|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Tuần 12 – 16/12: NĐT cá nhân bán ròng gần 2.200 tỷ đồng, tập trung xả NVL, VND đối ứng với lực cầu ngoại

13:35 | 17/12/2022
Chia sẻ
Giao dịch ngược chiều với khối ngoại, nhà đầu tư cá nhân xả ròng 2.166 tỷ đồng trên HOSE, tính riêng khớp lệnh họ bán ròng 2.938 tỷ đồng.

VN-Index đóng cửa tuần thứ 51 của năm 2022 với 2 phiên giảm, 3 phiên tăng, có thêm 0,67 điểm tương đương 0,06% đóng cửa tại 1.052,48 điểm. Chỉ số duy trì được mức tăng 20,45% kể từ mức thấp nhất 873,78 điểm thiết lập ngày 16/11/2022.

Giá trị giao dịch trung bình một phiên trên sàn HOSE đạt 14.237 tỷ đồng, giảm 18,08% so với tuần trước đó, nhưng tăng 4,3% so với trung bình 5 tuần gần đây. Sự phục hồi của thị trường có đóng góp không nhỏ từ dòng vốn ngoại khi họ có duy trì đà mua ròng tuần thứ 6 liên tục với quy mô hơn 1.900 tỷ đồng.

Bộ đôi VCB và VPB dẫn đầu về mức ảnh hưởng tích cực lên VN-Index khi giúp chỉ số chính tăng lần lượt 2,83 điểm và 2,81 điểm. HVN dù xếp thứ ba do vốn hóa nhỏ nhưng đây là cổ phiếu có suất sinh lời cao nhất trong top 10 tuần này với mức tăng 28,5%. Chiều giảm điểm gọi tên 3 cổ phiếu "họ Vingroup" là VIC, VHM và VRE với tổng mức ảnh hưởng giảm lên đến 14,73 điểm.

 

Nguồn: Linh Chi tổng hợp. 

 

 

Dòng tiền cá nhân trở lại gom ròng cổ phiếu thực phẩm

Theo thống kê từ Fiintrade, tính riêng kênh khớp lệnh thì cán cân giao dịch nghiêng hẳn bên bán với 15/18 nhóm ngành bị bán ròng. Trong đó, nhà đầu tư cá nhân bán ròng mạnh nhất cổ phiếu của các công ty chứng khoán với giá trị lên tới gần 776 tỷ đồng.

Theo thống kê của của FiinTrade, nhóm cổ phiếu dịch vụ tài chính tuần qua giao dịch khởi sắc với mức tăng toàn ngành là 2% với tỷ trọng giá trị giao dịch của ngành tăng từ 15,58% lên 15,99% toàn thị trường.

Tiếp theo, nhà đầu tư cá nhân cũng bán ròng 762 tỷ đồng ở nhóm ngân hàng, trước khi rút ròng cổ phiếu bất động sản (740 tỷ đồng), tài nguyên cơ bản (304 tỷ đồng), hóa chất (227 tỷ đồng), bán lẻ (162 tỷ đồng), dầu khí (137 tỷ đồng), …

Chiều ngược lại, lực cầu chủ yếu tập trung ở nhóm thực phẩm và đồ uống với gần 445 tỷ đồng. Điều đó cho thấy sức hút của ngành này đối với các NĐT cá nhân trong nước mặc dù nhóm này có nhịp giảm gần 1,2% tuần qua.

Tương tự, cổ phiếu hàng & dịch vụ công nghiệp và truyền thông cũng nằm trong danh mục giải ngân với giá trị thấp hơn.

Nguồn: Linh Chi tổng hợp.

NĐT cá nhân chưa dừng xả NVL, song mua ròng mạnh nhất VNM

Thống kê giao dịch theo từng mã, lực xả lớn nhất được ghi nhận tại đại diện NVL của ngành bất động sản với 498,4 tỷ đồng. Giao dịch của các cá nhân trong nước gần như đối ứng với lực mua của NĐT nước ngoài.

