Tổ chức trong nước bán ròng 315 tỷ đồng tuần VN-Index rơi khỏi mốc 1.000 điểm, tập trung VPB, HPG
VN-Index quay đầu giảm điểm 2,9% sau một tuần hồi phục qua đó mất luôn ngưỡng tâm lý 1.000 điểm. Khối ngoại bán ròng và hoạt động giải chấp tại một số cổ phiếu bất động sản đã có phản ứng dây chuyền tiêu cực lên thị trường.
Cùng với đó, diễn biến căng thẳng về thanh khoản và cuộc đua lãi suất của một số ngân hàng cũng đã tác động bất lợi lên thị trường trong bối cảnh thanh khoản thị trường chứng khoán xuống thấp chờ thông tin.
Thị trường giảm điểm trên diện rộng với toàn bộ ngành kinh doanh đỏ lửa. Một số ngành giảm mạnh trên 9% bao gồm bán lẻ, tài nguyên cơ bản. Theo đánh giá của Chứng khoán BSC mùa công bố kết quả kinh doanh cơ bản hoàn thành và thị trường sẽ không còn thông tin hỗ trợ trong khi VN-Index đang quay trở lại vùng điểm nhạy cảm và khó lường.
Về giao dịch của khối tổ chức nội, họ có tuần bán ròng 315 tỷ đồng, tính riêng khớp lệnh họ rút ròng 729 tỷ đồng.
Dòng tiền tổ chức nội liên tục rút khỏi nhóm bất động sản, ngân hàng, thép
Theo thống kê từ Fiintrade, nếu tính riêng giao dịch khớp lệnh thì chiều bán ròng của các tổ chức trong nước áp đảo khi diễn ra ở 12/18 nhóm ngành.
Trong đó, ngành điện, nước & xăng dầu khí đốt được dòng tiền của các tổ chức nội hướng sự chú ý trong tuần 31/10 – 4/11 với giá trị 87 tỷ đồng. Bên cạnh đó, tổ chức trong nước cũng duy trì mua ròng hơn 64 tỷ đồng ở nhóm thực phẩm & đồ uống, hóa chất (60 tỷ đồng), dầu khí (12 tỷ đồng).
Ngoài ra, nhóm y tế, ô tô & phụ tùng… cũng thu hút sự chú ý của dòng tiền với giá trị thấp hơn.
Nhóm cổ phiếu xây dựng và vật liệu có tuần giao dịch sôi động hơn với tỷ trọng giá trị giao dịch đã được cải thiện lên 10,27% toàn thị trường, cao nhất trong 10 tuần liên tiếp, chỉ số giá ngành giảm 1,42%.
Cổ phiếu bất động sản vẫn là nhóm bị bán ròng nhiều nhất trong tuần với 304 tỷ đồng, chỉ số giá ngành giảm 5,27%.
Tương tự, cổ phiếu ngân hàng, tài nguyên cơ bản cũng nằm trong Top bán ròng với giá trị lần lượt là 223 tỷ đồng và 199 tỷ đồng.
Tuần qua, nhóm cổ phiếu ngân hàng có diễn biến phân hóa với 15/27 mã giảm giá và 12 mã tăng giá, mức giảm toàn ngành là 0,63%, là một trong những nhóm giảm ít nhất thị trường, trong đó mức giảm điểm chủ yếu do phiên thứ Sáu cuối tuần giảm 1,1%.
Chỉ số dòng tiền tích lũy của nhóm ngân hàng tăng mạnh trong tuần lên mức cao nhất trong vòng 3 tháng. Điều này cho thấy dòng tiền vào nhóm này đang tăng lên. Tương tự, chỉ số dòng tiền của nhóm ngân hàng tăng và duy trì ở vùng cao của 1 năm cho thấy so với thị trường chung nhóm này giao dịch mạnh hơn.
Nối tiếp, lực xả nhẹ hơn cũng được ghi nhận ở một số nhóm cổ phiếu, lần lượt là hàng & dịch vụ công nghiệp (69 tỷ đồng), hàng cá nhân & gia dụng (45 tỷ đồng), xây dựng & vật liệu (39 tỷ đồng), bán lẻ (18 tỷ đồng), bảo hiểm (12 tỷ đồng),…
VPB, HPG là tâm điểm bán ròng
Giao dịch tại chiều mua của tổ chức trong nước tuần qua không thật sự nối bật khi không mã nào hút ròng hơn 100 tỷ đồng. Cổ phiếu DPM của Tổng Công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí được tổ chức trong nước mua ròng mạnh nhất với 55,5 tỷ đồng.
Nối tiếp, các tổ chức nội gom ròng 53,7 tỷ đồng cổ phiếu VCB của Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank). Theo báo cáo cập nhật của Chứng khoán Yuanta Việt Nam, Vietcombank vẫn thận trọng duy trì tỷ lệ bao phủ nợ xấu ở mức cao nhất ngành.
VCB không giảm dự phòng để thúc đẩy tăng lợi nhuận quý III/2022 như những ngân hàng có tỷ lệ dự phòng tổn thất cho vay (LLR) cao khác. Tuy nhiên, nhóm phân tích vẫn tin rằng với tỷ lệ LLR cao sẽ giúp VCB có thể giảm dự phòng trong tương lai, từ đó thúc đẩy lợi nhuận quý IV/2022 và sau đó.
Nợ xấu nhóm 3 tăng 214% so với đầu năm. Tuy nhiên, chất lượng tài sản nhìn chung vẫn ổn định với tỷ lệ nợ xấu/ tổng dư nợ (NPL) thấp và tỷ lệ LLR cao.
Cổ phiếu đang giao dịch tương ứng với P/E 2022E là 2,4x. Chứng khoán Yuanta Việt Nam cho rằng VCB xứng đáng với mức định giá cao hơn so với ngành.
Cùng chiều, dòng tiền nhóm này cũng thực hiện gom ròng CTG (49,4 tỷ đồng), TCB (47,5 tỷ đồng) và VNM (45,9 tỷ đồng).
Trở lại chiều bán ròng, danh mục bán ròng của tổ chức trong nước có sự góp mặt của VPB (320,6 tỷ đồng).
Tại buổi gặp gỡ nhà đầu tư mới đây, Phó Tổng Giám đốc thường trực Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank), bà Lưu Thị Thảo cho biết hiện tại tiềm lực vốn của VPBank khá lớn với vốn chủ sở hữu hơn 100.000 tỷ đồng, vốn điều lệ đạt 67.000 tỷ đồng và mức lợi nhuận sau thuế 9 tháng đầu năm là 15.000 tỷ đồng, VPBank hoàn toàn có thể thực hiện mua cổ phiếu quỹ để gia tăng lợi ích cho nhà đầu tư trong dài hạn.
Ngân hàng dự kiến sẽ xin ý kiến của cổ đông về việc này vào cuối tháng 11 và sẽ có thông tin cụ thể tới nhà đầu tư, bao gồm cả khối lượng dự kiến mua và phương án mua để tiến hành khi điều kiện thị trường cho phép.
Một cổ phiếu ngân hàng cũng nằm trong danh mục rút vốn gồm ACB (144,5 tỷ đồng). Cuối cùng, top 5 bán ròng còn có các đại diện như HPG (187,9 tỷ đồng), VHM (120,1 tỷ đồng), REE (73 tỷ đồng).