Tổ chức trong nước mua ròng hơn 1.540 tỷ đồng trong tuần cuối năm, tập trung OCB, MWG, FPT
VN-Index đóng cửa tuần thứ 53 của năm 2022 với 3 phiên giảm, 2 phiên tăng. Chỉ số chính mất đi 13,25 điểm tương đương 1,3% đóng cửa tại 1.007,09 điểm,qua đó ghi nhận mức giảm tuần thứ hai liên tiếp. Tâm lý nghỉ ngơi và ngại rủi ro trước kỳ nghỉ lễ khiến cho thanh khoản giảm và thị trường biến động mạnh theo nhịp đẩy mua hoặc bán của dòng tiền lớn.
Ở thế giằng co, các ngành phân hóa và thu hẹp mức giảm so tuần trước khi chỉ có 213/403 cổ phiếu và 12/19 ngành giảm điểm. Một số ngành như hàng cá nhân & gia dụng, ô tô và phụ tùng có mức tăng trên 4% phụ thuộc vào một số cổ phiếu có vốn hóa lớn và chưa cho thấy sự trở lại của dòng tiền luân chuyển.
Giá trị giao dịch trung bình một phiên trên sàn HOSE đạt 9.171 tỷ đồng, giảm 34,4% so với tuần trước đó. Tỷ trọng phân bổ dòng tiền tăng vào nhóm ngân hàng, thực phẩm và đồ uống, xây dựng và vật liệu, trong khi giảm ở nhóm chứng khoán, tài nguyên cơ bản, hóa chất.
Khối ngoại có tuần thứ 8 liên tiếp mua ròng với giá trị hơn 2.200 tỷ đồng. Giao dịch cùng chiều với nhóm nhà đầu tư ngoại, tổ chức trong nước tiếp tục mua ròng 1.542 tỷ đồng, tính riêng khớp lệnh họ mua ròng 116 tỷ đồng.
Giao dịch phân hóa trong tuần cuối năm
Cổ phiếu bán lẻ vươn lên trở thành tâm điểm thu hút dòng tiền của các tổ chức nội với quy mô lên tới hơn 77 tỷ đồng. Kế đó, nhóm xây dựng & vật liệu cũng được gom ròng hơn 62 tỷ đồng.
Nhóm cổ phiếu ngành xây dựng và vật liệu có tỷ trọng giá trị giao dịch của ngành tăng lên 6,24% toàn thị trường, chỉ số giá tăng 0,13%. Chỉ số dòng tiền tích lũy của nhóm này giảm trong tuần, chỉ số giá tăng nhẹ cho thấy áp lực bán giảm.
Chỉ số dòng tiền của nhóm xây dựng và vật liệu tăng nhẹ cho thấy so với thị trường chung nhóm này giao dịch nhỉnh hơn thị trường.
Lực cầu từ tổ chức trong nước cũng lan tỏa sang nhóm công nghệ thông tin và ngân hàng với giá trị vào ròng lần lượt là 56 tỷ đồng và 45 tỷ đồng. Bên cạnh đó, hoạt động giải ngân của tổ chức nội cũng được chứng kiến ở nhóm bảo hiểm, dầu khí, hàng cá nhân & gia dụng, tài nguyên cơ bản, … với quy mô dưới 25 tỷ đồng.
Ở chiều ngược lại, NĐT tổ chức trong nước bán ròng mạnh nhất cổ phiếu nhóm bất động sản với hơn 46 tỷ đồng, quy mô giảm hơn 60% so với tuần trước đó. Một vài nhóm ngành cũng chịu áp lực bán ròng là hàng & dịch vụ công nghiệp (39 tỷ đồng), thực phẩm & đồ uống (38 tỷ đồng), dịch vụ tài chính (32 tỷ đồng), du lịch & giải trí (26 tỷ đồng), hóa chất (16 tỷ đồng), …
Tập trung gom OCB song bán ròng mạnh nhất REE
Giao dịch mua ròng của tổ chức trong nước tuần qua chủ yếu tập trung ở cổ phiếu OCB với quy mô 93,9 tỷ đồng. Mã này có nhịp tăng 11,1% trong tuần lên 18.000 đồng/cp và là á quân đóng góp tích cực cho VN-Index trong tuần qua, chỉ sau cổ phiếu VCB của Vietcombank.
Nối tiếp, các tổ chức nội gom ròng nhiều cổ phiếu lớn trong rổ VN30 như MWG (74,8 tỷ đồng), FPT (55,5 tỷ đồng), MBB (29,8 tỷ đồng).
Liên quan đến hoạt động kinh doanh, Đầu tư Thế Giới Di Động đã công bố kết quả kinh doanh 11 tháng với 123.683 tỷ đồng doanh thu, tăng 12% song lợi nhuận sau thuế giảm 9% so với cùng kỳ còn 3.998 tỷ đồng. So với kế hoạch năm, MWG đã đạt 88% chỉ tiêu doanh thu và 63% mục tiêu lợi nhuận năm.
Tính riêng tháng 11, doanh thu Thế Giới Di Động đạt 9.971 tỷ đồng, lãi sau thuế 159 tỷ đồng, giảm lần lượt 13% và 67% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là mức lợi nhuận thấp nhất kể từ tháng 4/2017.
Ở chiều ngược lại, cổ phiếu REE của Cơ điện lạnh chịu áp lực rút vốn mạnh nhất với giá trị rút ròng 65,6 tỷ đồng.
Dù gom ròng nhiều cổ phiếu ngân hàng như OCB, MBB, mã VCB của Vietcombank lại lọt top bán ròng với quy mô 53,4 tỷ đồng.
Theo dõi giao dịch của tổ chức trong nước, dòng tiền tiếp tục rút khỏi các đại diện của các ngành thực phẩm & đồ uống, dầu khí như MSN (49,9 tỷ đồng), PVT (28,7 tỷ đồng), …