Liên quan đến giao dịch cổ phiếu NVL, bà Cao Thị Ngọc Sương, vợ ông Bùi Thành Nhơn đã bị công ty chứng khoán bán giải chấp hơn 29,04 triệu cổ phiếu NVL của Novaland trong phiên giao dịch ngày 28/11.

Sau giao dịch, số lượng cổ phiếu bà Sương nắm giữ giảm từ 83,40 triệu đơn vị xuống 54,36 triệu đơn vị, tỷ lệ sở hữu giảm tương ứng từ 4,278% xuống 2,788%.

Trong phiên giao dịch ngày 28/11, cổ phiếu NVL không có giao dịch thỏa thuận nào, như vậy giao dịch trên được thực hiện theo phương thức giao dịch khớp lệnh trên sàn. Tính theo giá kết phiên 28/11 là 20.450 đồng/cp, tổng giá trị giao dịch trên là 594 tỷ đồng.

Cùng phiên giao dịch, ông Bùi Cao Nhật Quân, con trai bà Cao Thị Ngọc Sương cũng hoàn tất bán ra 5 triệu cổ phiếu NVL. Sau giao dịch, số lượng cổ phiếu ông Quân nắm giữ giảm từ 83,24 triệu đơn vị xuống 78,24 triệu đơn vị, tỷ lệ sở hữu giảm tương ứng từ 4,269% xuống 4,013%.

Đồng thuận với giao dịch cổ phiếu của Novaland, VND của Chứng khoán VNDirect cũng bị bán ròng với giá trị 370,3 tỷ đồng. Kế đó, VPB và HPG lần lượt bị xả ròng 296,6 tỷ đồng và 264 tỷ đồng.

Tương tự, một số cổ phiếu tài chính, ngân hàng khác cũng nằm trong top bán ròng, như STB, SSI, TCB, CTG với giá trị 140 – 230 tỷ đồng. Danh mục thoái vốn của cá nhân nội còn có sự góp mặt của các cổ phiếu vốn hóa lớn và trung bình như VHM (182 tỷ đồng), DGC (152,4 tỷ đồng).

Nguồn: Linh Chi tổng hợp. 

Ở chiều ngược lại, cổ phiếu VNM của Vinamilk vươn lên trở thành mã được mua ròng nhiều nhất trong tuần qua. Cụ thể, nhà đầu tư cá nhân mua ròng 469,2 tỷ đồng cổ phiếu VNM, trái ngược so với lực xả từ phía tự doanh (67,3 tỷ đồng) và nhà đầu tư nước ngoài (476,8 tỷ đồng).

Theo báo cáo cập nhật mới đây của Chứng khoán MB, biên lợi nhuận gộp xuống mức thấp nhất trong quý III và sẽ hồi phục từ quý IV/2022. Cụ thể, giá sữa nguyên liệu nhập khẩu tăng liên tục từ quý III/2020 đến quý II/2022 khiến biên lợi nhuận gộp của VNM giảm 9 quý liên tiếp từ quý IV/2020 đến nay (trễ một quý so với biến động giá sữa).

Nhóm phân tích dự kiến lợi nhuận gộp quý IV/2022 sẽ tăng trở lại do sử dụng nguyên liệu mua giá thấp trong quý III/2022.

Thị trường sữa Việt Nam được đánh giá vẫn hấp dẫn. Mặc dù có thể bị ảnh hưởng bởi giai đoạn kinh tế khó khăn trước mắt, thu nhập của người tiêu dùng bị cắt giảm nhưng tốc độ tăng trưởng vẫn ở mức 12,4% trong giai đoạn 2021 - 2031.

Cùng chiều, cổ phiếu TPB của TPBank và GEX của Gelex cũng được mua ròng lần lượt 254,5 tỷ đồng và 156,1 tỷ đồng. Tương tự loạt mã bất động sản vốn hóa lớn và trung bình cũng nằm trong danh mục mua ròng như VRE, VIC, SZC, KDH, PDR với giá trị từ 37 tỷ đồng đến 134 tỷ đồng.

Linh Chi