|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Tình thế nghiêm trọng của Volkswagen

07:21 | 04/09/2024
Chia sẻ
Volkswagen đang phải đưa ra quyết định khó khăn nhất, lần đầu tiên trong lịch sử 87 năm của hãng.

Theo CNN, hãng xe Volkswagen đang cân nhắc việc đóng cửa các nhà máy ở Đức khi công ty tìm cách cắt giảm chi phí sâu hơn trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng tăng từ các nhà sản xuất xe điện Trung Quốc.

Trong một tuyên bố hôm 2/9, hãng xe Đức cho biết họ không thể loại trừ khả năng đóng cửa nhà máy tại quê nhà. Bên cạnh đó, công ty cũng đã thực hiện các biện pháp khác để "bảo đảm tương lai" cho hãng như việc cố gắng chấm dứt thỏa thuận bảo vệ việc làm với các công đoàn, vốn đã được áp dụng từ năm 1994.

 Một nhà máy Volkswagen ở Đức. (Ảnh: Bloomberg).

"Ngành công nghiệp ô tô châu Âu đang ở trong tình trạng rất khó khăn và nghiêm trọng," CEO Volkswagen Oliver Blume nói.

Vị CEO nói thêm: "Môi trường kinh tế thậm chí còn trở nên khó khăn hơn, và các đối thủ cạnh tranh mới đang gia nhập thị trường châu Âu. Đức nổi tiếng với khả năng sản xuất đang ngày càng tụt hậu về khả năng cạnh tranh."

Volkswagen đã bắt đầu nỗ lực cắt giảm chi phí 10 tỷ euro (11,1 tỷ USD) vào cuối năm ngoái. Hãng này cũng đang mất thị phần ở Trung Quốc, thị trường lớn nhất của họ.

Trong nửa đầu năm nay, lượng xe giao cho khách hàng tại Trung Quốc giảm 7% so với cùng kỳ năm 2023. Lợi nhuận hoạt động của tập đoàn giảm 11,4% xuống còn 10,1 tỷ euro (11,2 tỷ USD). Kết quả kinh doanh không mấy khả quan ở Trung Quốc xảy ra khi hãng hụt hơi trước các thương hiệu xe điện địa phương, đáng chú ý là BYD, vốn cũng đang ngày càng trở thành mối đe dọa cho hoạt động kinh doanh của họ ở châu Âu.

"Chúng tôi đang nỗ lực cắt giảm chi phí," Blume nói với các nhà phân tích trong cuộc họp nhà đầu tư vào tháng trước, đề cập đến các kế hoạch giảm chi phí nhà máy, chuỗi cung ứng và lao động. "Chúng tôi đã thực hiện tất cả các bước tổ chức cần thiết. Và bây giờ vấn đề là chi phí, chi phí và chi phí," ông nói thêm.

Các kế hoạch cắt giảm chi phí của Volkswagen sẽ phải đối mặt với sự phản kháng mạnh mẽ từ các đại diện lao động, những người nắm giữ gần một nửa số ghế trong hội đồng giám sát của công ty - cơ quan bổ nhiệm các nhà quản lý điều hành.

IG Metall, một trong những công đoàn quyền lực nhất của Đức, đã đổ lỗi cho sự quản lý yếu kém về những thiếu sót của công ty và quyết tâm đấu tranh để bảo vệ việc làm.

"Hôm nay, ban lãnh đạo đã đưa ra một kế hoạch vô trách nhiệm làm lung lay nền tảng của Volkswagen, đe dọa nghiêm trọng đến việc làm và các nhà máy," nhà đàm phán chính của IG Metall, Thorsten Groeger nói trong một tuyên bố.

"Cách tiếp cận này không chỉ thiển cận mà còn cực kỳ nguy hiểm - nó có nguy cơ phá hủy trái tim của Volkswagen... Chúng tôi sẽ không dung túng cho các kế hoạch mà công ty đưa ra bằng cách hy sinh lực lượng lao động", phía IG MetallVolkswagen cứng rắn.

Hiện có gần 683.000 nhân viên trên toàn thế giới, trong đó khoảng 295.000 người ở Đức, theo báo cáo kết quả kinh doanh gần đây nhất của hãng.

Thomas Schaefer, CEO của bộ phận xe hơi Volkswagen, cho biết công ty vẫn cam kết với Đức "như một địa điểm kinh doanh". Ông nói thêm rằng VW sẽ khởi xướng các cuộc đàm phán khẩn cấp với đại diện nhân viên để tìm kiếm khả năng "tái cơ cấu thương hiệu một cách bền vững".

"Tình hình hiện nay cực kỳ căng thẳng và không thể giải quyết chỉ bằng các biện pháp cắt giảm chi phí đơn giản," Volkswagen cho biết.

Thành Vũ