|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Tổ chức trong nước mua ròng khớp lệnh gần 1.440 tỷ đồng tuần hồi phục, tập trung gom VPB, TCB, STB

15:31 | 19/12/2022
Chia sẻ
Giao dịch cùng chiều với nước ngoài, tổ chức trong nước mua ròng 337 tỷ đồng, tính riêng kênh khớp lệnh thì họ gom ròng 1.437 tỷ đồng.

VN-Index ghi nhận tuần giao dịch 12 - 16/12 rung lắc, tích lũy với biên độ 30 điểm quanh khu vực 1.050. Với việc Fed tăng lãi suất và có những dự báo về việc sẽ tiếp tục duy trì đà tăng khiến cho thị trường chứng khoán Mỹ lao dốc vào phiên thứ Năm và phần nào đã tạo áp lực lên thị trường chứng khoán Việt Nam.

Về diễn biến cụ thể, VN-Index liên tục rung lắc với sự tăng giảm đan xen giữa các nhóm ngành ngay từ đầu tuần và đã có lúc lùi sâu nhất về ngưỡng hỗ trợ 1.030 vào phiên ngày 13/12.

Việc chứng khoán Mỹ giảm điểm vào phiên ngày 15/11 trước nỗi lo suy thoái đã khiến cho nhà đầu tư trở nên thận trọng hơn và tạo áp lực nhất định lên VN-Index trong ngắn hạn. Kết tuần, VN-Index đóng cửa tại 1.052,48, tăng 0,67 điểm tương đương với 0,06% so với tuần trước.

Trong tuần vừa qua, nhóm cổ phiếu thép có được lực cầu nổi trội nhất với mức tăng trên 5%. Ở chiều ngược lại, lực bán liên tục gia tăng ở nhóm cổ phiếu bất động sản khiến cho nhóm này chìm trong sắc đỏ với mức giảm 6,74%.

Trái ngược với tâm lý thận trọng của khối nội, khối ngoại vẫn cho thấy sự lạc quan và liên tục đẩy mạnh mua ròng. Giao dịch cùng chiều với nước ngoài, tổ chức trong nước mua ròng 337 tỷ đồng, tính riêng kênh khớp lệnh thì họ gom ròng 1.437 tỷ đồng. 

Cổ phiếu 'vua' trở thành tâm điểm hút tiền

Theo thống kê từ Fiintrade, nếu tính riêng giao dịch khớp lệnh thì chiều mua ròng của các tổ chức trong nước chiếm ưu thế khi diễn ra ở 14/18 nhóm ngành. Trong đó cổ phiếu ngân hàng vươn lên trở thành tâm điểm thu hút dòng tiền của các tổ chức nội với quy mô lên tới gần 708 tỷ đồng.

Nhóm cổ phiếu vua có tỷ trọng giá trị giao dịch của ngành tăng lên 20,63% toàn thị trường, chỉ số giá tăng 2,29% với sự phân hóa mạnh của các cổ phiếu với 17/27 mã tăng điểm.

Các cổ phiếu có giao dịch sôi động là STB, VPB, SHB, VCB, MBB, TCB, LPB, TPB, EIB, HDB. Ngoại trừ LPC, các mã còn lại đều ghi nhận tăng điểm trong đó EIB tăng mạnh nhất 22,87% với hai phiên tăng trần. Tính từ đầu năm trong top 10 này chỉ có VCB và EIB tăng điểm trong khi SHB, TCB, TPB giảm từ 40% trở lên.

Chỉ số dòng tiền tích lũy của nhóm ngân hàng tăng giảm đan xen trong tuần và mang giá trị dương trong vòng 3 tháng, chỉ số giá tăng. Điều này cho thấy dòng tiền vào ra nhóm này thay đổi trong tuần, tuy nhiên cầu vẫn mạnh hơn cung và giá tăng. Chỉ số dòng tiền của nhóm ngân hàng tăng nhẹ cho thấy so với thị trường chung nhóm này giao dịch nhỉnh hơn thị trường.

Bên cạnh đó, hoạt động giải ngân mạnh mẽ của tổ chức nội cũng được chứng kiến ở nhóm bất động sản (194 tỷ đồng), thực phẩm & đồ uống (186 tỷ đồng).

Dòng tiền của tổ chức trong nước cũng được duy trì ở các một số nhóm cổ phiếu khác như bán lẻ (87 tỷ đồng), dầu khí (63 tỷ đồng), dịch vụ tài chính (62 tỷ đồng), …

Ở chiều ngược lại, cổ phiếu hàng & dịch vụ công nghiệp bị rút ròng mạnh nhất với quy mô gần 71 tỷ đồng. Ngoài ra, các ngành hàng cá nhân & gia dụng, ô tô & phụ tùng, truyền thông với giá trị không đáng kể.

Nguồn: Linh Chi tổng hợp.

Giao dịch mua ròng tập trung tại VPB, TCB, STB, MBB song TPB dẫn đầu top bán ròng

Giao dịch tại chiều mua của tổ chức trong nước tuần vừa qua nổi bật nhất là hoạt động giải ngân vào cổ phiếu VPB. Mã này dẫn đầu với giá trị mua ròng lớn nhất với 248,4 tỷ đồng. Đây cũng là mã duy nhất được các tổ chức trong nước rót ròng trên 200 tỷ đồng.

Tuần qua, vị trí dẫn đầu về thanh khoản toàn ngành ngân hàng gọi tên cổ phiếu của VPBank. Cụ thể, trong 5 ngày, có hơn 180 triệu cp VPB được trao tay giữa các nhà đầu tư, tương đương với giá trị đạt 3.187 tỷ đồng, mức cao nhất toàn ngành. Con số này bỏ xa mức 2.575 tỷ của STB và 2.177 tỷ của TCB đứng sau đó. Trong phiên 15/12, trên thị trường khớp lệnh, đã có hơn 65 triệu cp VPB được giao dịch, mức cao nhất kể từ tháng 6 năm ngoái.

Bên cạnh VPB, danh mục rót vốn còn có sự góp mặt của các cổ phiếu ngân hàng như TCB (190,6 tỷ đồng), STB (173,8 tỷ đồng), MBB (104,5 tỷ đồng). Danh mục top 5 còn có sự góp mặt của MSN (105,8 tỷ đồng).

Nguồn: Linh Chi tổng hợp. 

Cùng thuộc nhóm ngân hàng nhưng cổ phiếu TPB của TPBank bị bán ròng nhiều nhất với giá trị 241,2 tỷ đồng. Tuần qua, TPB trải qua 3 phiên tăng, 1 phiên giảm và 1 phiên đứng giá tham chiếu, tăng nhẹ 2,2% so với tuần trước đó.

Giao dịch cùng chiều cũng xuất hiện ở các cổ phiếu GEX (181,5 tỷ đồng), trước khi tổ chức trong nước bán ròng nhẹ hơn các mã như SZC (51,6 tỷ đồng), FUEVFVND (19,3 tỷ đồng) và GVR (16,6 tỷ đồng), ….

Linh Chi