Tổ chức về máy học hàng đầu thế giới cấm các tác giả dùng AI từ ChatGPT để viết luận văn
Theo The Verge, một trong những hiệp hội về máy học (machine learning) uy tín nhất thế giới đã cấm các tác giả sử dụng các công cụ AI như ChatGPT để viết các bài báo khoa học. Động thái này đã gây ra cuộc tranh luận về vai trò của văn bản do AI tạo ra, trong giới học thuật.
Đầu tuần này, Hiệp hội quốc tế về máy học (ICML) đã công bố chính sách "cấm cửa ChatGPT". Thông báo của ICML nêu rõ: “Các bài báo bao gồm văn bản được tạo từ mô hình ngôn ngữ quy mô lớn (LLM) như ChatGPT đều bị cấm trừ khi văn bản được tạo ra được trình bày như một phần của phân tích thực nghiệm của bài báo.”
Tin tức đã gây ra cuộc thảo luận rộng rãi trên mạng xã hội với các học giả và nhà nghiên cứu về AI - những nhóm vốn đang có sự bất đồng về cách sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo. Tranh cãi nổ ra bởi lẽ ICML không đưa ra giải thích phù hợp.
Theo ICML, sự gia tăng của các mô hình ngôn ngữ AI có thể truy cập công khai như ChatGPT, thể hiện một sự phát triển “thú vị” tuy nhiên đi kèm với “những hậu quả không lường trước được và những câu hỏi chưa được trả lời”.
ICML cho rằng các câu hỏi chủ yếu xoay quanh việc ai sở hữu đầu ra của các hệ thống tương tự ChatGPT. Tổ chức này cũng bày tỏ quan ngại về việc khai thác dữ liệu công khai, thu thập thông tin mà chua có sự chấp thuận cũng như việc thông tin bị lặp lại trong các nội dung do AI sản xuất.
Bên cạnh đó, một vấn đề được tranh cãi khá nhiều là những nội dung gồm văn bản và hình ảnh do AI tạo ra, có nên “được coi là tiểu thuyết hay chỉ đơn thuần là dẫn xuất của những gì đã có". Đây là câu hỏi liên quan đến quyền tác giả và những thắc mắc xoay quanh việc ai là chủ sở hữu của một nội dung do AI tạo ra, liệu máy móc hay con người điều khiển nó?
Tờ The Verge nhận định đây là thắc mắc quan trọng vì ICML chỉ cấm văn bản “được tạo ra hoàn toàn” bởi AI. Hiệp hội cho biết họ không cấm sử dụng các công cụ như ChatGPT “để chỉnh sửa hoặc đánh bóng văn bản do tác giả viết” và lưu ý rằng nhiều tác giả đã sử dụng “các công cụ chỉnh sửa bán tự động” như phần mềm sửa lỗi ngữ pháp Grammarly cho mục đích này.
“Chắc chắn rằng những câu hỏi này và nhiều câu hỏi khác, sẽ được trả lời theo thời gian, khi các mô hình sản xuất quy mô lớn này được áp dụng rộng rãi hơn. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn chưa có bất kỳ câu trả lời rõ ràng nào cho bất kỳ câu hỏi nào trong số này,” thông báo của ICML viết. Do đó, ICML cho biết lệnh cấm đối với văn bản do AI tạo ra sẽ được đánh giá lại vào năm tới.
Tuy nhiên, các câu hỏi mà ICML đang giải quyết có thể không dễ giải quyết. Các công cụ AI như ChatGPT đang gây nhầm lẫn cho nhiều tổ chức, một vài đơn vị đã phản ứng bằng lệnh cấm.
Năm ngoái, trang web hỏi đáp mã hóa Stack Overflow đã cấm người dùng gửi câu trả lời được tạo bằng ChatGPT. Trong tuần này, Sở Giáo dục Thành phố New York đã chặn quyền truy cập vào công cụ này đối với bất kỳ ai trên mạng của họ.