Tổ hợp Hóa dầu miền Nam chính thức tăng vốn thêm 1,386 tỉ USD
Một thông tin đáng chú ý trong báo cáo về tình hình thu hút đầu tư nước ngoài của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), đó là Dự án Tổ hợp Hóa dầu miền Nam đã chính thức được nâng vốn đầu tư thêm 1,386 tỷ USD.
Như vậy, sau nhiều chờ đợi và đề xuất, thì tổ hợp hóa dầu này đã được các cơ quan chức năng Việt Nam cho phép để mở rộng đầu tư, nâng vốn từ 3,7 tỷ USD hiện tại lên gần 5,1 tỷ USD, nhằm tăng khả năng cạnh tranh và hiệu quả kinh tế thông qua điều chỉnh công nghệ, công suất.
Đây có thể là một cái kết khá tốt đẹp đối với dự án đã có hơn 10 năm lận đận này. Tổ hợp Hóa dầu miền Nam, hay còn gọi là Tổ hợp Hóa dầu Long Sơn, được quyết định đầu tư vào năm 2008, nhưng sau đó đã liên tục được điều chỉnh, đổi chủ đầu tư.
Rất nhiều cái tên đã từng đứng trong danh sách chủ đầu tư của Dự án này, từ Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam, rồi Dầu khí Qatar, Vina SCG Chemicals Company Limited (VSCG), Thai Plastic And Chemicals Public Company Limited (TPC) của Thái Lan…
Cuối cùng, đến tháng 6/2018, Tổ hợp Hóa dầu miền Nam đã trở thành dự án 100% vốn đầu tư của doanh nghiệp Thái Lan, sau khi Tập đoàn SCG ký thỏa thuận mua lại 29% cổ phần của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (Petro Vietnam) trong Dự án, tăng vốn sở hữu của SCG từ 71% lên 100%.
Sau nhiều năm lận đận, Dự án đã được khởi công xây dựng từ đầu năm 2018. Tuy nhiên, hiện nay đang chậm tiến độ và đã nhiều lần được các cơ quan chức năng hối thúc để đẩy nhanh tiến độ triển khai.
Năm ngoái, cùng với việc đề xuất được tăng vốn đầu tư, Tập đoàn SCG cũng đã cam kết đưa Dự án vận hành vào cuối năm 2022.
Ban đầu đề xuất tăng vốn không được các cơ quan chức năng chấp thuận, do lo ngại về khả năng góp vốn cho Dự án. Tuy nhiên, cuối cùng, sau khi cân nhắc, quyết định đã được thông qua.
Để Dự án được tăng vốn đầu tư, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu phải rà soát, làm rõ vốn đầu tư của dự án, đặc biệt là phần vốn góp của nhà đầu tư.
Nhờ sự góp mặt của Dự án Tổ hợp Hóa dầu miền Nam, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tăng thêm trong 4 tháng đã tăng 45,6% so với cùng kỳ, đạt trên 3,07 tỷ USD. Trong khi trước đó, trong 3 tháng đầu năm, vốn điều chỉnh liên tục sụt giảm.
Cũng nhờ dự án này, tổng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam trong 4 tháng đầu năm đã đạt 12,33 tỷ USD, bằng 84,5% so với cùng kỳ năm 2019.
Có sự sụt giảm này chủ yếu là do sự sụt giảm khá mạnh của vốn đầu tư nước ngoài thông qua hình thức góp vốn, mua cổ phần. Còn thực tế, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài - FDI, bao gồm cả đăng ký mới và tăng thêm đều tăng so với cùng kỳ.
Số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài cho thấy, vốn FDI cấp mới trong 4 tháng qua đạt 6,78 tỷ USD, tăng 26,9% so với cùng kỳ.
Vốn FDI đăng ký mới tăng là do trong 4 tháng đầu năm có Dự án Điện khí LNG Bạc Liêu được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, với tổng vốn đầu tư 4 tỷ USD.
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/