|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Khối ngoại tiếp tục mua ròng hơn 1.900 tỷ đồng tuần tăng nhẹ, tập trung NVL, VND

09:30 | 17/12/2022
Chia sẻ
Khối ngoại duy trì diễn biến mua ròng tuần thứ 6 liên tiếp trên HOSE với giá trị gần 1.900 tỷ đồng trong tuần. NVL là cổ phiếu được khối này yêu thích nhất trong tuần với giá trị mua ròng gần 278 tỷ đồng.

Khối ngoại có tuần mua ròng thứ 6 liên tiếp. (Nguồn: Thu Thảo tổng hợp).

Sau nỗ lực hồi phục không thành công trong tuần trước, VN-Index đã có phiên giảm gần 20 điểm vào đầu tuần (12/12), chỉ số rơi về vùng 1.030. Tại vùng 1.025 – 1.030, VN-Index đã cân bằng và hồi phục trở lại, đà hồi phục tạm dừng khi chỉ số chạm ngưỡng 1.050 – 1.060.

Chỉ số giao dịch cân bằng tại vùng này trong ba phiên cuối tuần và chốt tuần tại mức 1.052,48, tăng nhẹ 0,67 điểm, tương đương 0,06%) so với tuần trước.

VCB và VPB là hai cổ phiếu dẫn đầu về mức ảnh hưởng tích cực lên chỉ số khi giúp VN-Index tăng lần lượt 2,8 điểm và 2,7 điểm. HVN dù xếp thứ ba do vốn hóa nhỏ nhưng đây là cổ phiếu có suất sinh lời cao nhất trong top 10 tuần này với mức tăng 28,5%. Chiều giảm điểm gọi tên 3 cổ phiếu "họ Vingroup" là VIC, VHM và VRE với tổng mức ảnh hưởng lên đến 15,8 điểm.

Khối ngoại duy trì diễn biến mua ròng tuần thứ 6 liên tiếp trên HOSE với giá trị gần 1.900 tỷ đồng trong tuần. NVL là cổ phiếu được khối này yêu thích nhất trong tuần với giá trị mua ròng gần 278 tỷ đồng. Tiếp theo là VND và VHM với giá trị mua ròng lần lượt đạt 255 tỷ đồng và 176 tỷ đồng.

Bên phía bán ròng VNM bị bán mạnh với giá trị trên 412 tỷ đồng, bỏ xa mã tiếp theo là VRE với giá trị 138 tỷ đồng. 

(Nguồn: Thu Thảo tổng hợp). 

Tại HNX, khối ngoại thu hẹp quy mô mua ròng còn gần 38,7 tỷ đồng, qua đó đẩy quy mô gom ròng từ đầu năm lên gần 1.780 tỷ đồng.

Về giá trị cụ thể, cổ phiếu IDC thu hút dòng vốn ngoại với quy mô mua ròng đạt 54 tỷ đồng. Ngoài ra, hoạt động giải ngân tìm đến một số cổ phiếu như SHS (26,5 tỷ đồng), HUT (15,7 tỷ đồng), PVI (10,4 tỷ đồng) và CEO (8,1 tỷ đồng).

Tại chiều bán ròng, cổ phiếu THD của Thaiholdings dẫn đầu danh mục rút vốn với quy mô 60,5 tỷ đồng, theo sau bởi PVS (19,6 tỷ đồng). Ngoài ra, các nhà đầu tư bán ròng nhẹ hơn các mã như PGT, BTS, CDN với giá trị trên dưới 2 tỷ đồng.

(Nguồn: Thu Thảo tổng hợp). 

Trong khi đó, trên thị trường UPCoM, khối ngoại bán ròng nhẹ với giá trị hơn 4 tỷ đồng. Với hoạt động thoái ròng trong suốt các tuần gần đây, giá trị mua ròng từ đầu năm bị thu hẹp còn gần 136 tỷ đồng.

Trong đó, khối ngoại chủ yếu bán ròng hơn 13,7 tỷ đồng cổ phiếu VTP của Tổng Công ty cổ phần Bưu chính Viettel. Kế đó QNS bị bán ròng với giá trị 4,6 tỷ đồng. Ngoài ra, danh mục rút vốn của các nhà đầu tư nước ngoài còn có sự góp mặt của VOC (1,1 tỷ đồng), CLX (1 tỷ đồng), VNA (0,3 tỷ đồng), ...

Ở phía ngược lại, cổ phiếu VEA và MCH lần lượt được mua ròng 5,8 và 5,5 tỷ đồng. Danh mục giải ngân còn có các đại diện như ACV (2 tỷ đồng), MCM (1,1 tỷ đồng), HPP (1,1 tỷ đồng), ...

Thị trường đã khép lại một tuần tăng nhẹ trong bối cảnh có nhiều sự kiện tác động kể cả trong và ngoài nước. Tuần này, thị trường trong nước ngược dòng chứng khoán thế giới một phần nhờ khối ngoại tiếp tục mua ròng sang tuần thứ 6 liên tiếp.

Mặt khác dù thanh khoản giảm, thị trường vẫn có sự phân hóa tích cực, dòng tiền có sự luân chuyển giữa các nhóm cổ phiếu tín hiệu như thép, chứng khoán, ngân hàng, bất động sản vừa và nhỏ, …

Theo dự báo của công ty chứng khoán, cung cầu thị trường sẽ trở lại trạng thái cân bằng trong tuần tới và phản ánh rõ hơn diễn biến của thị trường. Trong bối cảnh chứng khoán thế giới điều chỉnh giảm sang tuần thứ hai liên tiếp và thanh khoản thị trường thường giảm do yếu tố mùa vụ cuối năm, ở kịch bản tích cực, thị trường có khả năng dao động trong xu hướng đi ngang ở vùng 1.024 - 1.063 điểm.

(Nguồn: Thu Thảo tổng hợp). 

Thu Thảo