|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Tình trạng thiếu hụt nguồn cung cá tra xuất khẩu sang Mỹ và EU có thể kéo dài đến tháng 8,9

11:52 | 16/05/2022
Chia sẻ
Một số nguồn tin cho biết trong số lượng hàng cá tra nguyên liệu còn lại, loại cá có kích cỡ lớn, không phù hợp để làm phi lê xuất khẩu sang Mỹ và Eu chiếm tỷ trọng không hề nhỏ. Dự kiến, tình trạng thiếu hụt nguồn cung có thể kéo dài đến tháng 8,9

Thị trường vẫn đang thiếu cá tra cỡ tiêu chuẩn

Theo trang Undercurrent News, nguồn cung cá tra kích cỡ tiêu chuẩn cho thị tường EU và Mỹ dự kiến sẽ tiếp tục thiếu trong vài tháng tới.

Một số nguồn tin cho rằng việc thiếu hụt nguồn cung này có thể kéo dài đến cuối tháng 8 và tháng 9.

Giá cá tra nguyên liệu đang ổn định ở mức cao nhất từ trước đến nay và đây cũng là một trong những ví dụ về việc lạm phát toàn cầu đang ngày một leo thang. Đối với trường hợp của cá tra, việc thiếu hụt nguồn cung là do nhiều hộ nông dân tỏ ra quan ngại việc thả giống trong giai đoạn dịch COVID-19 diễn ra căng thẳng hồi quý III/2021. 

Một số nguồn tin cho biết trong số lượng hàng cá tra nguyên liệu còn lại, loại cá có kích cỡ lớn, không phù hợp để làm phi lê xuất khẩu sang Mỹ và Eu chiếm tỷ trọng không hề nhỏ. 

“Thị trường Việt Nam tiếp tục sôi động, giá cá tra ở ngưỡng cao vì thiếu cá cỡ nhỏ trong khi nhu cầu lớn. Sẽ cần một khoảng thời gian nhất định để nguồn cung ổn định trở lại. Tôi cho rằng sẽ mất khoảng 3 - 4 tháng để có hàng”, một nhà nhập khẩu tại Mỹ cho biết.

Theo đại diện của Siam Canadian, bà Lê Thị Thuỳ Trang cho rằng chỉ khi nào lượng cá lớn được giải quyết hết thì nông dân mới bắt đầu thả giống trở lại: “Đại dịch COVID-19 bùng nổ mạnh vào năm ngoái khiến hoạt động sản xuất, nuôi cá bị đình trệ. Hoạt động thả mới cũng bị trễ mất 4 tháng. Chúng tôi kỳ vọng đến tháng 8, nguồn cung sẽ cải thiện hơn”.

Mặc dù vậy, bà Trang cảnh báo đối với những người nuôi cá rằng tháng 8, 9 nguồn cung loại cá cỡ vừa và nhỏ sẽ rất nhiều. Khi đó, nếu thị trường không hấp thụ kịp thì giá sẽ giảm rất mạnh. 
Một nhà nhập khẩu tại Châu Âu cũng cho rằng nguồn cung sẽ tăng trong tháng 8 và 9.

“Tuy nhiên, nhu cầu sẽ còn tăng mạnh hơn so với nguồn cung bởi hoạt động kinh doanh nhà hàng đã hoàn toàn mở cửa trở lại sau đại dịch và du lịch cũng phục hồi nhanh chóng”, vị này cho biết. 

Giá cá tra phi lê tại Châu Âu trong tháng 3 và 4 ổn định ở mức cao, khoảng 3,4 USD/kg. 

 Diễn biến giá cá tra phi lê xuất khẩu tại Châu Âu. (Đơn vị tính: USD/kg, Nguồn: Undercurrent News)

Nguồn cung cá tra giống cũng đang bị thiếu hụt

 Trả lời trang Undercurrent News, một nguồn tin cho biết nguồn cung cá tra giống hiện cũng đang thiếu, nhất là loại 30gram/con và giá rất cao. Hiện giá cá tra giống quanh mốc 55.000 - 60.000 đồng/kg. 

Giới chức nhiều tỉnh khuyển cáo người dân không nên đổ xô nuôi quá nhiều cá tra, tránh việc dư cung khiến giá giảm sâu như những gì đã diễn ra trong năm 2019.

“Đây cũng là nỗi lo của chúng tôi, nhiều hộ đang đổ xô thả giống trong vài tuần trở lại đây, nhưng dù sao hiện tại nguồn cung đang ở mức rất thấp”, vị này cho biết.

Ông nói thêm việc thả giống cũng đang bị cản trở bởi các chi phí đầu vào như giống, thức ăn, xăng dầu….đều tăng cao.

“Tôi cho rằng nhiều hộ vẫn đang lo lắng về rủi ro giá có thể giảm trong khi chi phí đầu vào đang ở mức cao. Và họ lại quay về vòng luẩn quẩn tái diễn liên tục trong nhiều năm qua. Hiện tại, lợi nhuận của người nông dân vẫn đang ở mức chấp nhận được khoảng 5.000 đồng/kg”.

Nhìn về dài hạn, vị chuyên gia này cho hay một số doanh nghiệp lớn như Công ty Cổ phần Vĩnh Hoàn, Công ty Cổ phần Thuỷ sản Việt - Úc, Alpha Aqua hay Pharmaq đang đầu tư phát triển cá giống, nâng tỷ lệ sống lên trên 50% và sản lượng cao hơn. 

“Các công ty đang thực hiện cải tiến lớn. Nếu sản lượng cá giống tăng lên 20% - 30%, điều đó có thể tác động khá lớn đến mọi thứ.  Chúng ta phải tính toán xem nếu tỷ lệ sống sót của cá tra lên 60% - 70% liệu nguồn cung ra thị trường quá nhiều không? Thức tế nhu cầu có hấp thụ được hết lượng cá đó không?”, ông nói. 

H.Mĩ