Tổ chức trong nước mua ròng khớp lệnh gần 840 tỷ đồng trong tháng đầu năm, ưu tiên nhóm ngân hàng
VN-Index tăng 104,09 điểm tương đương 10,34% trong tháng 1 để kết thúc tháng ở mốc 1.111,18 điểm. Thanh khoản trung bình mỗi phiên giảm 25,3% so với tháng trước và giảm 20,4%% so với thanh khoản trung bình 5 tháng gần đây
Trong tháng 1, các ngành dầu khí, thép, chứng khoán tăng mạnh nhất trong khi toàn bộ 19/19 nhóm ngành cấp 2 tăng điểm.
Tuy nhiên, tính trong vòng một năm trở lại đây, chỉ duy nhất nhóm công nghệ thông tin còn tăng điểm, ngược lại nhóm giảm mạnh nhất là truyền thông (-56,5%), bất động sản (-43,8%), chứng khoán (-41,3%). Điều này cho thấy thị trường chỉ đang trong giai đoạn hồi phục ngắn hạn.
Trong tháng đầu năm, bên cạnh động thái tiếp đà mua ròng của khối ngoại, tổ chức trong nước là một trong hai bên xuống tiền nâng đỡ chỉ số. Về giá trị, họ mua ròng 641 tỷ đồng, tính riêng giao dịch khớp lệnh họ mua ròng 837 tỷ đồng.
Cổ phiếu ngân hàng là tâm điểm hút tiền
Theo thống kê từ Fiintrade, nếu tính riêng giao dịch khớp lệnh thì phía bán ròng của các tổ chức trong nước chiếm ưu thế khi diễn ra ở 10/18 nhóm ngành.
Trong đó cổ phiếu ngân hàng vươn lên trở thành tâm điểm thu hút dòng tiền của các tổ chức nội với quy mô lên tới gần 1.337 tỷ đồng. Lực cầu từ tổ chức trong nước cũng lan tỏa sang nhóm dầu khí, công nghệ thông tin, xây dựng & vật liệu với giá trị vào ròng lần lượt là 141 tỷ đồng và 125 tỷ đồng và 120 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, hoạt động giải ngân của tổ chức nội cũng được chứng kiến ở nhóm tài nguyên cơ bản, bán lẻ, bảo hiểm, truyền thông với giá trị thấp hơn.
Ở chiều ngược lại, NĐT tổ chức trong nước bán ròng mạnh nhất cổ phiếu nhóm bất động sản với 902,6 tỷ đồng. Trong tháng 11, ngành địa ốc vẫn là tâm điểm bán ròng của các tổ chức nội trong bối cảnh ngành này chưa ngừng điều chỉnh.
Nhóm ngành còn lại chịu áp lực bán ròng là tài nguyên cơ bản với 201 tỷ đồng. Tính từ đầu năm, cổ phiếu tài nguyên cơ bản giảm mạnh thứ hai trên thị trường với tỷ lệ mất giá gần 52%.
Hoạt động mua bán ròng tập trung ở nhóm cổ phiếu lớn
Giao dịch lớn của tổ chức trong nước tuần chủ yếu tập trung ở loạt bluechips trong rổ VN30. Tại chiều mua, top 5 mã được giải ngân mạnh nhất đều là các cổ phiếu ngân hàng. Trong đó, cổ phiếu VPB của VPBank dẫn đầu với giá trị mua ròng lớn nhất lên tới 245,4 tỷ đồng. Nối tiếp, các tổ chức nội gom ròng 192,7 tỷ đồng cổ phiếu MBB và 170,2 tỷ đồng mã CTG.
Theo báo cáo cập nhật của Chứng khoán Yuanta Việt Nam, nhóm phân tích kỳ vọng thu nhập lãi ròng sẽ thúc đẩy lợi nhuận của MBB năm 2023, khi chúng tôi cho rằng Ngân hàng Nhà nước sẽ cấp hạn mức tín dụng cho MBB cao hơn mức trung bình ngành.
Chất lượng tài sản quý IV/2022 vẫn duy trì vững chắc với tỷ lệ nợ xấu tương đối thấp và tỷ lệ dự phòng tổn thất cho vay (LLR) cao, nhưng tỷ lệ đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp của MBB vẫn khá cao.
Tỷ lệ CASA giảm nhưng vẫn thuộc nhóm cao nhất ngành. Chi phí vốn thấp là một lợi thế lớn của MBB trong bối cảnh thắt chặt chính sách tiền tệ.
Chứng khoán Yuanta Việt Nam đánh giá cổ phiếu MBB có định giá hấp dẫn. MBB có chất lượng hoạt động tốt nhưng đang giao dịch tương ứng với P/B 2023 chỉ ở mức 0,9x, thấp hơn so với trung vị ngành là 1,0x.
Cùng chiều, hai đại diện nhà băng khác là VIB và STB cũng được tổ chức nội gom ròng với giá trị lần lượt là 147,5 tỷ và 128,6 tỷ đồng.
Ở chiều ngược lại, chứng chỉ quỹ FUEVFVND của Quỹ ETF VFMVN Diamond chịu áp lực rút vốn mạnh nhất với giá trị xả ròng 165,4 tỷ đồng.
Theo dõi giao dịch của tổ chức trong nước, dòng tiền tiếp tục rút khỏi các cổ phiếu vốn hóa lớn như MSN và REE với giá trị rút ròng lần lượt là 157 tỷ và 142,3 tỷ đồng.
Danh mục top 5 bán ròng còn có hai đại diện là PNJ (140,7 tỷ đồng) và GAS (88,9 tỷ đồng).
Theo báo cáo tài chính quý IV của doanh nghiệp, lũy kế cả năm 2022, doanh thu thuần của PV GAS đạt hơn 100.723 tỷ, lợi nhuận sau thuế 15.062 tỷ đồng, lần lượt tăng 28% và tăng 70% so với năm 2021 và là mốc kỷ lục của tổng công ty.
Năm 2022, tổng công ty đặt kế hoạch doanh thu 80.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 7.039 tỷ đồng. Như vậy với việc giá dầu neo ở mức cao hơn dự kiến, PV GAS đã vượt 26% kế hoạch doanh thu và vượt 114% chỉ tiêu lợi nhuận năm.