiệu quả ra sao.
Chúng tôi đã nhận nhiệm vụ của Thủ tướng từ mấy tháng trước, nhận đặt hàng của Chính phủ và cũng đã có báo cáo lên. Trong khi chờ Tổ tư vấn làm việc, Chính phủ cũng đưa ra nhiều giải pháp, giải quyết hàng loạt vấn đề chứ không phải Chính phủ ngồi chờ.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ từng cho biết, các giải pháp tổ tư vấn Chính phủ cũng biết nhưng cái mới là ở cách làm, thực thi. Có nhiều chuyện Chính phủ đang làm nên khi Tổ tư vấn đưa vấn đề ra Chính phủ thấy khớp nhau nên yên tâm thực hiện.
Chúng tôi đang nỗ lực nhìn về một hướng vì cái chung của nền kinh tế; cam kết của Tổ tư vấn với Chính phủ khá rõ ràng và chính Chính phủ cũng đặt hàng trở lại Tổ tư vấn. Chúng tôi không phải chỉ có Thủ tướng đặt hàng mà chính chúng tôi tự đặt hàng cho mình, gợi ý Thủ tướng những vấn đề được giao để làm. Có việc là Tổ tư vấn chủ động đề xuất với Chính phủ chứ không bị động.
Tổ tư vấn đánh giá gì về tiến trình tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước (DNNN), cải cách thủ tục hành chính và kiến tạo môi trường cho khu vực tư nhân còn chậm chạp, chúng ta cần ưu tiên làm gì trước?
- Tái cơ cấu kinh tế có các nội dung bao trùm: đầu tư công, khu vực DNNN, hệ thống tài chính ngân hàng và hoạt động tái cơ cấu bộ máy nhà nước. Những việc này đều có trục cơ bản, cấp bách cả.
Riêng tái cơ cấu DNNN, Thủ tướng nhấn mạnh câu chuyện 90% DN hoàn thành kế hoạch cổ phần hóa nhưng chỉ có 8% vốn thu về được là không thể chấp nhận được vì cổ phần hóa là khâu quan trọng trong quá trình tái cơ cấu.
Trong nhiệm vụ phát triển khu vực DN nhỏ và vừa, cách tốt nhất là làm cho môi trường kinh doanh không bị méo mó, công bằng. Trong cuộc họp đầu tiên với Tổ tư vấn, Chính phủ đã có nhìn nhận thẳng thắn khu vực tư nhân có lớn nhưng không mạnh, tăng số lượng nhưng yếu chất lượng.
Nguyên nhân do DN lập ra nhưng môi trường kinh doanh không nuôi sống và lớn lên được. Một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Chính phủ thời gian tới là cắt giảm thủ tục hành chính cho DN.
Chi phí cho DN đang phải gánh là rất lớn như chi phí vốn cao, chi phí logistics đắt hơn thế giới quá nhiều. Vận tải chiếm hơn 2/3 giá trị hàng hoá, trong khi thế giới họ chỉ chiếm 1/2 (nước ngoài logistics chỉ chiếm 15% GDP, nước ta logistics chiếm 22-23% GDP). Tại cuộc họp với Tổ tư vấn, Thủ tướng đề cập tới chi phí BHXH, an sinh xã hội sắp tới thực thi ở mức cao sẽ hạn chế sức sống của DN. Thủ tướng nhấn mạnh chi phí hiện là vấn đề sống còn của DN.
Vấn đề thủ tục hành chính rườm rà tại các địa phương, bộ ngành đã khiến dư luận bất bình nhưng các loại giấy phép con, một cửa nhiều ngách vẫn mở ra… Tổ tư vấn có cách gì giúp Thủ tướng?
- Tổ tư vấn đã báo cáo với Thủ tướng, giải quyết được thủ tục hành chính cắt giảm giấy phép sẽ khiến tiềm năng tăng trưởng của Việt Nam tăng lên nhiều, đặc biệt là cải cách thủ tục hành chính phải gắn với trách nhiệm của bộ trưởng, trưởng ngành, người đứng đầu địa phương.
Chính phủ trong thời gian tới sẽ giao cho bộ ngành trong một năm phải giảm bao nhiêu thủ tục hành chính và báo cáo kết quả, chịu trách nhiệm trước Thủ tướng. Nếu không làm được người đứng đầu sẽ phải chịu trách nhiệm cá nhân. Về mặt cơ chế, tới đây Chính phủ sẽ làm thật, làm mạnh.
Vừa qua, Chính phủ có kế hoạch giao tăng trưởng cho các Bộ, ngành, ông có thấy đây là vấn đề phù hợp?
- Người làm được tăng trưởng không phải các Bộ, mà là DN, nếu không xác định được, cứ nhầm lẫn thì không thực thi được chính sách mà còn tạo cơ chế vừa trói, vừa gây áp lực cho người ta.
Thảo luận giữa Tổ tư vấn với Thủ tướng, Thủ tướng muốn giao cho Bộ, ngành địa phương tăng trưởng, bộ nào không giải ngân được, không đạt được yêu cầu tăng trưởng thì kỷ luật. Đây cũng là cái lý của Chính phủ với mong muốn không để tiền nằm trong kho, vừa phải trả lãi trong khi dự án thiếu vốn, không giải ngân được.
Tuy nhiên, Tổ tư vấn cho rằng không phải kỷ luật là biện pháp hiệu quả mà giải pháp tốt hơn là tháo gỡ trói buộc cho điều hành kinh doanh. Ví dụ một bộ, một năm phải cam kết xóa 15 thủ tục hành chính để thúc đẩy tăng trưởng có hành động như vậy, DN mới được cởi trói.
Mục tiêu tăng trưởng 6,5% cho 5 năm theo Tổ tư vấn đưa ra có hợp lý trong bối cảnh hiện Chính phủ đang muốn tăng trưởng cao hơn?
- Con số 6,5% đặt ra mục tiêu cho cả 5 năm vì Nghị quyết xác định tăng trưởng 5 năm 2016 -2020 của Việt Nam sẽ là từ 6,5 - 7%. Vì nhiệm vụ chính trị, niềm tin cho các nhà đầu tư nước ngoài, định chế tài chính lớn nên Chính phủ đang cân nhắc con số này vì điều kiện tăng trưởng vẫn còn. Nhưng theo chúng tôi, nếu quá trình tái cơ cấu, đổi mới mô hình tăng trưởng chưa xong, nếu thúc đẩy tăng trưởng quá cao thì lại sử dụng mô hình tăng trưởng cũ không hiệu quả.
Tổ tư vấn cho rằng, cách đặt mô hình tăng trưởng mềm mại hơn, 3 năm sau có thể đặt cách tiếp cận mục tiêu tăng trưởng mềm dẻo hơn 6,5% cộng trừ 0,3%. Cách đặt vấn đề mục tiêu tăng trưởng mềm dẻo là chúng ta chấp nhận nếu kinh tế khó khăn thì dư địa để đạt được sẽ thấp hơn. Điều đó còn tốt hơn là chúng ta đóng đinh ở mục tiêu cao, phải dốc sức làm sẽ tốn nguồn lực, hiệu quả thấp.
Xin trân trọng cảm ơn ông!